Đánh giá về tăng trưởng GDP tại họp báo Chính phủ thường kỳ tối 30-9, ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn, khó lường, kết quả tăng trưởng quý 3 không phải con số đột phá, nhưng so sánh với các nước trong khu vực, thế giới, tăng trưởng của Việt Nam ở mức cao.
Không phải con số đột phá
Dẫn chứng, Malaysia, Singapore, Úc chỉ tăng 1-3% nhưng Việt Nam tăng 5,33% trong quý 3-2023, ông Phương nói đây là mức tăng tích cực, đóng góp cho tăng trưởng 9 tháng đạt 4,24%, nhờ vào ba động lực tăng trưởng, gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.
Về giải ngân đầu tư công, 9 tháng đầu năm giải ngân đạt 51,38%. "Nếu so với cùng kỳ các năm trước chưa bao giờ vượt 50%, tỉ lệ giải ngân năm nay tăng so với cùng kỳ. Xét về số tuyệt đối, giải ngân cao hơn năm ngoái 110.000 tỉ đồng (gần 5 tỉ USD)" - ông Phương nói.
Thông tin về vấn đề tăng trưởng tín dụng và lãi suất ngân hàng, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho hay đến 30-9 vốn huy động được 5,9% (năm ngoái 7,68%), với tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại 12,9 triệu tỉ đồng.
Vốn cho vay đạt mức tăng trưởng 6,1-6,2%, tổng dư nợ của nền kinh tế 12,63 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng không nhanh như năm ngoái do khó khăn của nền kinh tế, tác động từ bên ngoài tới doanh nghiệp. Cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng đều giảm.
Về lãi suất, ông Tú nói theo số liệu gần nhất, mức giảm trung bình của các khoản cho vay mới 1,5% là mức tích cực, thể hiện chính sách tiền tệ "rất nới lỏng". Nhờ đó, lãi suất giảm ở mức bình quân, với khoản ngắn hạn 5,5-7% và trung - dài hạn 8,5-10% cho khoản cho vay mới.
Giảm lãi suất các khoản vay cũ có độ trễ, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp
Với các khoản vay mới, ông Tú cho rằng có độ trễ khi huy động vốn của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao lên tới 10-12%. Vì vậy, mức lãi suất bình quân hiện nay là 9-11%.
"Thực tế khi trả nợ, ngân hàng và doanh nghiệp đều có sự thỏa thuận để giảm bớt lãi suất" - ông Tú nói.
Với tín dụng chính sách cho người nghèo, người thu nhập thấp, ông Tú nói đang tăng ở mức cao 8,19%, tổng dư nợ 306.000 tỉ đồng với 6,7 triệu khách hàng.
Về các giải pháp đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng và giảm lãi suất, ngay từ đầu năm ngân hàng thương mại đã có công cụ, tạo nguồn lực thoải mái hơn cho ngân hàng thương mại cho vay với giá rẻ, hạ lãi suất.
"Có hai lần hạ lãi suất điều hành tạo thuận lợi cho hạ lãi suất cho vay. Việc rà soát nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo dư địa về pháp lý để đưa ra sản phẩm mới, trả nợ và vay mới, tạo ra cơ chế cạnh tranh để giảm lãi suất…" - ông nói.
Ngoài ra, tuy việc tái cơ cấu khoản nợ, khoản lãi đến hạn còn khó khăn nhưng đã thực hiện được hơn 120.000 tỉ đồng. Cùng với đó là các gói tín dụng chuyên đề như hỗ trợ giảm lãi suất 2%; gói hỗ trợ 120.000 tỉ cho nhà ở xã hội; gói 15.000 tỉ cho thủy sản, gỗ…
Ngân hàng phối hợp địa phương lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm giải quyết cụ thể, triệt để vướng mắc. Hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện, duy trì các tổ chức tín dụng mua trái phiếu, hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận