TTCT - WHO hiện đang đón chờ các đề xuất đổi tên bệnh đậu mùa khỉ với một cái tên cụ thể nhưng vẫn chưa thấy ý tưởng nào khả dĩ. Ảnh: Getty ImagesTổ chức Y tế thế giới (WHO) từ giữa tháng 6-2022 đã tìm cách đổi tên căn bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) theo đề nghị của nhiều nhà nghiên cứu và các cơ quan y tế vì cho rằng gọi tên "đậu mùa khỉ" mang hàm ý phân biệt chủng tộc và có thể gây ra tâm lý kỳ thị xã hội hay mặc cảm ở bệnh nhân, có hại cho việc ngăn chặn bệnh lây lan. Thế nhưng đã nhiều tuần trôi qua, nỗ lực đổi tên con virus và căn bệnh đều chưa đi đến đâu.Sau khi một căn bệnh được đặt tên, nó sẽ được ghi trong cuốn sách phân loại bệnh quốc tế của WHO (gọi tắt là ICD), kèm theo là mã số. Các nước dùng mã số này trong các báo cáo cũng như cơ sở dữ liệu để từ đó mới có những so sánh giữa số liệu các nước hay thống kê khác nhau. Thay đổi tên và mã số trong ICD không phải là quy trình đơn giản, đầu tiên cần được Ủy ban tư vấn khoa học và y học xem xét cái tên được đề nghị dùng để thay tên cũ có phù hợp không về mặt y học và các khía cạnh khác. Cho đến nay, dù nói đổi nhưng vẫn chưa có cái tên nào được đề xuất thay cho "đậu mùa khỉ". Sau khi vượt qua ủy ban này rồi, chuyện đổi tên được chuyển sang Ủy ban tư vấn tiêu chuẩn và phân loại xem xét. Ủy ban này có thể chấp nhận một tên mới dùng song song với tên cũ.Không dễ đổi tênMọi thứ chưa tới đâu là bởi việc đặt tên cho con virus gây bệnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban quốc tế về phân loại virus (ICTV), còn đặt tên căn bệnh do nó gây ra lại nằm trong tay WHO. Đổi tên đã có làm sao để các tài liệu nghiên cứu khoa học trước và sau đổi tên vẫn có sự liên thông thông suốt là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Thứ nữa, tìm cái tên không gây phản ứng ở tất cả mọi giới, mọi nước là một chuyện khó trong bối cảnh đụng đâu cũng thấy dễ "phạm húy", nhất là tìm ra một cái tên có thể rất ổn với đa số các nước nhưng vẫn có thể gây phản cảm ở một ngôn ngữ nào đó hay nền văn hóa nào đó.ICTV hiện đang trong quá trình chuẩn bị để đặt tên một số loại virus vào tháng 6 năm sau. Hầu hết các loài đều có tên danh pháp hai phần, gồm tên chi và tên loài, chẳng hạn Homo sapiens trong đó Homo là tên chi (người) còn sapiens là tên loài (tinh khôn). Tên vi khuẩn cũng thường có hai phần như thế, ví dụ Escherichia coli thường được viết tắt thành E. coli. Trong khi đó con virus Monkeypox chỉ có một thành phần nên ICTV sẽ đổi theo dạng danh pháp hai phần cho thống nhất.Tuy nhiên, theo các đề xuất đang được chuyển cho giới nghiên cứu cho ý kiến thì cái tên sẽ đặt cho con virus này là Orthopoxvirus monkeypox, tức vẫn có từ "đậu mùa khỉ" chứ không thể bỏ hay đổi khác. Ông Colin McInnes, trưởng tiểu ban đặt tên cho các virus đậu mùa, nói với tờ Statnews rằng đó là đề xuất của đa số, cho dù nhiều người hiểu sự mặc cảm cái tên virus có từ monkeypox có thể gây ra.Họ cũng hiểu gọi "đậu mùa khỉ" không có nghĩa con virus này phát sinh từ khỉ - khỉ chỉ là loại sinh vật người ta quan sát thấy mắc bệnh này đầu tiên. Nhưng giới khoa học không biết sinh vật nào là nơi phát sinh virus trong khi nhiều loại virus khác cũng được đặt tên theo cách đó, tức dùng tên sinh vật nơi virus được phát hiện đầu tiên. Với giới nghiên cứu, nỗi lo lắng có sự đứt gãy trong các nghiên cứu khoa học khi cái tên bị đổi khác là nỗi lo có thật, đáng quan ngại hơn nhiều yếu tố khác.Riêng về tên căn bệnh, nằm trong thẩm quyền của WHO, có vẻ dễ giải quyết hơn. Từ năm 2015, WHO đã có bộ quy tắc đặt tên bệnh với những hướng dẫn cụ thể như không được đặt tên một căn bệnh mới theo tên người; không được đặt tên theo địa danh; cũng không được dùng tên loài vật để đặt. Nhưng hướng dẫn này chỉ áp dụng cho các căn bệnh mới, phát hiện sau năm 2015, còn bệnh cũ đã có tên thì việc đổi là không đơn giản.Chẳng hạn, từng có nhiều lời phản đối tên bệnh MERS, một căn bệnh gần gũi với COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện là vào năm 2012 tại bán đảo Ả Rập. MERS vừa là tên con virus vừa là tên căn bệnh do viết tắt cụm từ Middle East respiratory syndrome (hội chứng hô hấp Trung Đông), như thế là vi phạm nguyên tắc đặt tên dựa vào một địa danh. Nhưng bộ quy tắc phải đến năm 2015 mới ra đời; nay MERS vẫn là MERS, chưa được đổi dù các nước Trung Đông phản đối. Theo tờ Statnews trích lời Rosamund Lewis, một quan chức WHO, có khả năng bệnh đậu mùa khỉ cũng được giữ nguyên như vậy, vẫn là moneypox trong tiếng Anh vì rơi vào tình huống như MERS.Trong quá khứ cũng có một vài trường hợp đổi tên bệnh nhưng không nhiều. Một ví dụ: ngày xưa hội chứng Down được gọi là bệnh Mông Cổ (Mongolism) nhưng sau đó không ai dùng nữa. Tuy nhiên trên cuốn ICD, tên chính thức của Down vẫn là Trisomy 21. WHO hiện đang đón chờ các đề xuất đổi tên bệnh đậu mùa khỉ với một cái tên cụ thể. Không có đề xuất thì các ủy ban thuộc WHO cũng không làm gì được. Cho đến nay chỉ mới có một đề xuất đặt tên "monopox" nhưng khổ nỗi "mono" dịch sang tiếng Tây Ban Nha vẫn là "khỉ". Có lẽ người ta sẽ tiến hành chuyện dễ trước: đó là đổi tên hai biến chủng bệnh đậu mùa khỉ hiện đang được gọi là chủng "Lưu vực Congo" và chủng "Tây Phi". Việc đổi tên chủng loại bệnh thì không thuộc trách nhiệm của WHO cũng như của ICTV - đây chỉ là cách gọi của cộng đồng khoa học.Ảnh: gavi.orgTuyên truyền cần thẳng thắnKai Kupferschmidt, một nhà báo chuyên về các loại bệnh truyền nhiễm, vừa có một bài viết trên tờ The New York Times phê phán cách các nước đang tuyên truyền cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ. Sau khi tự nhận mình là người đồng tính, Kupferschmidt cho rằng nhiều người, nhiều báo và cả nhiều nước đang lẩn tránh khi nói về bệnh đậu mùa khỉ khi bỏ qua các con số rất khách quan.Số liệu của WHO cho thấy trong tất cả các ca bệnh, chừng 3/4 số ca là có dữ liệu về giới tính. Trong số này đến 99% là nam. Dữ liệu về xu hướng giới tính chỉ có trên 7.500 ca; và trong số này, đến 97,5% là nam có hoạt động tình dục với nam. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra các kết quả tương tự. Chẳng hạn, báo cáo của British Health Security Agency cho thấy trong số 699 ca đậu mùa khỉ có dữ liệu, 97% là đồng tính nam, song tính hay nam giới có hoạt động tình dục với nam. Tại TP New York, trong số 639 ca được xác nhận tính đến 19-7, chỉ có 1 phụ nữ. Một nghiên cứu đăng tháng 7 trên The New England Journal of Medicine cho thấy trong 528 ca đậu mùa khỉ được ghi nhận từ 27-4 đến 24-6 tại 16 quốc gia, tất cả đều là nam giới, 98% xác định mình là đồng tính hoặc song tính.Thế nhưng, có thể do sợ mang tiếng là kỳ thị người đồng tính, cơ quan y tế nhiều nước chỉ nói chung chung, thậm chí nhiều nơi không nhắc đến yếu tố rủi ro mắc bệnh cao nhất là nam có hoạt động tình dục với nam. Tờ thông tin tuyên truyền của Đức về bệnh đậu mùa khỉ phát cho công chúng nói rõ bệnh này lây lan ở những nơi như câu lạc bộ tình dục, nhưng hoàn toàn không thấy đề cập đến từ "đồng tính nam" hay "nam có hoạt động tình dục với nam", dù chỉ một lần. Nhiều nước khác như Brazil, Mexico… cũng thế. Theo Kupferschmidt, cần thẳng thắn khi đề cập đến đậu mùa khỉ và giới đồng tính nam bởi có như thế mới cảnh báo cho cộng đồng này có biện pháp bảo vệ.Tính đến 5-8, hơn 80 quốc gia nơi đậu mùa khỉ không phải là bệnh lưu hành đã ghi nhận các đợt bùng phát, với tổng số ca nhiễm vượt 26.500 ca, theo Reuters.■ Tags: Bệnh đậu mùa khỉBệnh dịchĐậu mùa khỉWHOTên khoa học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.