Các công nhân của Tập đoàn Mitani Sangyo ngồi ăn giãn cách trong các vách ngăn được dựng lên từ năm ngoái đến nay - Ảnh: HIẾU GIANG
Siết phòng dịch để hoàn thành dự án đúng tiến độ
Đợt tái bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn khi tốc độ lây lan nhanh, diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn các lần trước.
Ngay khi dịch có xu hướng tấn công các khu công nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) đã tái lập hàng loạt biện pháp phòng dịch.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Bidrico, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - cho biết hiện doanh nghiệp này áp dụng biện pháp mạnh là mỗi ngày khai báo y tế hai lần đối với công nhân nhà xưởng lẫn các nhân viên kinh doanh, tài xế, nhân viên thị trường trên cả nước.
Trong đó, người lao động phải khai kỹ địa chỉ, tiếp xúc với ai, ở đâu... để dễ dàng truy vết khi có yêu cầu.
"Chúng tôi ứng dụng công nghệ, khai báo online, đảm bảo các biện pháp phòng dịch nên hoạt động sản xuất vẫn duy trì, đảm bảo đơn hàng lẫn công ăn việc làm cho người lao động" – ông Hiến nói.
Còn đối với lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp cũng phải chuyển sang chế độ "thời chiến" để vừa chống dịch ở mức cao nhất, vừa đảm bảo tiến độ các công trình. Tại công trường xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam (Đắk Lắk) của Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) những ngày này, hàng trăm kỹ sư, công nhân đang ngày đêm thi công gấp rút dự án điện gió 400 MW.
Đây dự án điện gió quy mô lớn nhằm bổ sung nguồn năng lượng sạch cho lưới điện quốc gia, nhất là nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao của miền Nam trong những năm tới. Do đó, công trường phải đảm bảo tuyệt đối về các yêu cầu chống dịch, tránh để dịch bệnh làm chậm tiến độ xây dựng công trình khi thời hạn hết hiệu lực giá FIT (giá mua bán điện cố định theo quyết định 39) sắp đến gần.
Ngay tại chốt ra vào dự án, các bảo vệ đều đo thân nhiệt tất cả người ra vào, phát khẩu trang, rửa tay khử khuẩn cho tất cả các cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng siết kỷ cương để đảm bảo công trường không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tập đoàn Trung Nam cho biết doanh nghiệp này vừa chống dịch, vừa khẩn trương thi công dự án, đảm bảo đúng tiến độ - Ảnh: TRUNG NAM
Theo đại diện Tập đoàn Trung Nam, doanh nghiệp này đã phun khử trùng toàn bộ khu điều hành dự án, chuẩn bị nước muối loãng pha thêm gừng để các cán bộ, nhân viên súc họng 2 lần mỗi ngày. Đối với các cuộc họp, vị đại diện này cho biết đều đảm bảo giãn cách theo quy định, trong đó những cuộc họp trực tiếp đều bố trí không quá 15 người.
Đồng thời, doanh nghiệp này đã nghiêm cấm cán bộ, nhân viên tụ tập ở các quán cà phê, quán nhậu trên địa bàn trong thời gian này cũng như hạn chế tối đa các trường hợp nghỉ phép nếu như không có các lý do cấp thiết.
"Các biện pháp trên nhằm mục đích để công trường được an toàn, việc thi công đảm bảo tiến độ cũng như sức khỏe của tất cả các cán bộ, nhân viên đều đảm bảo trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh" – vị đại diện Trung Nam cho biết.
Quyết tâm đóng điện trước tháng 11 năm nay, đại diện Trung Nam cho biết cả công trường đang thi công tối đa công suất, đạt được tiến độ ấn tượng nên doanh nghiệp này đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch, đưa nguồn điện sạch từ năng lượng gió "đẩy" lên lưới điện quốc gia sớm nhất.
Đảm bảo "mục tiêu kép" của Chính phủ
Trong cuộc làm việc về kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp phía Nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phương châm chống dịch của Việt Nam là "chống dịch như chống giặc" và biểu dương các doanh nghiệp đã có tinh thần "vừa sản xuất, vừa chiến đấu".
Nhắc lại nguyên tắc "mục tiêu kép", Thủ tướng nhấn mạnh "mục tiêu kép" là nhiệm vụ khó nhưng phải thực hiện và phải chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo nguồn lực để chống dịch tốt hơn.
Với phương châm này, các doanh nghiệp cho biết đều nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép".
Theo đại diện Trung Nam, với nỗ lực thi công hiện nay, dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam khi về đích đúng tiến độ sẽ bổ sung khoảng 1.173,6 GWh vào nguồn điện quốc gia mỗi năm. Trong thời gian thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỉ đồng vào ngân sách của địa phương, dự kiến nộp thuế GTGT khoảng 250 tỷ đồng/năm.
Theo vị này, vừa chống dịch, vừa hoàn thành dự án đúng tiến độ cũng là "mục tiêu kép" mà doanh nghiệp này đã vạch ra ngay khi khởi công dự án.
Tập đoàn Trung Nam cho biết khi về đích đúng tiến độ, dự án điện gió Ea Nam sẽ bổ sung khoảng 1.173,6 GWh vào nguồn điện quốc gia mỗi năm - Ảnh: TRUNG NAM
Còn đối với khối doanh nghiệp sản xuất, ông Kanayama Jun - trưởng văn phòng đại diện của Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) - cho biết trước các diễn biến mới của dịch bệnh, tập đoàn này đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất.
Trong đó, các nhà máy đã thuê container để chứa các vật tư dự phòng như giường, chiếu, gối... và chuẩn bị các khu vực dự phòng sẽ sử dụng trong trường hợp dịch bùng phát để đảm bảo duy trì sản xuất.
Việc các doanh nghiệp đang áp dụng hàng loạt biện pháp phòng dịch đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế khi GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. Đây là kết quả ấn tượng so với các nền kinh tế lớn trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Do đó, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" sẽ không chỉ mang lại hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp mà còn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận