01/11/2016 20:08 GMT+7

Không để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước

TTXVN
TTXVN

TTO - Ngày 1-11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tiếp tục ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc; kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; xử lý có hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém. 

Thực hiện ba đột phá chiến lược 

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Hoàn thiện thể chế về cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp nhà nước; thể chế về tài sản và quyền về tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ tài sản); thể chế về thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực. Khắc phục tư tưởng bao cấp, xin - cho, ỷ lại của các cấp, ngành, địa phương và trong xã hội. 

Phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu; giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; quan tâm phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và tín dụng tiêu dùng. 

Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án.

Có chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tạo niềm tin để doanh nghiệp, người dân, kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường kết nối và phát huy tác động lan tỏa với các khu vực kinh tế trong nước. 

Hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, nhất là đối với đất nông nghiệp. 

Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án.

Tập trung vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm và tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh. 

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xác định cụ thể phạm vi, ngành nghề đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư nhà nước trong các ngành, nghề theo quy định. 

Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; các doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất. 

Xây dựng đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; sớm xóa bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện biện pháp phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. 

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. 

Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng 

Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại. 

Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế. 

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các tổ chức tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. 

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên