13/11/2020 15:23 GMT+7

Không dùng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước khi xử phạt hành chính

N.AN
N.AN

TTO - Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình việc bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước" vì thực tế thi hành cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính.

Không dùng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước khi xử phạt hành chính - Ảnh 1.

Các đại biểu thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính chiều 13-11 - Ảnh: N.K.

Chiều 13-11, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, với riêng quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có 452 đại biểu tham gia, có 390 đại biểu tán thành bằng 80,91% và không tán thành 56 (11,62%) và 6 đại biểu không biểu quyết.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay do còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội đối với quy định này nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến.

Theo đó, với phương án 1, không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước", có 207/399 phiếu lấy ý kiến (trong tổng số 481) ủng hộ.

Do số lượng đại biểu Quốc hội ủng hộ từng phương án chênh lệch không lớn, đều chưa vượt quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình cả hai phương án và đa số các ý kiến đều tán thành phương án 1 là không bổ sung biện pháp cưỡng chế này.

Luật xử lý vi phạm hành chính vừa thông qua với 92,53% đại biểu tán thành cũng quy định: một người vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi, trừ trường hợp được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng.

Người vi phạm sẽ phải nộp một khoản tiền tương đương với giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc đã được đăng ký thế chấp tài sản.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm, luật thông qua bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; quy định thẩm quyền xử phạt của thủ trưởng cơ quan hải quan và cơ quan thuế (từ chi cục trưởng trở lên) đối với 3 hành vi cụ thể trong lĩnh vực thuế.

Bổ sung các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính

Các đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính được luật mới thông qua bổ sung thêm bao gồm các trường hợp: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và tái phạm trong thời gian 6 tháng về các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép mà không phải là tội phạm.

Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính, tái phạm với các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình mà không phải là tội phạm.

Ngoài ra, luật cũng quy định đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy là phù hợp nhằm tránh phát sinh mâu thuẫn giữa hai luật.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên