Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc dùng nhiều “chiêu thức” khác nhau, có lúc là “đường lưỡi bò” vô căn cứ, có lúc họ đưa ra những lập luận mơ hồ, giải thích xiên xẹo các quy định của luật quốc tế chỉ cốt để phục vụ ý đồ của họ.
Từ năm 1999, Trung Quốc tự đưa ra cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông”, bắt đầu từ 16-5 hằng năm, vào thời điểm biển êm dịu nhất và là mùa thu hoạch lớn nhất của ngư dân.
Đặt ra cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá” này, Trung Quốc muốn tạo ra một “quyền lịch sử” vốn được nhắc tới trong luật biển quốc tế.
Tức là nếu Trung Quốc duy trì độc quyền việc đánh bắt cá trên biển Đông trong một thời gian đủ dài, họ sẽ lý luận là tạo ra một “quyền lịch sử”, cụ thể với quyền đánh bắt cá, nhằm giành quyền ưu tiên cho phía họ độc quyền khai thác biển Đông.
Dưới góc độ luật quốc tế, Trung Quốc không có đủ tư cách để đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông vì các lý do sau:
Thứ nhất, biển Đông không phải là của Trung Quốc, không có bất kỳ bằng chứng cũng như quy định nào của luật quốc tế chấp nhận việc cho rằng vì người Trung Quốc đã tới biển Đông sớm nhất nên nó thuộc về chủ quyền của Trung Quốc.
Chủ quyền quốc gia theo như luật quốc tế quy định phải do nhà nước thực hiện hoặc đại diện nhà nước thực hiện, chứ cá nhân, các người dân không thể thiết lập nên chủ quyền.
Nhà khảo cổ học phương Tây Michael Flecker cung cấp trong một hội thảo vừa qua tại Singapore sau khi khảo sát 40 tàu đắm ở khu vực biển Đông, cho biết rằng xác tàu đắm sớm nhất của người Trung Quốc được tìm thấy có niên đại khoảng thế kỷ XII, còn các tàu đắm của các quốc gia Đông Nam Á tìm thấy trên khu vực biển này có niên đại từ thế kỷ thứ IV.
Thứ hai, “lệnh cấm đánh bắt cá” này thực chất chỉ để tạo độc quyền cho ngư dân Trung Quốc khai thác, phục vụ những ý đồ chính trị sâu xa cho chính quyền Trung Quốc.
Chính các hoạt động cải tạo lấn biển bồi lấp hiện nay của Trung Quốc ở biển Đông là nguyên nhân gây đe dọa đến môi trường nghiêm trọng, với nguy cơ hủy hoại những rạn san hô nguyên sơ chưa từng được khai phá ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và đương nhiên đe dọa đến nơi sinh sống của các đàn cá ở đây.
Các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa, Trường Sa và những loài sinh vật ở đây nằm trong diện cần được bảo vệ theo luật pháp quốc tế.
Bất kỳ quốc gia nào tiến hành hoạt động có nguy cơ gây hủy hoại không thể tránh khỏi hoặc nghiêm trọng đến môi trường biển khu vực và nguy cơ hủy hoại các rạn san hô, ngư trường của các nước tiếp giáp biển Đông cần phải tham vấn với các nước bị tác động.
Trong bản đồ thể hiện phạm vi của “lệnh cấm đánh bắt cá” này cho thấy dường như Trung Quốc đã đưa cả khu vực đánh cá chung thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo hiệp định hợp tác nghề cá mà hai bên Việt - Trung đã ký kết năm 2000 và phê chuẩn năm 2004 vào trong khu vực cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc tự ý tuyên bố.
Điều này cho thấy Trung Quốc chẳng những không coi luật quốc tế ra gì, mà những thỏa thuận song phương với láng giềng họ cũng không thực hiện.
Để duy trì và bảo vệ được an ninh, an toàn hàng hải cũng như bảo vệ ngư trường, môi trường của biển Đông, Trung Quốc phải chấm dứt việc đơn phương tuyên bố những lệnh cấm vô lý, ngang ngược như “lệnh cấm đánh bắt cá” này.
Đồng thời, Trung Quốc phải cùng ký kết với ASEAN Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để giảm thiểu tình trạng căng thẳng. Đó mới là biện pháp để bảo vệ và phát triển biển Đông một cách hòa bình và lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận