03/08/2024 19:48 GMT+7

Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề kiểm tra: Giáo viên nói gì?

Không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ môn ngữ văn sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong đề thi môn ngữ văn tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025.

Học sinh TP.HCM tham gia tư vấn tuyển sinh lớp 10 vào tháng 3-2024 - Ảnh: MỸ DUNG

Học sinh TP.HCM tham gia tư vấn tuyển sinh lớp 10 vào tháng 3-2024 - Ảnh: MỸ DUNG

Đề thi ngữ văn trong tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp THPT thay đổi

"Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ môn ngữ văn. 

Điều này theo cách hiểu của tôi là nhấn mạnh đến việc đề thi ngữ văn tuyển sinh 10 và đề thi ngữ văn trong tốt nghiệp THPT năm 2024 - 2025 sẽ hoàn toàn sạch bóng các tác phẩm trong sách giáo khoa", tổ trưởng bộ môn ngữ văn một trường THCS tại TP.HCM nói.

Vì thế, điều này sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản trong cách dạy của giáo viên lớp 9 và lớp 12. Hai lớp cuối cùng năm học trước còn thực hiện chương trình cũ 2006, trong năm học 2024 - 2025.

Đề thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi nhiều khi không được dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Điều này cũng dẫn tới những thay đổi trong kiểm tra, đánh giá tại trường các em học sinh đang học.

"Chắc chắn sẽ có những thay đổi theo hướng làm sao để trang bị cho học sinh kỹ năng, năng lực làm bài. Nhưng may mắn thay, ba năm qua học sinh cũng đã được dần làm quen với chương trình mới, lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa".

Học sinh TP.HCM nghe tư vấn tuyển sinh lớp 10 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh TP.HCM nghe tư vấn tuyển sinh lớp 10 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: NHƯ HÙNG

Có tình trạng giáo viên "gài" bài ngoài sách giáo khoa trong kiểm tra định kỳ

Cũng theo thầy giáo này, sau ba năm thực hiện chương trình 2018 có rất nhiều chuyện "cười ra nước mắt" trong việc giáo viên chọn lựa tác phẩm để làm đề thi như chọn tác phẩm không phù hợp, chọn tác phẩm phản cảm… bởi giáo viên đã quen với cách dạy, cách học cũ chỉ ra bài trong sách giáo khoa.

Vì thế, có những trường hợp, trong kiểm tra, đánh giá giáo viên "gài" trước tác phẩm cho học sinh để lách luật về yêu cầu ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Thậm chí một số ban giám hiệu cũng chỉ đạo đồng thuận với cách xử lý "gài" bài trước cho học sinh của các giáo viên "vì bệnh thành tích của giáo viên và nhà trường, vì muốn học sinh làm bài đạt điểm cao...".

Với quy định không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa này, nhiều giáo viên được phân công dạy lớp 9 và lớp 12 sẽ rất lo lắng vì mấy năm qua họ vẫn đang dạy theo chương trình 2006 và ra đề thi theo chương trình 2006.

Như vậy, giáo viên phải dạy cho học sinh lớp 9 và lớp 12 về kỹ năng, năng lực làm bài ra sao, để các em có thể làm tốt bài thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp THPT. Đây là một thách thức lớn, và giáo viên đang rất lo lắng.

Ngữ liệu phải ngoài sách giáo khoa, lo học sinh học văn ngày càng "hời hợt"

Tổ trưởng bộ môn ngữ văn một trường THPT tại TP.HCM cho biết trường đã thực hiện việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ khoảng 10 năm nay.

"Điểm yếu mà 10 năm qua giáo viên chúng tôi chưa tìm được cách khắc phục đó là độ sâu trong cảm nhận văn chương của học sinh.

Trước đây, học sinh được học theo kiểu một bài mà phân tích tới phân tích lui, thật sâu từng câu, từng từ, từng đoạn. Sau đó học sinh được giáo viên gợi ý chủ động mở rộng tìm kiếm tài liệu. Nên khi học văn, các em hiểu tác phẩm sâu sắc, qua đó cũng dễ hình thành nên tư tưởng và thấm vào tâm hồn những điều tốt đẹp, tích cực trong các tác phẩm.

Với kiểu học của chương trình mới thì mang tính ứng dụng nhiều hơn nhưng lại thiếu sự sâu sắc đó, các em hầu như học hời hợt tác phẩm. Đó là nhược điểm của kiểu học mới khi được quy định không cho dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề thi".

Một cuộc đổi mới nhìn từ đề thi vănMột cuộc đổi mới nhìn từ đề thi văn

Năm 2011 - 2012 là thời kỳ Bộ GD-ĐT bắt đầu xây những "viên gạch" đầu tiên của công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên