24/01/2014 06:10 GMT+7

Không còn nỗi buồn trong mắt em

NGUYỄN HỮU NHÂN
NGUYỄN HỮU NHÂN

TT - Ngày đầu nhận chủ nhiệm lớp, tôi đã chú ý đến em. Một phần vì cái tên Nguyễn Thanh Nguyên nghe sao giống tên con gái nên khi tôi gọi em là học sinh nữ khiến cả lớp cười ồ.

Mặc cho cả lớp đang cơn hưng phấn vì lầm lẫn của thầy, tôi nhìn thấy em vẫn yên lặng, toát lên vẻ chịu đựng thế nào không tả được.

0opzZafo.jpgPhóng to
Minh họa Nguyễn Ngọc Thuần
"Em có nói với tôi: Cha không còn đánh nữa, bớt rượu hơn xưa. Tôi mừng vì em đã có được nụ cười"

Những tiết học trôi qua, tôi thấy em không có sự năng động như các bạn, trong suốt tiết mắt em nhìn lên bảng nhưng không có sự tinh anh của sự sống. Em không hề nói chuyện cùng bạn, những câu pha trò đầy tính hài hước của tôi không gây được hiệu ứng gì nơi em. Bài kiểm tra em chỉ đạt mức trung bình, em cũng chẳng thiết tha đóng góp vào bài giảng...

Một lần, tôi gọi em lên trả bài, khi em cầm tập đưa cho tôi, tôi nhìn thấy những vết đỏ, tím bầm chạy ngang dọc trên cánh tay em. Tôi đoán ra ngay đó phải là hậu quả của trận đòn gần đây nhất của em. Nhưng tôi băn khoăn mãi: làm sao mà em, một học trò học không giỏi nhưng khá ngoan, lại bị những trận đòn đau như vậy. Tôi quyết định phải làm cho rõ.

Để hoàn tất hồ sơ cho các em, tôi yêu cầu viết lý lịch và nói rõ phải do cha mẹ viết, có ký tên xác nhận sự thật phía dưới. Đọc lý lịch của em, tôi ngạc nhiên vì tên mẹ và những thông tin liên quan đều để trống. Tôi nghĩ sẽ làm rõ chuyện này cùng sự thật về những dấu vết của đòn roi kia.

Rồi ngày họp cha mẹ học sinh cũng đến, thay cho cha mẹ là một người cô của em. Tan họp, tôi đến hỏi thăm về em. Sự thật là em vẫn còn mẹ nhưng hiện ở xa, cô thay mặt mẹ chăm sóc em. Nhiều điều chưa tiện nói, cô hẹn có dịp sẽ nói rõ hơn. Tôi nhận thấy cuộc đời em có nhiều góc khuất cần phải tìm hiểu cho rõ.

Nhân một ngày thứ năm, thời khóa biểu chỉ có ba tiết, tôi giữ em lại để trò chuyện. Bỏ qua giây phút ngần ngại ban đầu, em thổ lộ những điều mà một người dạy học lâu năm như tôi không khỏi bàng hoàng. Cha em vốn là một người nát rượu. Những khi say, ông thường đánh mẹ em. Những trận đòn đó làm mẹ em đau đớn rất nhiều. Mẹ con thường ôm nhau khóc. Mười tuổi em đã sống trong sự bất hạnh. Có những hôm em cắn răng nhìn cha dìm mẹ vào lu nước trước nhà, nước mắt tuôn tràn mặn chát cả miệng. Có những hôm mâm cơm ăn dở dang bị cha quẳng ra thềm nhà vì mẹ xới cơm chậm làm cha không hài lòng. Nội, ngoại không can ngăn được tật xấu của cha nên mẹ đành rứt ruột bỏ con lại mà ra đi vì lời răn đe của cha: Không sống được cứ đi nhưng để con lại. Mang con theo, cha giết cả nhà.

Từ khi mẹ bỏ đi cha cấm không cho mẹ gặp con luôn. Mẹ bỏ lên thành phố làm công nhân. Em ở lại cùng cha. Những khi uống rượu về, cha lại lôi em ra đánh, vừa đánh vừa chửi cả mẹ lẫn con. Cái hận của một người bị vợ bỏ sôi sục đến độ có hôm uống rượu mãi khuya mới về, cha lại lôi em ra đánh dù em không một lỗi lầm. Để cha nguôi cơn giận, em chỉ biết đứng yên chịu đòn đến khi nào cha mỏi tay thì thôi. Nhà các cô gần đó nhưng không ai dám che chở em vì sợ cha làm liên lụy. Chính vì vậy, khi viết lý lịch cho em, cha dứt khoát không cung cấp một dòng thông tin nào.

Tôi quyết định tiếp cận vị phụ huynh đặc biệt này. Thật tình, cha em khi tỉnh táo cũng không đến nỗi. Đúng sai, phải trái, cha em nhận thức khá tốt. Tôi khen em có cố gắng trong học tập và rất thương cha, chưa bao giờ than phiền về cuộc sống hay về cha cả. Tôi cũng cho biết bạn bè trong lớp cũng thân thiện cùng em.

Những lần gặp sau, với tư cách thầy chủ nhiệm và một người lớn tuổi hơn cha em, tôi từ từ bày tỏ sự thông cảm với cảnh nhà thiếu vắng người phụ nữ. Cha em cũng thổ lộ sự tiếc nuối về một gia đình đầm ấm trước kia. Bốn năm qua từ ngày mẹ em ra đi, cha em chưa hề nghĩ đến một phụ nữ khác. Tôi biết có lẽ những trận đòn mà em phải gánh chịu bắt nguồn từ nỗi đau và sự tự ái của cha. Mất nhiều lần tâm tình, thông cảm, tôi đã làm chuyển biến suy nghĩ nơi cha em. Cha em hiểu rằng mọi việc là do người lớn, em không phải chịu trách nhiệm gì trong việc cha mẹ chia tay. Những trận đòn đó thật là oan uổng cho em. Chưa kể trong một lúc nóng giận có thể cha sẽ gây tai họa cho em. Cha em chỉ trầm ngâm không nói.

Ngày nào đến lớp tôi cũng chú ý đến em. May mắn thay, dấu vết các trận đòn thưa dần và không còn nữa. Em có nói với tôi: Cha không còn đánh nữa, bớt rượu hơn xưa. Tôi mừng vì em đã có được nụ cười. Mắt em có hồn hơn trước. Vẻ năng động đã hiện ra ở em. Giờ học em chăm chú, hăng hái hơn nhiều. Em cũng bày tỏ về ước mơ của mình. Ngày nào đó, biết cha hồi tâm tỉnh ngộ, không rượu chè say sưa, đánh vợ như trước đây, cố công làm ăn, mẹ sẽ quay về, cả nhà đoàn viên, có gì mừng hơn thế.

NGUYỄN HỮU NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên