Phóng to |
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, tổng giám đốc Bachy Soletanche, phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Đạm |
Khái niệm “đổi mới” mà Thủ tướng đề cập trong thông điệp đầu năm được các chuyên gia phân tích dưới nhiều góc độ, nhiều cách hiểu. Nhưng tất cả đều thống nhất như TS Bùi Trân Phượng nói: “Đổi mới tức là mỗi người hãy làm tròn phần việc của mình đi, và những gì đã thấy sai thì phải sửa”.
Dân chủ phải chất lượng
Cú hích tạo lập niềm tin “Người dân bấy lâu đã quen với những lời hứa hẹn. Thậm chí ai tỏ lòng tin lại bị chế giễu vì sao mà có niềm tin “bền bỉ” như vậy. Cho nên thông điệp nêu lên nhưng phải phát đi ngay lập tức tín hiệu của sự đổi mới” - GS Hoàng Dũng, ĐH Sư phạm TP.HCM, nói. Tín hiệu mà theo GS Hoàng Dũng cần phải phát đi ngay lập tức trong kinh tế là cổ phần hóa doanh nghiệp, hạn chế độc quyền... Theo GS Hoàng Dũng, những điều đó rất nhỏ bé và chưa đủ, chưa thấm tháp gì. Nhưng đó là sự báo hiệu cần thiết cho thấy sẽ thay đổi, sẽ cam kết thực hiện những công việc cụ thể. Đó là cú hích để tạo lập niềm tin. |
Nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Võ Văn Thôn đưa ra một góc nhìn rất thực tế với xã hội VN trong chuyện đổi mới, đó là: “Ráng tuân thủ luật pháp, thực thi luật pháp một cách đúng hết như quy định đã là một sự tiến bộ, một sự đổi mới”. Ông Thôn chỉ ra nhiều vấn đề luật pháp đã quy định khá tiến bộ, nhưng thực tiễn thực thi luật pháp lại không như vậy khi người dân không phải lúc nào cũng thụ hưởng những sự tiến bộ mà luật pháp đã quy định. Những ví dụ ông Thôn đưa ra không xa lạ: Bạn bè ông nhiều người là trí thức nhưng gia đình họ không được địa phương công nhận là gia đình văn hóa vì không đi họp tổ dân phố. Tuy nhiên góp ý của ông và nhiều trí thức gửi đến các cơ quan từ địa phương đến tận trung ương ít khi được trả lời. “Có ông bạn trí thức của tôi gửi đi tới 700 lá thư góp ý mà chưa nhận được một lá hồi âm” - ông Thôn minh họa cho khái niệm “đổi mới” của mình bằng một ví dụ rất đơn giản. Ở tầm vĩ mô hơn, ông Thôn yêu cầu những vấn đề đã được Hiến pháp mới quy định phải khẩn trương cụ thể hóa bằng luật. “Hiến pháp cho phép biểu tình, lập hội... nhưng giờ luật biểu tình đang trong quá trình thai nghén, có nhanh thì cũng đến 2016 mới thông qua. Dân chủ mà dân cứ phải chờ đợi những quyền mà luật pháp đã cho phép là không được” - ông Võ Văn Thôn bày tỏ.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đưa ra dẫn chứng trong ngành kiến trúc: “Cũng một căn nhà, một công trình nhưng cứ đầu tư theo hệ thống nhà nước là chậm hơn tư nhân tới mấy lần, chưa kể sau đó có anh đi tù luôn...”. Vấn đề nổi cộm nhất trong kiến trúc quy hoạch là chuyện đền bù giải tỏa, theo KTS Nguyễn Văn Tất, người trong giới đã kêu từ 15 năm trước chứ không phải đến bây giờ mới “nhức đầu”. 20 năm trước, Hội Kiến trúc sư từng lên tiếng tha thiết phải có Luật kiến trúc. Nhưng qua nhiều đời bộ trưởng Bộ Xây dựng, nay mới được khởi động xây dựng dự án luật. Do đó cách hiểu về dân chủ, theo KTS Nguyễn Văn Tất, cần có sự đổi mới và cần có một cơ chế luật pháp đủ để những ý kiến thiểu số nhưng gần sát với chân lý được tồn tại. Nếu không sẽ tiếp tục có những chân lý bị triệt tiêu và những điều vô lý nghiễm nhiên được cơ chế, luật pháp bảo vệ.
Và, nói như TS Bùi Trân Phượng, đổi mới không có nghĩa là cứ ngồi chờ đợi cái mới, chờ những quyết sách mà mỗi người làm được gì thì phải làm ngay. Còn chờ người khác đưa ra yêu cầu, đưa ra quy định rồi mới làm thì thường đã trễ và không còn mang nhiều ý nghĩa nữa.
Dân thờ ơ thì khó đổi mới
Sự bức thiết phải đổi mới mà Thủ tướng gửi thông điệp, được ông Lê Công Giàu - nguyên giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM - ví von: Tôi hình dung chúng ta đang ngồi trên đoàn tàu có 90 triệu hành khách. Đi thì có lúc nhanh, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm. Động cơ để tàu đi nhanh hơn, theo ông Lê Công Giàu, chính là cơ chế, thể chế mà Thủ tướng nói cần phải đổi mới. Còn để đoàn tàu không tụt dốc thì các đoàn thể phải mạnh, sự giám sát phải chặt chẽ, phải mở rộng dân chủ để giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, thực hiện nền kinh tế thị trường đầy đủ. Và để đổi mới được thì không chỉ Thủ tướng mà phải là toàn dân. “Nếu đổi mới mà dân thờ ơ thì không thể được. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để tạo ra được làn sóng đó trong dân” - ông Giàu bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế luật - ĐHQG TP.HCM, cho rằng ở một góc độ nào đó thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã cho thấy sự mới mẻ, có một hấp lực với dân chúng. Hấp lực đó, theo TS Nguyễn Ngọc Điện, là sự mới mẻ “trong hình thức giao tiếp”, khi thông điệp là một tiếng nói gắn cụ thể với cá nhân Thủ tướng, cũng có nghĩa là trách nhiệm về những cam kết, mục tiêu, kêu gọi cũng cụ thể hơn. Theo TS Nguyễn Ngọc Điện, “hình thức giao tiếp” có sự tương tác giữa cá nhân lãnh đạo và dân chúng ở nhiều nước không phải là chuyện lạ. Nhưng ở VN thì sự tương tác sau thông điệp của Thủ tướng là một chuyển biến tích cực. “Tôi hi vọng sự cụ thể này sẽ được phát huy ở nhiều lĩnh vực. Người dân sẽ có những địa chỉ cụ thể hơn để đến, không còn phải đi gõ cửa lung tung khi có việc”, ông Điện bày tỏ.
Cũng gửi gắm hi vọng vào thông điệp của Thủ tướng nhưng bằng một góc nhìn khác, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu VN - nói: “Người dân còn lên tiếng, còn phản biện tức là họ còn niềm tin, còn mong chờ vào sự đổi mới”. Và theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, hiểu sự phản biện theo hướng tích cực đó cũng là một động lực của đổi mới. Lúc đó người dân sẽ mạnh dạn và trách nhiệm hơn với thái độ của mình trước những vấn đề của đất nước.
* TS LÊ NGUYỄN MINH QUANG (tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche VN): Cần gắn trách nhiệm thật sự cho những người đứng đầu các cơ quan hành pháp, đứng đầu các tổ chức chính quyền, đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để có sự đột phá về mặt nhân lực mới có hi vọng hoàn thành được các quyết sách đưa ra. * TRƯƠNG MINH HUY VŨ (giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH và NV TP.HCM): Trong thông điệp của Thủ tướng nói động lực mà cải cách trước đây tạo ra bây giờ không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Theo tôi, năm 2014 chúng ta sẽ phải dùng những đòn bẩy hội nhập để kích sự phát triển kinh tế. * Luật sư HÀ HẢI (văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự): Muốn đổi mới phải xóa bỏ cơ chế xin cho, khi nào cơ chế xin cho chưa được xóa bỏ, khi đó tham nhũng vẫn còn tiếp tục tồn tại. Mà tham nhũng và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể đi đôi với nhau. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận