Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vào sáng 12-5 giờ địa phương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Quan hệ Việt - Mỹ cũng như hương vị của các món ăn vậy, có chua, cay, mặn, ngọt nhưng tổng thể lại tạo ra một món ăn rất hấp dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ví von về quan hệ hai nước, khiến nhiều khách mời tại khán phòng bật cười thích thú.
"Tăng trưởng thương mại của hai nước ấn tượng từ 17-20%/năm, chứng tỏ không gian phát triển kinh tế là rất lớn. Dư địa còn rất nhiều", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Động lực, cảm hứng mới
Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta ngồi trong khán phòng này mà không phải đeo khẩu trang chính là nhờ đoàn kết quốc tế chung tay chống đại dịch COVID-19.
"Đến giờ này, hai nước đã cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh. Chúng ta đã và đang có những động lực, cảm hứng mới cho sự phát triển của hai nước trong giai đoạn mới nhằm mang lại lợi ích cho người dân, hòa bình, hợp tác và phát triển cho khu vực và thế giới", Thủ tướng nói và cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.
Sau đó, Thủ tướng điểm lại một số thành tựu về hợp tác thương mại giữa hai nước: Việt Nam là đối tác lớn thứ 9 của Mỹ và Mỹ là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam về thương mại. Năm 2021, thương mại song phương đạt khoảng 112 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 90 tỉ USD, dù 2021 là năm khó khăn nhưng thương mại đạt kỷ lục.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung cho đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đồng thời chỉ ra: "Hai nền kinh tế của chúng ta bổ sung cho nhau và không triệt tiêu. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hai nước".
Thủ tướng mong muốn các đối tác, doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội dựa trên tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm và "lợi ích phải hài hòa, rủi ro phải chia sẻ".
Ông Ted Osius, chủ tịch và giám đốc điều hành USABC, cho biết cộng đồng doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam.
"Chúng tôi đang hỗ trợ giúp Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển y tế. Số lượng các doanh nghiệp tham gia đông đảo trong sự kiện này là minh chứng rõ ràng về mối quan hệ mà chúng tôi đặt vào Việt Nam. Mỹ hiểu rõ hai nước quan trọng như thế nào với nhau", cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói.
Bà Katherine Tai, trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cho biết USTR tập trung vào phát triển kinh tế số vì nó "sẽ thay đổi nhanh chóng trong thị trường toàn cầu". Bà Tai cho biết nền kinh tế số sẽ bảo vệ quyền của người lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, và Mỹ "mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này".
Giải quyết gián đoạn chuỗi cung ứng
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các quốc gia ASEAN, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Trưởng USTR Katherine Tai gặp cộng đồng doanh nghiệp Mỹ để trao đổi về hợp tác kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ như Google, Abbott, Qualcomm, GE, Boeing, AES, Chevron...
Tại sự kiện này, ông Ted Osius nhấn mạnh ASEAN là khu vực có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến Mỹ cả hiện tại và trong tương lai. Hai nền kinh tế có tác động bổ trợ lẫn nhau và trong thời gian qua đã cùng hợp tác, triển khai thực hiện nhiều sáng kiến hợp tác hiệu quả.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khẳng định Tổng thống Biden và Chính phủ Mỹ luôn coi ASEAN là đối tác trung tâm, quan trọng hàng đầu của Mỹ. Bà cho biết trong thời gian tới, việc hợp tác sẽ tập trung vào việc giải quyết sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, xử lý khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, năng lượng sạch vì sự tăng trưởng bao trùm, bền vững.
Bà Raimondo cho biết Mỹ và ASEAN cũng sẽ tăng cường hợp tác về công nghiệp, đặc biệt là công nghệ sạch, giảm phát thải khí nhà kính, phi carbon hóa. Mỹ cam kết sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN, coi đây là một trong những trọng tâm, vì sự phát triển, thịnh vượng của khu vực.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ASEAN mong muốn doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ phát triển kỹ thuật số, tăng cường giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng hai bên đã có nhiều sáng kiến hợp tác, tuy nhiên cần huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển năng lượng xanh, xây dựng tiêu chuẩn năng lượng xanh; mong muốn Mỹ hỗ trợ xây dựng năng lực và trợ giúp kỹ thuật.
Ông Biden nói sẽ thu xếp thăm Việt Nam
Tôi 12-5 giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại thủ đô Washington.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ cá nhân ông luôn dành nhiều tình cảm cho đất nước và người dân Việt Nam.
Tổng thống Biden mong muốn hợp tác hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển hơn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế thương mại, phòng chống dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam mong muốn Mỹ tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng bền vững.
Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng chuyển lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Joe Biden sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Biden trân trọng cảm ơn và cho biết sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp với cả hai bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận