Phóng to |
Nguyễn Hồ Linh - Ảnh: Hữu Công |
Học y để chăm sóc gia đình
“Em đang ở giữa dòng đời không cha, không mẹ. Chỉ trong phút chốc của sự sống thôi, em và hai em nhỏ của mình đã trở thành những đứa trẻ mồ côi. Sự yêu thương, niềm hạnh phúc của gia đình dường như dần bị dập tắt...”.
Đó là những dòng đầu tiên trong bức thư của Nguyễn Hồ Linh (19 tuổi). Ba chị em ở xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước trở nên trơ trọi, côi cút khi cả cha và mẹ đều lần lượt ra đi.
Trong ký ức của cô học trò năm đó mới học lớp 5, một buổi sớm mẹ thức dậy đi đưa cơm cho cha đang làm việc ngoài nông trường cao su và rồi mẹ không bao giờ trở về nữa. Tai nạn giao thông đã lấy đi chỗ dựa và nguồn sống của cả gia đình.
Gánh nặng dồn lên vai người cha, hết thời gian cật lực cạo mủ cao su kiếm tiền, ông lại trở về nhà chăm sóc ba đứa con. Sức lực của ông dần bị bào mòn cho đến một ngày không còn sức gắng gượng, ba đứa trẻ lại mồ côi cha. Cũng năm đó Linh dang dở giấc mơ đại học. “Em phải làm sao đây để chăm lo cho hai em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học? Em tự hỏi rồi chỉ biết khóc và nghĩ mình chắc sẽ đầu hàng số phận. Nhưng không, em sẽ không đầu hàng một cách dễ dàng như vậy...”.
Được bà nội và cô, dì động viên, Linh giấu nỗi đau vào trong, bước chân vào Trường trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn học ngành dược sĩ. “Một phần cũng vì cha đã qua đời bởi bệnh tật, nên đây là động lực để em học thật tốt, đi tìm hiểu về những vị thuốc trị bệnh để giúp đỡ những người như cha em” - Linh tâm niệm.
Phóng to |
Nguyễn Thúy An - Ảnh: Hữu Công |
Đó cũng là ước nguyện của cô bạn Nguyễn Thúy An (25 tuổi) đang học ngành y sĩ đa khoa cùng trường với Linh. Bốn tuổi An đã mất cha, một mình mẹ nuôi hai anh em An. Nhưng càng đáng trân trọng hơn khi biết người mẹ ấy mang trong mình căn bệnh động kinh và rối loạn tâm thần. Ngày khỏe mạnh, bà vác giỏ đi khắp xóm cạo gió, giác hơi, bấm huyệt để kiếm tiền nuôi hai con. Ngày trở trời, bà quằn quại đau đớn, nhốt mình trong nhà.
Tuổi thơ An lớn lên với những lần thăm mẹ qua song sắt của Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), là những biến động về tâm lý của mẹ khi bà thoắt cười, thoắt giận dữ. “Lúc nhỏ thì em sợ lắm nhưng lớn lên rồi thành quen. Nhưng thà như vậy vẫn hơn một ngày nào đó không còn có mẹ cạnh bên”, An xúc động.
Khi mẹ đã luống tuổi, lo toan kinh tế trong gia đình chuyển sang cho anh trai An, một công nhân điện. Nhưng một ngày đầu năm ngoái, anh trai bị điện giật và ngã từ trụ điện hơn 5m xuống đất, gần như trở thành người tật nguyền.
An hiểu rằng giờ đây mình chính là chỗ dựa của cả gia đình, cô quyết tâm trở thành sinh viên y khoa để chăm sóc mẹ, anh trai đến những ngày cuối đời.
Phóng to |
Phạm Thị Lan - Ảnh: Hữu Công |
Ngày đi học, đêm thức trắng kiếm tiền
23 tuổi nhưng Phạm Thị Lan nhỏ thó và xanh xao. Gián đoạn việc học trước ngưỡng cửa vào THPT khi phát hiện bố bệnh, Lan nghỉ học, từ Thái Bình vào làm công nhân may ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM). Nhưng khát khao được trở lại trường chưa bao giờ nguôi ngoai trong cô...
Một lần đi làm ngang qua Trường trung cấp kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (Q.7), nhìn thấy thông báo tuyển sinh ngành tin học - kế toán, đặc biệt nhận học sinh tốt nghiệp THCS, Lan như không tin nổi mắt mình.
“Đúng là cuộc đời không cản đường bất kỳ một ai. Nếu như cơ hội đã khó đến thì mình càng phải biết nắm giữ hơn”, Lan tự nhủ.
Thời gian ngắn ngủi khi phải xoay xở vừa học, vừa kiếm tiền nuôi mình và cả gửi chút đỉnh về quê cho bố mẹ, nhưng Lan không từ chối bất kỳ công việc chung nào trên lớp. Ngoài nhiệm vụ của một cô lớp trưởng năng nổ, Lan còn là thành viên hăng hái trong đội thanh niên xung kích của trường. Dành cả ngày cho trường lớp, chiều về Lan vội vàng với miếng ăn để kịp vào giờ làm ca tối từ 22g đến sáng hôm sau. Càng đáng khâm phục hơn khi biết kết quả học tập học kỳ vừa rồi Lan xếp loại xuất sắc với điểm học tập 9,3.
“Khi nộp hồ sơ đi học, em cũng suy nghĩ nhiều lắm về quãng thời gian bốn năm vừa đi học, vừa đi làm thì liệu mình có đủ sức lực để chống chọi. Nhưng niềm vui tinh thần như đã át đi tất cả mệt nhọc. Mỗi ngày em được lên lớp, gần bạn, gần thầy là một ngày vui”, Lan tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận