Điểm mới ở lần trình này là Chính phủ quyết định không thực hiện giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% như đề xuất trước đó.
Theo đó, việc giảm thuế này sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đây là chính sách đã thực hiện trong năm 2022.
Loại trừ một số nhóm hàng không giảm thuế VAT
Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh quý 1-2023 GDP tăng 3,32%, thấp hơn nhiều mục tiêu và kịch bản đề ra (5,6%). Tăng trưởng chủ yếu ở khu vực dịch vụ và nông - lâm - thủy sản, còn công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng lại suy giảm.
Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc số lượng lớn công nhân do bị giảm hoặc không có đơn hàng. Việc này khiến đời sống người lao động khó khăn.
Hiện nhiều nước cũng áp dụng các giải pháp về thuế để giải quyết khó khăn trực tiếp về dòng tiền cho doanh nghiệp, như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất…
Dự báo tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó khăn với nền kinh tế và doanh nghiệp tăng, tạo sức ép lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực.
Chính phủ ước tính, áp dụng giảm thuế này trong nửa cuối năm 2023, ngân sách giảm thu khoảng 24.000 tỉ đồng. Tức là so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ, mức giảm thu ngân sách là 35.000 tỉ đồng thì với phương án mới đề xuất, việc giảm thu ngân sách sẽ được hạn chế hơn.
Chính phủ đánh giá mức giảm này là hợp lý trong bối cảnh thu ngân sách từ cuối năm 2022 đến nay có xu hướng giảm. Lũy kế thu quý 1-2023 đạt 411.800 tỉ đồng, bằng gần 31% dự toán và tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022.
Nhưng nếu trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 thì số thu ba tháng đầu năm nay giảm 6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu từ xuất nhập khẩu bằng gần 27% dự toán, giảm trên 16% so với cùng kỳ.
Số thu ngân sách giảm 24.000 tỉ đồng nếu giảm thuế VAT
Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp do giảm thuế VAT về 8% sẽ góp phần giảm giá bán, giảm trực tiếp chi phí của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ được lợi do giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng kinh doanh.
Năm ngoái, thuế VAT cũng giảm 2% trừ các nhóm ngành như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản… Việc giảm thuế này đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỉ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng thời kích cầu nội địa với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20% so với trước. Thu thuế VAT nội địa không giảm, mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Trước đó, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng giảm thuế VAT như năm 2022 do lo ngại ngân sách hụt thu lớn trong khi tình hình thu khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp sụt giảm.
Ngoài ra, nếu áp dụng giảm thuế tương tự năm 2022 cũng giúp Chính phủ thuận lợi khi thực thi chính sách do đã được đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm.
Cơ quan thường trực Quốc hội lưu ý, giảm 2% thuế VAT không được làm giảm thu và tăng bội chi ngân sách năm nay, để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận