Bà Liên kể mình bị lừa lấy mất 3 xấp vé số - Video: ĐỨC TÀI
Ngày 17-7, tại bệnh viện, cháu N.V. L. (13 tuổi, trú xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cậu bé bị một thanh niên đánh đập, cướp tiền vẫn còn đau đớn do tay phải bị gãy xương trụ phải bó bột.
Khắp cơ thể em in hằn những vết bầm tím do bị đánh.
Cướp tiền, vé số của trẻ em
L. kể ba năm nay, từ lúc 10 tuổi, thấy cảnh gia đình nghèo khó nên mỗi khi nghỉ hè, em xin mẹ lấy vé số đi bán với suy nghĩ "là con nít thì người ta sẽ thương tình, mua giúp".
Em khóc nấc nghẹn khi nhớ lại cảnh bị người đàn ông , đánh đập tàn nhẫn.
"Ổng lừa cháu là có một người trúng vé số tiền tỉ nên chở cháu đến gặp họ xin ít tiền. Cháu cũng nghĩ nhà mình nghèo, đến người ta thương cho ít nên mới đồng ý lên xe ổng chở đi. Ai ngờ ổng lấy hết 1,2 triệu , rồi còn đánh đập cháu nữa" - nói đến đây, L. bật khóc.
Không khóc vì bị đánh đau khắp thân thể, L. khóc vì tiếc của, tiếc số tiền bị cướp. 1,2 triệu đồng lớn lắm đối với nhiều đứa trẻ con nhà nghèo.
Cháu L. bị thanh niên dụ dỗ chở đi, sau đó cướp tiền, đánh đập dã man - Trích xuất camera trên đường
Cháu L. bị cướp tiền, đánh gãy tay - Ảnh: LÊ TRUNG
Chúng tôi cũng gặp V., cô bé 15 tuổi sống ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam đang tranh thủ dịp nghỉ hè bán vé số phụ gia đình. V. kể có một lần chạy xe đạp trên đoạn đường vắng thì gặp một người thanh niên đi xe máy gọi lại mua vé số.
Sau khi cô bé đưa xấp vé, người đàn ông này nhấn ga xe bỏ chạy mất hút đến nỗi em không kịp phản ứng.
"Từ đó mỗi khi chạy trên đường vắng người cháu cảnh giác, không dám bán vé số mà chỉ bán ở những nơi đông người, sợ bị cướp" - V. tâm sự.
Những "chiêu" lừa vô tâm
Ở Quảng Nam, số người sinh sống bằng nghề bán vé số nhiều vô kể. Mọi ngóc ngách, quán xá đều bắt gặp những thân phận nghèo khổ, lầm lũi cầm những xấp vé số bán.
Ở đó, không chỉ người lành lặn, mà chúng ta còn bắt gặp những cụ già, người khuyết tật. Với họ, chuyện bị cướp, lừa đảo như cơm bữa, trong đó có nhiều chiêu lừa đảo tàn nhẫn và tinh vi, khó có thể phát hiện.
Người chồng mù theo vợ bán vé số ở Quảng Nam - Ảnh: ĐỨC TÀI
Bà Hương, người bán vé số ở TP Tam Kỳ - Ảnh: ĐỨC TÀI
Xấp vé số mà bà Hương bị lừa, khi đem đến đại lý bị trả lại vì không hợp lệ - Ảnh: ĐỨC TÀI
Bà Võ Thị Hương (55 tuổi, trú ở TP Tam Kỳ) người bán vé số dạo cho biết bà vừa bị khách hàng mua vé số lừa với số tiền 1 triệu đồng bằng hình thức sử dụng những tờ vé số đã mua trước đây, lấy 2 số dán vào số đuôi của 20 tờ vé số khác để giả dạng trúng giải.
"Hôm đó có một người thanh niên gọi tôi đến hỏi đổi 20 tờ vé số trúng giải tám với số tiền 2 triệu đồng. Vì mới bán được 1 triệu nên tôi chỉ đổi 10 tờ. Đến khi mang đến đại lý họ mới bảo tôi bị lừa. Không hiểu tại sao họ lại lừa những người cơ cực như mình nữa" - bà Hương kể, mặt buồn rầu.
Người tàn tật mà nó còn lừa!
Mỗi ngày đi xe lăn vượt quãng đường hơn 15km từ huyện Thăng Bình vào TP Tam Kỳ bán vé số để nuôi con đang học đại học, ông Ung Nho Tỵ (55 tuổi, bị cụt hai chân) tâm sự 20 năm làm nghề, ông đã nếm trải những cú lừa lọc đau điếng người.
Lần đó, có một thanh niên ở TP Tam Kỳ mua xấp vé số của ông và đưa tờ 500.000 đồng. Đến chiều, khi về nhà cầm tiền đến cửa hàng mua đồ mới té ngửa vì đó là tiền giả.
Mới đây, ông bán vé số cho hai thanh niên ở một quán cà phê. Khi đưa mấy xấp vé số cho người này thì người kia giả vờ ôn tồn trò chuyện. Không để ý, đến khi họ bỏ đi, ông mới té ngửa người đó đã nhanh tay bỏ nhiều tờ vé số vào túi của mình.
"Đến người tàn tật như tui mà nó còn nỡ nhẫn tâm lừa lọc thì huống chi" - ông Tỵ bỏ lửng câu nói.
Ông Dũng đi xe lăn bán vé số - Ảnh: ĐỨC TÀI
Một thanh niên khuyết tật bán vé số ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị tai nạn nên chân phải ông Nguyễn Văn Dũng (60 tuổi) bị tật. Hàng ngày, ông phải đi xe lăn đến các quán cà phê bán vé số để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Một lần, trong khi lấy vé dò cho khách, ông Dũng bị người này tráo đổi 3 xấp vé số ngày hôm trước lấy 3 xấp vé của ngày hôm nay. 3 xấp vé số 60 tờ, tính thành tiền là 600.000 đồng.
"Do các xấp vé được tráo đổi nằm ở giữa, đến khi bán cho khách khác mới phát hiện bị lừa. Buồn lắm" - ông Dũng nói.
Nâng cao cảnh giác
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Nguyễn Đức Dũng - thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - khuyến cáo những người bán vé số cần nâng cao cảnh giác, cẩn thận để không bị các đối tượng xấu lừa lọc, dụ dỗ, lợi dụng sự mất cảnh giác của mình để phạm tội, nhất là những chỗ vắng người.
Đối với các cháu nhỏ, phụ huynh cần nhắc nhở, bảo ban các cháu. Người dân khi gặp những trường hợp nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
"Phụ huynh cũng không nên chủ quan để con mình đi bán vé số đường xa, nhắc nhở các cháu không để bị đối tượng xấu lợi dụng. Không chỉ chuyện cướp giật tài sản, với những bé gái còn dễ xảy ra tình trạng xâm hại tình dục. Vì vậy, vai trò của gia đình là hết sức quan trọng" - đại tá Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận