Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại Quốc hội ngày 30-10 - Nguồn clip: VTV
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng chất lượng cán bộ kém, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, là gốc rễ của những bất cập trong cải cách bộ máy hành chính hiện nay.
Phối hợp sinh ra đùn đẩy
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30-10, ông Lê Thanh Vân cho rằng các cơ quan hành chính nhà nước thời gian qua chưa vận hành đúng nguyên lý.
"Trong khi kiểm soát quyền lực và phân công quyền lực là gốc rễ thì chúng ta chỉ nhấn mạnh đến phối hợp. Từ chuyện phối hợp này mới đẻ ra một loạt các cơ chế trung gian, một loạt ban chỉ đạo và đùn đẩy trách nhiệm khi có sự việc", ông Vân nói.
Nguyên nhân thứ hai là Quốc hội kiểm soát ngân sách nhưng biên chế hành chính do Chính phủ quyết định, dẫn tới cân đối nguồn lực giữa ngân sách và bộ máy luôn luôn thâm hụt và hàng năm đều phải điều chỉnh.
Nguyên nhân thứ ba là chưa có công thức cho việc đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ. "Vì vậy không đong đến được số lượng và càng không đong đếm được chất lượng cán bộ. Có tình trạng cán bộ đông nhưng chất lượng kém và đặc biệt là yếu yếu trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Vì vậy thời gian qua có những phát ngôn kỳ quặc, không ngang tầm", đại biểu Cà Mau nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân: Chấn chỉnh ngay nhóm cán bộ chủ chốt để có bộ máy tốt - Ảnh: VTV
Không cần chờ cuối nhiệm kỳ mới cho nghỉ
Ông Lê Thanh Vân đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập ban chỉ đạo trung ương về đổi mới hệ thống chính trị do Tổng bí thư đứng đầu.
"Tôi nghĩ Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã làm rất xuất sắc, việc cải tổ bộ máy hành chính cũng cần phải có một ban chỉ đạo đủ tầm như vậy", ông Vân nói.
Bên cạnh đó là định ra các tiêu chuẩn cụ thể để chọn được đội ngũ cán bộ xuất sắc. "Các chức danh bổ nhiệm thì phải thi tuyển và chức danh do bầu cử thì phải đề xuất chương trình hành động và thực hiện lời hứa của mình trong nhiệm kỳ. Ai không ngang tầm với chức vụ và vi phạm kỷ luật thì lập tức thay thế, không cần đợi đến hết nhiệm kỳ", đại biểu Cà Mau nói.
Và cuối cùng, ông Vân cho rằng phải rà soát lại tiêu chuẩn, tiêu chí để loại ra khỏi bộ máy những ai không làm việc được, một lần nữa nhấn mạnh đặc biệt vào nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
"Vừa qua đại biểu Quốc hội đã nêu tình trạng gian dối, khai man bằng cấp, dối trên lừa dưới diễn ra khá phổ biến và phải chấn chỉnh ngay nhóm cán bộ chủ chốt này để có bộ máy tốt", đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu.
Tán dương hay thương cảm phó chủ tịch quận dẹp vỉa hè?
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì nêu một loạt ví dụ thực tế để nhận định về vấn đề cán bộ trong cải cách bộ máy hành chính.
"Sau vụ việc quán cà phê Xin chào, tưởng đã khép lại tất cả những gì được coi là sự bất cập về tắc trách, quan liêu, trì trệ và vô cảm của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương trước tính kiên cố của người dân, khi để những vụ việc cỏn con nhưng đích thân người đứng đầu Chính phủ phải ra tay chỉ đạo", ông Nhân nói.
Nhưng tình trạng này chẳng những không giảm mà vẫn tiếp diễn, gần đây nhất là chuyện cái cống nước ô nhiễm ở 146 Quán Thánh (Hà Nội) cũng "kéo" đủ cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương vào cuộc.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Ô nhiễm tư duy, nhận thức đã len lỏi trong cán bộ - Ảnh: Quochoi.vn
"Hai vụ việc này như một gáo nước tạt thẳng vào những người có trách nhiệm đang cố gắng xây dựng một nền hành chính hiện đại vì dân phục vụ", ông Nhân nói.
"Cống nước ở Quán Thánh dĩ nhiên là ô nhiễm nhưng không đáng sợ bằng sự ô nhiễm tư duy, nhận thức đã len lỏi trong một số cán bộ công chức hiện nay".
Đại biểu Bình Dương tiếp tục đặt vấn đề "chúng ta tán dương hay thương cảm hình ảnh một phó chủ tịch quận thân chinh khắp các nẻo đường chỉ để dọn dẹp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè".
Tiếp theo là hình ảnh cụ già gần 80 tuổi cùng các cháu giành giật chiếc xe bán cá viên chiên từ tay đoàn kiểm tra liên ngành, "mới thấy hết sự bất lực trong quản lý kỷ cương và sự vô trách nhiệm của chính quyền cơ sở".
"Liệu đây có phải là nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng và người dân đang mong mỏi từ các cơ quan nhà nước không? Câu trả lời chắc chắn là không", ông Phạm Trọng Nhân vừa hỏi vừa trả lời.
Đại biểu Bình Dương nhận định ngày càng nhiều người đang vận hành bộ máy hành chính theo cách thức "không tử tế", những vụ việc tiêu cực xảy ra quá nhanh và ngày càng nghiêm trọng, vô cảm "vượt ngoài mọi sự tưởng tượng".
Ông Nhân kết luận: "Cải cách bộ máy hành chính nhà nước tưởng dễ, hóa ra lại quá khó, cái khó ở đây chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm vẫn còn quá lớn, lấn áp cả nhận thức và tư duy cũ kỹ lạc hậu thì cần thiết phải có một bàn tay sắt đủ cứng rắn như Đảng đã và đang làm trong phòng, chống tham nhũng hiện nay".
Chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này. Những bất cập, hạn chế cho thấy chúng ta phải sửa chữa ngôi nhà dột từ nóc.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận