25/07/2014 09:30 GMT+7

Không để ngư dân tự bơi trên biển

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Sáng 24-7 tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tàu gì có hiệu quả nhất cho ngư dân?” với sự tham gia của đông đảo ngư dân cùng lãnh đạo quản lý ngành thủy sản ở các địa phương và các công ty đóng tàu.

Kỳ 1: Kỳ 2 : Kỳ 3:

x7cQWiMP.jpgPhóng to
Ngư dân trẻ Lê Văn Sang (Đà Nẵng) nói sau khi đóng tàu vỏ thép và đưa vào khai thác, gia đình anh thấy lợi hơn hẳn so với tàu gỗ trước đây - Ảnh: Hữu Khá

Dù chưa có trả lời cụ thể loại tàu gì nhưng nhiều đại biểu tham gia buổi tọa đàm cho rằng để đem lại hiệu quả nhất cho ngư dân, cần có bàn tay của Nhà nước trong việc dự báo ngư trường và sớm xác định ngành nghề khai thác, không nên để “ngư dân tự bơi trên biển” như thời gian qua.

Vùng nào sẽ có tàu đó

Ông Trần Đình Quỳnh, giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cho rằng hơn 99% tàu cá VN là tàu vỏ gỗ, trong khi đó trên thế giới đã sử dụng khá phổ biến tàu làm bằng composite (tàu nhựa), tàu vỏ thép. Do đó, VN cần nhanh chóng hiện đại hóa hoạt động đánh bắt bằng việc thay thế, chuyển dần từ tàu gỗ sang tàu vỏ thép, tàu nhựa. “Điều quan trọng không phải là đóng tàu bằng vật liệu gì, mà con tàu với vật liệu đó phải phù hợp với từng ngành nghề, ngư trường khai thác của ngư dân” - ông Quỳnh nói.

Đừng để con tàu trở thành gánh nặng

Tham dự buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn - phó cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến tại buổi tọa đàm làm cơ sở cho việc triển khai nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ. Theo ông Tuấn, đóng tàu to mà đánh bắt không hiệu quả sẽ trở thành gánh nặng của Nhà nước. Do đó, tàu đóng mới bằng vật liệu gì sẽ tiếp tục bàn luận trên cơ sở phù hợp với từng ngành nghề đặc trưng của ngư dân các địa phương, lấy hiệu quả kinh tế, cải thiện được điều kiện làm việc cho ngư dân trên biển là mục tiêu số 1.

Theo ông Quỳnh, qua khảo sát cho thấy tàu vỏ thép có ưu điểm an toàn cho ngư dân khi đánh bắt ở vùng biển xa hoặc gặp sự cố va chạm trên biển với tàu nước ngoài, khả năng chịu đựng khi gặp bão cũng tốt hơn tàu vỏ gỗ. Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng sắp tới mỗi địa phương phải có quy hoạch định hướng ngư trường để có cơ cấu loại tàu (vỏ thép, gỗ, nhựa) cho phù hợp. “Đà Nẵng gắn liền với ngư trường Hoàng Sa thì khuyến khích phát triển loại tàu vỏ thép nhưng số lượng tàu ở mức độ nào sau này sẽ có cân đối cụ thể. Còn ở Bình Định ngư dân làm nghề câu nhiều nên việc phát triển loại tàu nhựa thì hợp lý hơn” - ông Quỳnh gợi ý.

Trong khi đó, ông Phan Huy Hoàng - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, địa phương có số lượng ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa đông nhất nước - cho biết chỉ một tháng sau khi có thông tin Chính phủ hỗ trợ, có 150 đơn của ngư dân Quảng Ngãi xin vay vốn đóng tàu, trong đó có 140 ngư dân muốn đóng tàu vỏ thép, 10 ngư dân đóng tàu nhựa. “Chúng tôi sẽ sàng lọc, chọn các ngư dân có kinh nghiệm với mục tiêu khi đóng mới tàu phải mang lại hiệu quả cao nhất chứ không cho vay tràn lan” - ông Hoàng nói.

Dù khẳng định tàu đánh bắt xa bờ phải là tàu vỏ thép do bảo quản sản phẩm - một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của chuyến đánh bắt - tốt hơn tàu vỏ gỗ, nhưng theo ông Hoàng, việc đóng tàu nào là lựa chọn của ngư dân tùy theo vùng đánh bắt, chính quyền không ép buộc. Tuy nhiên, Quảng Ngãi sẽ làm thí điểm cả tàu vỏ thép và tàu nhựa, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm mới cho triển khai nhân rộng.

Bảo quản tốt tôm cá

Vừa trở về từ biển sau 39 ngày với con tàu vỏ thép mới đóng, ngư dân Mai Thành Văn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết sau hơn 10 năm đi đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ, việc chuyển sang khai thác bằng tàu vỏ thép cũng từng khiến ông lo lắng, nhưng thực tế cho thấy hiệu quả cao hơn nhiều. “Tàu vỏ thép an toàn và cơ động hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều. Chưa kể tàu vỏ gỗ di chuyển nặng nề hơn nên tốn nhiên liệu nhiều hơn tàu vỏ thép. Trở ngại lớn nhất khiến nhiều người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư vào tàu vỏ thép do giá thành đắt” - ông Văn khẳng định.

Cũng đưa tàu vỏ thép trở về, ngư dân Lê Văn Sang (Đà Nẵng) nói so với các tàu vỏ gỗ trong đội tàu của gia đình mình, tàu vỏ thép đạt hiệu quả kinh tế hơn nhiều bởi ít hao tốn nhiên liệu. Theo anh Sang, một cặp tàu của gia đình anh gồm một chiếc vỏ thép và một chiếc vỏ gỗ vừa thực hiện một chuyến đánh bắt nhưng cùng chạy 200 hải lý, tàu vỏ sắt chỉ hết 300 lít dầu, trong khi tàu vỏ gỗ mất 700 lít dầu.

“Bảo quản sản phẩm của tàu vỏ thép cũng được lâu, chất lượng tốt, tôm, cá, mực vào bờ đều tươi nên bán rất được giá. Tất nhiên, khi đầu tư tàu vỏ thép ngư dân không nên chỉ chú trọng thân tàu mà phải đầu tư đồng bộ từ hệ thống máy móc, nhất là hầm lạnh để bảo quản tôm cá” - anh Sang nói.

Ngư dân Trần Văn Mười (Đà Nẵng), người có hai con tàu gỗ thường xuyên hành nghề câu mực ở vùng biển Hoàng Sa, cho biết nghề câu mực thường hoạt động dài ngày trên biển, việc dùng tàu gỗ có nhiều bất lợi về độ an toàn. “Chúng tôi đi biển 90 ngày mới về và thường bám trụ ở các vùng biển xa nên việc lựa chọn tàu vỏ thép là hợp lý nhất bởi loại tàu này có khả năng chịu sóng gió tốt. Nếu được Nhà nước cho vay vốn, tôi sẽ đóng liền một lúc hai tàu vỏ thép” - ông Mười cho biết.

Tàu nhựa ít tốn nhiên liệu, dễ vào bờ

Ông Hồ Văn Hào (Nha Trang, Khánh Hòa), người có 35 năm kinh nghiệm đánh bắt tàu vỏ gỗ, cho biết sau khi đóng thử nghiệm một con tàu nhựa và khai thác hiệu quả, gia đình ông đã đóng thêm bốn con tàu nhựa và làm ăn rất khấm khá. “Ở vùng biển chúng tôi sống (Phú Yên và Khánh Hòa - PV), tàu vỏ thép không thể di chuyển bởi luồng lạch vào các cảng rất cạn trong khi tàu vỏ nhựa dễ dàng di chuyển hơn” - ông Hào khẳng định. Ngư dân Đinh Văn Quí (Nha Trang, Khánh Hòa), người đã chuyển từ tàu gỗ sang tàu nhựa, cho biết tàu gỗ khi muối cá rất tốn kém, hao hụt và khả năng hư hầm gỗ ướp cá rất nhanh, trong khi đó tàu vỏ nhựa bền hơn.

Ông Hà Văn Nhơn, phó giám đốc Công ty cổ phần đóng tàu composite du thuyền Song Long Ngự Triều Giang, cho rằng trong chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho vay tài chính đối với các công ty đóng tàu. “Nếu được Nhà nước cho vay ưu đãi, chúng tôi sẽ có rất nhiều điều kiện để đóng tàu với giá thành thấp hơn cho ngư dân. Tàu composite có nhiều ưu thế như tuổi thọ cao đến 80 năm, ngư dân tự bảo trì, không lệ thuộc mặt bằng, nhà sản xuất, chi phí bảo trì bằng 0, tàu kín nước, đúc nguyên khối, tàu dễ khai thác, giá thành rẻ hơn tàu gỗ và chỉ bằng 1/4 tàu vỏ thép” - ông Nhơn nói.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên