08/04/2016 08:29 GMT+7

​Không giấu gì được

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Khoan bàn tới mục đích hay những hệ lụy mà "nhiều người" đang lo sợ, “tài liệu Panama” trước hết là một lời nhắc nhở, rằng không giấu gì được dưới bầu trời này, trong kỷ nguyên kỹ thuật số này.

Vụ rò rỉ “tài liệu Panama” vì mục đích gì, đặc biệt nhắm vào ai trong số những người “tai to mặt lớn” đương chức, đương quyền tại nhiều quốc gia bị “tung hê”, trong một góc nhìn nào đó chính là một cảnh báo rằng cái họa “bật mí” có thể lây lan đến nhiều nơi và làm chao đảo nhiều nước. 

Việc thủ tướng Iceland phải từ chức chỉ vài ngày sau khi bị rò rỉ thông tin trốn thuế cho thấy đây chính là một hiểm họa khôn lường cho bất cứ ai đã “nhúng chàm”. 

Không lấy làm lạ tại sao ở một quốc gia đông dân nọ, ngay từ thứ hai đầu tuần, an ninh mạng đã kiểm duyệt các thông tin từ “tài liệu Panama” trên báo chí cùng các trang mạng xã hội ở nước này - thiên hạ đồn rằng ông anh rể của một VIP bị lộ mấy trăm triệu USD tài sản tẩu tán.

Thậm chí ở đó, người ta đã “cẩn tắc vô áy náy” đến độ “khóa” luôn mọi tìm kiếm có từ “Panama”, gõ mỗi từ “Panama” cũng không xong! Nghe nói, có đến ba VIP của nước này có thân nhân “bị lộ” trong “tài liệu Panama”. 

Một nước khác cũng vào hàng đông dân ở Nam Á cũng có cả lô chính khách có tên trong “tài liệu Panama”, kể cả nhân vật số 1. Rõ ràng là nước này sẽ không “hoan nghênh” việc rò rỉ “tài liệu Panama”!

Thế nhưng, nếu có những chính phủ ái ngại “tài liệu Panama” thì ngược lại cũng có những chính phủ có lẽ sẽ tận dụng nguồn tư liệu này: 33 tỉ phú trong danh sách tỉ phú của báo Forbes được đếm ra trong “tài liệu Panama” ắt hẳn sẽ không yên thân từ nay!

Có thể thấy tính hữu dụng của “tài liệu Panama” đối với các chính phủ muốn “làm sạch nhà cửa”: cho tới nay những trường hợp tham ô, cho dù có bị một nước thứ ba công bố, cũng vẫn có thể được che chắn bởi lập luận: chứng cớ đâu mà họ bảo tôi “ăn”?

Nay, do lẽ “tài liệu Panama” là cả một nguồn chứng từ, bút toán điện tử (do ai đứng tên, chuyển bao nhiêu, ngày giờ nào, đi đâu, cho ai, để làm gì…) rõ ràng nên sẽ khó lòng phủ nhận, trừ phi chối bỏ luôn quan hệ với người đứng tên bị lộ! 

Trong một góc nhìn nào đó, như từ Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc 2003 thì những rò rỉ từ “tài liệu Panama” sẽ góp phần giúp thực thi công ước này khi mà cho đến nay các quốc gia thành viên vẫn chưa thể  “thực hiện các biện pháp khả thi nhằm phát hiện, kiểm soát việc chuyển tiền mặt và các công cụ có giá trị qua biên giới nước mình” (điều 14-1 b), chưa kịp “hợp tác và trao đổi thông tin ở cấp quốc gia và quốc tế” (điều 14-2)…

Những ai đã từng “nhúng chàm” có lẽ đang hồi hộp đợi xem tên mình có bị “bêu” hay không. 

Chính vì thế, cũng có thể xem đây là một điều khả dĩ tích cực đối với công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi nước. Đó là một cảnh báo rằng những “phi vụ” chuyển tiền ra nước ngoài, tậu bất động sản lấy thẻ xanh chẳng hạn, cho tới nay cứ ngỡ là kín đáo cũng sẽ có lúc bị “lột trần”.

Và “tài liệu Panama” còn là một lời nhắc nhở rằng không giấu gì được dưới bầu trời này, trong kỷ nguyên kỹ thuật số này!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên