Sáng 18-7, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”.
Giá điện không điều chỉnh quá lâu gây nhiều tác động
Ông Nguyễn Đình Phước - trưởng ban tài chính kế toán EVN - cho hay giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% kể từ 29-4. Song do giá nhiên liệu sản xuất điện tăng cao nên mức tăng doanh thu từ tăng giá điện là 8.000 tỉ đồng chỉ bù đắp được một phần khó khăn tài chính của EVN.
“EVN đang nợ tiền điện của các đơn vị phát điện, nên thời gian tới có thể sẽ không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện. Việc này ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, việc cung cấp đủ điện” - ông Phước thông tin.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi - hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực miền Bắc - cho rằng việc không điều chỉnh giá điện quá lâu sẽ dẫn tới giá không phản ánh tín hiệu của thị trường và nguy cơ lỗ lớn cho ngành điện.
Theo đó, EVN không có khả năng tái đầu tư mở rộng hệ thống điện, không có khả năng thanh toán cho các đơn vị bán điện. Việc không điều chỉnh giá điện cũng sẽ gây áp lực lớn cho nền kinh tế, các hộ tiêu dùng và thực thi lộ trình tái cấu trúc ngành điện.
Trên cơ sở đó, ông Hồi cho rằng các quyết định pháp lý về lộ trình tái cấu trúc ngành điện cần điều chỉnh thực tế và khả thi hơn. “Không thể mãi hô khẩu hiệu là phải làm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng các điều kiện tiên quyết không thể thực hiện” - ông Hồi nêu quan điểm.
Cần có các cơ sở pháp lý để tái cấu trúc ngành điện
Ông Trần Tuệ Quang - phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho rằng cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển của thị trường điện.
Theo đó, ông đề nghị cần ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện với thẩm quyền thuộc Chính phủ và đơn vị điện lực; bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền, phản ánh chi phí bán lẻ điện cho nhóm khách hàng.
Đặt trong bối cảnh Quy hoạch điện 8 vừa được ban hành với những mục tiêu khá tham vọng về tỉ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu, ông Hà Đăng Sơn - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - cho rằng để đạt được những mục tiêu này cần có những động thái mạnh mẽ trong việc tái cấu trúc ngành điện Việt Nam.
Thúc đẩy triển khai lộ trình phát triển thị trường điện, xây dựng Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành một đơn vị độc lập nhằm đảm bảo việc vận hành thị trường điện công khai minh bạch, bình đẳng giữa các bên tham gia.
Trong ngắn hạn, cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý cho việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cũng cần sớm được ban hành nhằm thúc đẩy các nhà máy điện tái tạo tham gia thị trường điện.
Việc này tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng điện sạch, điện tái tạo, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững, cũng như phù hợp với các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) đang là xu hướng đánh giá môi trường đầu tư trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận