18/07/2019 10:45 GMT+7

Không dễ bắt người nhập cư lậu ở Mỹ

NGUYỄN HỮU TÀI  (TỪ RIVERDALE, MARYLAND)
NGUYỄN HỮU TÀI (TỪ RIVERDALE, MARYLAND)

TTO - Sáng 15-7, vào các công ty, đúng như dự đoán, mỗi nơi thiếu vắng ít nhân viên gốc Nam Mỹ. Không cần tra hỏi nguyên nhân, tôi tự biết chuyện gì đang xảy ra rồi. Thế là bảo với quản lý "liệu cơm gắp mắm", ráng hoàn thành công việc.

Không dễ bắt người nhập cư lậu ở Mỹ - Ảnh 1.

Các nhân viên ICE bắt một người đàn ông trong chiến dịch vây ráp tại Escondido, bang California trong tháng 7-2019 - Ảnh chụp màn hình AP

Lái xe đi ngang qua mấy cửa hàng tiện lợi 7Eleven hay Home Depot chuyên bán đồ xây dựng, giữa tháng 7, trời trong vắt hơn 30°C mà hổng như mọi khi.

Trước đây dẫu nắng ráo cũng như mưa bão, tuyết rơi cả thước hay dông tố đì đùng, lúc nào cũng thấy có hơn chục người Hispanic (gọi chung cho dân nhập cư thường là đến từ Trung - Nam Mỹ và nói tiếng Tây Ban Nha) đứng ngồi, tụm năm tụm ba trò chuyện như một chợ lao động thu nhỏ, chờ người ta tới mướn về làm, trả lương bằng tiền mặt.

"Họ đến đất nước này bằng cách bất hợp pháp, họ sẽ phải ra đi" - Tổng thống Trump tuyên bố hôm 12-7.

Ông gọi đó là "chiến dịch lớn", càn quét người nhập cư trái phép đã bị tòa án trục xuất ở 10 thành phố lớn, trong đó có Los Angeles, New York, Houston, Chicago, Miami, San Francisco, Baltimore, bắt đầu từ ngày 14-7.

Nó như một phát súng lớn nhắm vào hơn 10 triệu người nhập cư trái phép (chủ yếu là người nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha) đang sống trên đất nước này.

Ở Mỹ, phần lớn người nhập cư Mexico và người đến từ các nước Trung, Nam Mỹ chuyên làm các việc nặng nhọc như cầu đường, xây dựng, dọn dẹp sân vườn và phụ bếp. 

Vào các nhà hàng Việt, Hoa, Hàn ở các thành phố vùng thủ đô Washington D.C., sẽ thấy phần lớn đầu bếp và phục vụ là người có gốc gác với chủ tiệm trong khi phụ bếp và người dọn dẹp bàn ghế, chén đĩa chắc chắn 100% sẽ là người nói tiếng Tây Ban Nha. 

Thật ra chỉ có nhóm người nhập cư này mới kham nổi những việc khó nhằn, nặng nhọc, đòi hỏi rất nhiều thể lực, sức khỏe, mà thường chẳng ai thèm làm này.

Họ có khổ không? Tôi nghĩ là có. Bởi hầu hết trong số họ là người nhập cư lậu, không tấm giấy lận lưng. 

Họ rời làng, bỏ quê đầy rẫy ma túy, súng đạn, bắt cóc, giết người ở Colombia, El Salvador, Guatemala hay đất nước láng giềng Mexico bên cạnh để tìm đến một thiên đường nước Mỹ lung linh, sang giàu đổi đời, không một mảnh giấy tùy thân trong tay (mà nếu có thường chỉ toàn giấy giả). 

Họ phải lao thân bán sức lao động kiếm vài đồng tiền lẻ, nuôi sống bản thân và gửi về nước giúp đỡ gia đình. Tối chui vô trong căn hộ cho thuê tới vài chục người chen chúc như cá mòi ngủ một đêm lấy sức để đi làm vào ngày hôm sau.

Thật ra số người bị đuổi trong gần ba năm cầm quyền của Tổng thống Trump vẫn thấp hơn những người tiền nhiệm Clinton, Bush hay Obama nổi tiếng ôn hòa trước đó. 

Theo thống kê của Cơ quan Di trú và hải quan Mỹ (ICE), hơn 12 triệu người bị trục xuất dưới thời tổng thống Clinton, sang tổng thống Bush là hơn 10 triệu người. Dưới thời tổng thống Obama, con số ấy giảm còn hơn 5 triệu.

11 TRIỆU

Ước tính hiện có 11 triệu người đang cư trú trái phép tại Mỹ, trong đó có 525.000 người có lệnh bị trục xuất và đang lẩn trốn. Trong số này có 2.000 người mới đến Mỹ gần đây và là nhóm đối tượng bị truy quét trong chiến dịch phát động ngày 14-7. Hiện chưa có con số thống kê chính thức về tổng số di dân lậu đã bị bắt giữ kể từ hôm đó.

Sang giai đoạn cầm quyền của ông Trump, ICE đã trục xuất 226.119 người vào năm 2017, hơn 250.000 người trong năm 2018 và riêng sáu tháng đầu năm 2019, con số bị trục xuất đã tăng vọt lên 282.242 người.

Khác chăng là các Tổng thống tiền nhiệm đều làm trong im lặng. Những đợt truy quét và gửi trả người nhập cư bất hợp pháp luôn diễn ra lặng lẽ để giữ tiếng thơm cho mình. 

Nhưng ông Trump thì khác. Ông trùm các sô truyền hình thực tế luôn biết cách khuấy động phong ba, lôi kéo sự chú ý của dư luận về phía bản thân, chẳng thèm quan tâm đến các tờ báo lớn hay kênh truyền hình chửi bới, đả kích mình mỗi ngày. 

Nhiều người nghĩ rằng ông Trump đã nổ một phát súng thiệt to để mở đầu chiến dịch tái tranh cử Tổng thống, nhằm lấy lại lòng trung thành của số cử tri da trắng cực đoan đang "hoang mang" và giảm bớt ủng hộ sau những lao đao về kinh tế trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Canada, Mexico và lục địa châu Âu già cỗi.

Tôi hay tự hỏi nếu cấm người nói tiếng Tây Ban Nha vào Mỹ thì lấy ai làm những công việc nặng nhọc như phụ bếp, vận chuyển hàng hóa, công trình xây dựng vốn bị trả công thấp tè? 

Phần lớn dân Mỹ có ăn học, thường chỉ muốn làm việc nhẹ nhàng không đụng tới tay chân nhưng lương phải cao, môi trường sạch đẹp. 

Dân gốc Á không có sức khỏe dẻo dai nên chỉ chuyên tâm vô các lĩnh vực nhà hàng, cây xăng, cửa hàng tiện lợi, giặt ủi, siêu thị, tiệm nail... 

Về phía người Việt, theo bài viết đăng tải trên báo Los Angeles Times tháng 12-2018, kể từ năm 1998, hơn 9.000 người Việt tị nạn đã nhận trát tòa để rời khỏi nước Mỹ. Đây là những người đến Mỹ sau năm 1995 nhưng chưa trở thành công dân, phạm vào tội hình sự và nằm trong danh sách bị trục xuất. 

Sau khi cảnh sát phanh phui đường dây kết hôn giả chấn động do Ashley Yen Nguyen cầm đầu với gần 100 người bị bắt, những sinh viên hay người du lịch hết hạn visa đang tìm cách hợp thức hóa việc ở lại bằng cách "đi" theo con đường này bắt đầu run sợ.

Rình rập nhiều ngày, cuối cùng... bắt nhầm

Bất kể việc vào ngày 15-7, ông Trump tuyên bố chiến dịch vây ráp di dân lậu đã khởi đầu thành công, giới truyền thông Mỹ cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy đã có những cuộc vây ráp lớn tại 10 thành phố đã nêu tên.

Trong chiến dịch vây bắt gần đây tại thành phố San Diego, các nhân viên của ICE đã bắt được 20 người trong 5 ngày.

Họ phải mặc áo chống đạn có in chữ "ICE" sau lưng và dùng nhiều xe SUV không biển. Khi bắt được, họ lập tức yêu cầu đối tượng bị bắt tắt điện thoại để người nhà không lần ra dấu vết của họ sau khi bị nhà chức trách dẫn đi.

Đài Fox dẫn nguồn tin của ICE tại Houston cho biết đã bắt được ít nhất 6 người trong ngày 15-7.

Trang tin Azcentral của bang Arizona (Mỹ) cho biết để bắt một trường hợp nhập cư lậu, các nhân viên ICE phải mất nhiều ngày theo dõi. Thậm chí đã có trường hợp ở bang California, hai nhân viên ICE mất bao công rình rập lúc tinh mơ để bắt một người đàn ông Mexico nhập cư lậu, nhưng khi bắt được mới hay họ nhầm người.

Trong khi đó, ICE cũng chỉ có nguồn ngân sách giới hạn và không đủ chỗ giam giữ.

D.KIM THOA

Mỹ bắt đầu truy quét người nhập cư ở 10 thành phố lớn

TTO - Từ rạng sáng 14-7 (giờ Mỹ), nhà chức trách Mỹ đã bắt đầu hoạt động truy quét ở 10 thành phố lớn, dự kiến nhắm tới khoảng 2.000 người nhập cư không có giấy tờ tùy thân.

NGUYỄN HỮU TÀI (TỪ RIVERDALE, MARYLAND)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên