Mời các bạn cùng xem vài bức tranh tuyển chọn mới nhất, lên án tệ nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị màu da mà cho tới nay vẫn cắm rễ sâu trong xã hội loài người…
Kẻ phân biệt màu da không chấp nhận màu da sọc đen sọc trắng của ngựa rằn, nên rán quét sơn trắng lên toàn thân nó.
Chú thích của hoạ sĩ, kèm theo tranh: “Một cách để thấu hiểu những gì người khác đang cảm thấy...”.
Trong tranh, một thành viên của Ku Klux Klan (viết tắt là KKK, còn gọi là “3K") - một tổ chức của người da trắng cực đoan, ủng hộ duy trì chế độ nô lệ với người da đen khi xưa ở Mỹ, tặng hoa tỏ tình với một phụ nữ theo đạo Hồi (rất có thể là một cô gái Ả Rập), trùm người kín mít theo luật đạo và pháp luật ở những nước theo đạo Hồi.
Tranh này gợi lại một câu cách ngôn triết học, trong tác phẩm “Suy tưởng” (Penseés, 1669), của nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh, và cũng là triết gia người Pháp - Blaise Pascal (1623 – 1662), rằng: “Trái tim có những lý lẽ của nó, mà lý trí không biết tới”.
Hoạ sĩ Becs ghi thêm một chú thích, kèm theo bức tranh này: “Không phân biệt chủng tộc!”.
Tranh này gợi chúng ta nhớ đến câu “Vàng, đen, trắng, nước da không chia tấm lòng” trong bài hát nổi tiếng “Thiếu nhi thế giới liên hoan” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 - 1989).
Trong tranh, các cuốn sách khổng lồ, nhiều màu (biểu tượng của văn hoá đa dạng) đang đổ về kẻ phân biệt chủng tộc trong hình dạng một tay Ku Klux Klan (KKK) cực đoan, trên tay vẫn lăm lăm ngọn đuốc hòng thiêu sống người da đen, như đã từng làm từ hồi thế kỷ 19 trở về trước, tại Mỹ.
Tranh này “mượn”… hiệu ứng domino: để có thể xô ngã tên KKK, các cuốn sách trước hết phải tự xô nhau lần lượt té hết!
Ha ha, kẻ bị loại khỏi bàn cờ vẫn là một tay… Ku Klux Klan!
Gỗ mun và ngà voi (“Ebony and Ivory” – trong tiếng Anh) là tựa bài hát nổi tiếng của cựu thành viên Beatles - Paul McCartney cùng Stevie Wonder - phát hành vào năm 1982. Bài hát sử dụng phép ẩn dụ rằng: Trên đàn piano, các phím màu đen là “Gỗ mun”, còn các phím màu trắng là “Ngà voi”, từ đó nêu ra câu hỏi: Tại sao tất cả các chủng tộc không thể hoà hợp cùng nhau một cách hoàn hảo, như những phím đàn cùng trên cây đàn piano?
Sự hoà giải thể hiện với cái bắt tay giữa con người (trong trang phục và trang bị của một cảnh sát Mỹ da trắng) với cái bóng của y (bóng đen, thể hiện người da đen, da màu, ở thế dưới).
Cách diễn đạt của hoạ sĩ Cuba này vẫn thuộc về… vô thức của tác giả, cái vô thức về bề trên da trắng và bề dưới da đen đặc trưng ở Mỹ, nghĩa là… còn lâu mới “Không còn phân biệt chủng tộc”!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận