![Cảnh giác cao với cúm mùa - Ảnh 1. Cảnh giác cao với cúm mùa - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/chich-ngua-cum-ra-sao-read-only-17391154059402120480282.jpg)
Cúm mùa là một trong những bệnh lý đáng lưu ý với những người có bệnh nền. Tiêm vắc xin rất quan trọng để phòng ngừa bệnh - Ảnh: M.H.
Cúm mùa tăng ra sao? Các chuyên gia y tế khuyến cáo gì?
Cúm mùa tấn công người mắc bệnh nền
Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận một số bệnh nhân bệnh chuyển nặng, suy hô hấp, tổn thương phổi. Điển hình như trường hợp ông L.V.T. (58 tuổi, Tuyên Quang) có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn.
Ông T. bị ho, sốt và khó thở, tự điều trị tại nhà suốt một tuần, tình trạng không cải thiện. Ông nhập viện, được xét nghiệm cúm A với kết quả dương tính.
Sau đó ông T. được chuyển đến Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Phổi người bệnh tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm bệnh nhiệt đới cũng đang điều trị cho bệnh nhân cúm có dấu hiệu trở nặng, trong đó đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, một số trường hợp là phụ nữ mang thai. Theo các chuyên gia, năm nay khí hậu miền Bắc trời lạnh kéo dài khiến ca mắc cúm gia tăng sau Tết.
Ông Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch…
Đổ xô đi tiêm vắc xin ngừa cúm
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân tại TP.HCM đã đổ xô đi tiêm vắc xin phòng cúm mùa tại các cơ sở y tế. Chị T.V. (31 tuổi, TP.HCM) cho hay đang làm nhân viên văn phòng nhưng tranh thủ xin nghỉ vài giờ để đến Viện Pasteur tiêm vắc xin phòng cúm.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết, số người đến tiêm vắc xin cúm mùa tại viện đã tăng gần gấp đôi so với trước đó. Nguyên nhân có thể là người dân lo ngại trước thông tin về diễn biến dịch cúm mùa tại miền Bắc đang gia tăng. Đặc biệt, có ca tử vong do nhiễm cúm tại Nhật Bản cũng khiến nhiều người quan tâm hơn đến việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tương tự, đầu năm 2025, số lượt người đến tiêm chủng tại Trung tâm tiêm chủng Long Châu tăng 5% so với cuối năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tiêm vắc xin cúm và phế cầu tăng gấp đôi. Còn tại Trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước cho thấy ngay từ ngày mùng 4 Tết, tỉ lệ trẻ em và người lớn đến tiêm vắc xin cúm tăng hơn 50% so với những ngày cận Tết.
Ai cần lưu ý cúm mùa?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay hiện nay bệnh cúm tại Việt Nam không ghi nhận biến chủng mới, chủ yếu vẫn là cúm A/H1N1, A/H3N2 và B...
PGS Đỗ Duy Cường cho biết: "Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như là sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ, uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện.
Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì vi rút sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao".
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lân, phòng tiêm chủng Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cúm mùa là một trong những bệnh lý nguy hiểm, thế nhưng hiện nay người dân vẫn còn chủ quan chưa quan tâm đúng mức.
Trung bình những người lớn tuổi tại Việt Nam (60 tuổi trở lên) mắc từ 2-3 bệnh nền, khi mắc bệnh cúm, viêm phổi sẽ làm bệnh nặng lên. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Một số nơi tăng ca bệnh cúm
Tại TP.HCM, năm 2024 hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của TP ghi nhận có khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm, trong đó có 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, thời điểm từ trước Tết Nguyên đán đến nay số người dân mắc các triệu chứng cúm mùa, viêm đường hô hấp tăng. Tuy nhiên do triệu chứng nhẹ nên thường không đến các cơ sở y tế điều trị.
Ghi nhận tại các nhà thuốc trên địa bàn cho thấy số người đến mua thuốc điều trị triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp lại rất đông. Theo Trung tâm tiêm chủng thuộc CDC Cần Thơ, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục trường hợp tiêm ngừa cúm; trong mấy ngày gần đây có từ 250 lượt tiêm/ngày.
Dịch cúm ở nhiều nước phức tạp, Việt Nam tăng cường theo dõi
Ông Hoàng Minh Đức, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam đã ghi nhận tình hình dịch cúm tại Nhật Bản với hơn 9,5 triệu ca khiến hệ thống y tế đối mặt với áp lực nghiêm trọng.
Theo ghi nhận đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.
"Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời.
Đồng thời cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan; đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả", ông Đức thông tin.
Không phải cứ cúm là dùng Tamiflu
![Cảnh giác cao với cúm mùa - Ảnh 2. Cảnh giác cao với cúm mùa - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/9/thuoc-ngua-cum-a-read-only-1739115405935241616622.jpg)
Một số cửa hàng thuốc tư vấn thay thế Tamiflu bằng thuốc Flustad sản xuất tại Việt Nam với giá rẻ hơn để điều trị cúm A - Ảnh: THU HIẾN
Mỗi đợt có số ca mắc cúm gia tăng, thị trường thuốc Tamiflu - thuốc kháng vi rút điều trị cúm A - lại "nhảy múa". Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá là người dân mua thuốc tích trữ, nhu cầu tăng cao.
Thuốc Tamiflu lại "đu trend" loạn giá
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những ngày gần đây thuốc Tamiflu - thuốc kháng vi rút cúm A - cũng theo đó tăng giá, khan hiếm thuốc. Nguyên nhân là do người dân có tâm lý mua thuốc dự trữ để sử dụng khi mắc cúm A, sợ giá sẽ tăng, khan hiếm thuốc thêm nếu dịch bùng phát.
Sáng 9-2, ở Hà Nội, tại một cửa hàng thuốc (quận Hà Đông), dược sĩ đứng quầy tư vấn chỉ uống thuốc Tamiflu khi đã xác định mắc cúm A và thuốc có tác dụng trong 48 giờ từ khi bắt đầu sốt. "Từ Tết đến nay giá thuốc có tăng hơn, hiện chỉ còn 4 hộp. Đợt này đang dịch cúm A nên thuốc khan hiếm hơn", người này nói.
Một số cửa hàng khác báo hết hàng hoặc tư vấn sang các loại thuốc kháng vi rút khác được sản xuất tại Việt Nam.
Còn tại TP.HCM, một số hiệu thuốc cho hay đã hết hàng thuốc Tamiflu trị cúm từ lâu. Một số nhà thuốc cho biết thời điểm này rất nhiều người có triệu chứng của cảm cúm đến mua thuốc. Hiệu thuốc P. (TP Thủ Đức. TP.HCM) rao bán Tamiflu là 69.000 đồng/viên, hộp 10 viên 690.000 đồng.
Mặc dù Tamiflu là thuốc kháng sinh chỉ được bán khi có chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên một số cửa hàng thuốc vẫn bán dù không có đơn thuốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện phòng quản lý kinh doanh dược, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho hay sẽ rà soát, kiểm tra tình hình cung ứng thuốc Tamiflu. Ông cũng cho hay hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc kháng vi rút cúm A chứ không chỉ có Tamiflu.
Không tự ý dùng Tamiflu
TS Đỗ Thiện Hải, Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu hay dự trữ sử dụng.
"Đây là thuốc dùng để ức chế vi rút nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của vi rút ở đường hô hấp. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu.
Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng", bác sĩ Hải thông tin.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cảnh báo không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng loại thuốc đặc trị kháng vi rút.
Thuốc Tamiflu phải dùng đúng chỉ định, chỉ dùng Tamiflu trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt như bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng (mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch…).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận