06/02/2023 20:34 GMT+7

‘Không doanh nghiệp nào sống được với lãi suất vay 15%-16%/năm’

Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do báo Người Lao Động tổ chức chiều nay, 6-2, khi nói về lãi suất cho vay hiện nay.

‘Không doanh nghiệp nào sống được với lãi suất vay 15%-16%/năm’ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng nếu lãi suất cho dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư - Ảnh: A.H.

Theo ông Thiên, trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế.

"Nếu lãi suất cao 15% - 16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Trong khi đó, có những trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp. 

Chưa kể, đây là thời đại tiền khó rồi, nên các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng phải tính đến trường hợp này", ông Thiên nói và cho biết trong bối cảnh khó khăn này, nếu việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho hay để khơi thông nguồn vốn, các cơ quan có thẩm quyền trong đó có Ngân hàng Nhà nước cần phải có giải pháp cụ thể để kéo giảm lãi suất cho vay và phải đặt mục tiêu cụ thể.

"Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nói thật là nếu lãi suất cho dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích hoạt đầu tư", ông Hòa nói.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hòa đề nghị rằng ngân hàng nên có sự đồng cảm và chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp rất hiểu ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, có mục tiêu lợi nhuận cũng như cổ tức cho cổ đông nhưng cũng nên có sự đồng hành và chia sẻ vì vừa qua khó khăn mà nhiều ngân hàng lãi lớn.

"Vậy ngân hàng có thể chia sẻ với người dân và cộng đồng doanh nghiệp được hay không? Hiện nay giá bất động sản đi xuống nên tài sản thế chấp cũng bị định giá thấp xuống dẫn đến lượng vốn mà ngân hàng cho vay doanh nghiệp giảm theo. 

Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay rồi ngân hàng yêu cầu muốn vay với mức như cũ thì phải bổ sung tài sản thế chấp. Như vậy là quá khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hòa than.

Tín dụng năm 2023 dự báo tăng thấp hơn năm 2022

‘Không doanh nghiệp nào sống được với lãi suất vay 15%-16%/năm’ - Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự báo chỉ ở mức 13% - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Trong báo cáo chiến lược năm 2023 vừa được phát hành, Công ty chứng khoán ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13%, thấp hơn so với mức tăng 14,5% của năm 2022.

Nguyên nhân là do lãi suất cho vay ở mức cao làm giảm nhu cầu đi vay của các khách hàng. Ngoài ra tính khả thi của các dự án đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp giảm xuống trong môi trường lãi suất cao. Quan trọng nhất là các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế gia tăng.

"Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải quản lý quá chặt chẽ hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023 và tình trạng "hết room" tín dụng như trong năm 2022 sẽ ít có khả năng xảy ra", ACBS dự báo.

Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn năm 2023 được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn so với năm 2022 nhờ lãi suất huy động đang khá hấp dẫn và giải ngân đầu tư công khởi sắc hơn.

"Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng sẽ duy trì lãi suất huy động ở mức cao như hiện tại và tăng trưởng huy động năm 2023 có thể đạt 14%, qua đó cải thiện các chỉ số thanh khoản của các ngân hàng", ACBS dự báo.

Rủi ro nợ xấu đang gia tăng trong năm 2023. Các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với áp lực thanh toán khi các trái phiếu đáo hạn và áp lực mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý.

Tuy nhiên, điểm tích cực là các ngân hàng đã có sự chuẩn bị trước bằng cách làm dày bộ đệm dự phòng lên mức cao nhất lịch sử trong những quý vừa qua. Điều này sẽ giúp các ngân hàng bảo vệ chất lượng tài sản của mình ở mức tương đối an toàn trong năm 2023.

Ngân hàng còn room tín dụng phải tích cực giải ngân cho khách vay sản xuất kinh doanhNgân hàng còn room tín dụng phải tích cực giải ngân cho khách vay sản xuất kinh doanh

TTO - Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng còn hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng, chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỉ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên