03/01/2014 02:57 GMT+7

Không dạy vẫn lĩnh phụ cấp

DUYÊN HÀ
DUYÊN HÀ

TT - Ở địa phương tôi đang tồn tại tình trạng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không ít trường “né” giảng dạy số tiết định mức theo quy định.

Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21-10-2009 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông quy định: “Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý”. Cụ thể, “hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần”. Thế nhưng nhiều trường không nghiêm túc thực hiện thông tư trên. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã tìm mọi cách để không dạy số tiết tiêu chuẩn mà Bộ GD-ĐT đã quy định.

Có nhiều cách “lách” văn bản để né dạy như vẫn phân công mình dạy lớp, dạy đủ, vẫn có tên trong danh sách phân công chuyên môn, thời khóa biểu nhưng chỉ để “qua mặt” phòng GD-ĐT, còn cho giáo viên dạy hưởng tăng giờ. Làm như vậy chẳng giáo viên nào dám phàn nàn vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích và quyền lợi của bản thân. Cách khác là “nhờ” giáo viên dạy không tính tiền tăng giờ mà thầy cô giáo quen gọi với nhau là kiểu dạy “ơn nghĩa” không công. Những giáo viên được “diễm phúc” dạy thay này có bức xúc cũng chẳng thể kêu ca được bởi sợ “sếp” làm khó dễ.

Điều đáng nói là trong khi không trực tiếp giảng dạy mà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn lĩnh các khoản phụ cấp dành cho nhà giáo trực tiếp giảng dạy như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Các quyết định 244/2005/QĐ-TTg ngày 6-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập” hay nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 “Về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo” đều nêu rõ, chỉ nhà giáo trực tiếp giảng dạy mới được hưởng các chế độ phụ cấp này.

Như vậy, ngoài các khoản tăng giờ phải trả cho giáo viên dạy thay thì ngân sách nhà nước còn bị thất thoát một khoản rất lớn khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng “né” dạy mà vẫn lĩnh tiền phụ cấp ưu đãi và thâm niên hằng tháng sai quy định. Đó còn chưa nói đến việc không giảng dạy nên cán bộ quản lý chỉ đạo thiếu sâu sát về chuyên môn, công tác chủ nhiệm và các công tác khác. Cũng là nguyên nhân khiến hàng chục hồ sơ sổ sách, công việc được”vẽ” ra tạo áp lực cho giáo viên. Việc “lách luật” này liệu các cơ quan quản lý giáo dục có hay biết?

Thực trạng trên đây đã được Bộ GD-ĐT có văn bản chấn chỉnh và hướng dẫn cụ thể song vẫn cứ đang tồn tại. Mong rằng các cấp có trách nhiệm sớm đưa vấn đề này vào nề nếp để tránh lãng phí, thất thoát tiền bạc của ngân sách đầu tư cho giáo dục.

Thu hồi tiền phụ cấp của hiệu trưởng, hiệu phó

Một số giáo viên Trường THPT Bình Minh (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) phản ảnh hiệu trưởng nhà trường là ông Đỗ Thành Thụy và hiệu phó là ông Trần Tấn Bửu đi học chính trị và học cao học nên không tham gia giảng dạy từ tháng 8-2012. Tuy nhiên hai giáo viên này vẫn lĩnh phụ cấp đứng lớp bình thường.

Bà Trương Thị Bé Hai, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết sở đã có kết luận về việc thu hồi phụ cấp của thầy Thụy và thầy Bửu với số tiền hơn 26 triệu đồng. Nguyên nhân thu hồi là do trong thời gian từ tháng 8-2012 thầy Thụy đi học cao cấp chính trị và thầy Bửu đi học cao học nên không có đủ thời gian tham gia giảng dạy. Về nguyên tắc mỗi tuần các thầy phải dạy hai tiết, nhưng do việc học quá bận nên các thầy chỉ đảm bảo được công tác quản lý ở nhà trường, còn việc đứng lớp phải nhờ giáo viên khác thay. Do đó số giờ đứng lớp không đảm bảo đủ để hưởng phụ cấp đứng lớp.

THÚY HẰNG

DUYÊN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên