Không còn là vấn đề của riêng ngành nông nghiệp 

Cho đến nay, cả ba hình thái hạn nông nghiệp, hạn khí tượng thủy văn và hạn kinh tế - xã hội đều đã hiện diện tại Việt Nam.

Suy giảm lượng mưa đầu mùa (15-5 - 15-6) thập niên 2030 so với thập niên 1980 (biểu đồ do tác giả lập)

Việt Nam đã chịu đựng những thiệt hại đáng kể về kinh tế - xã hội trong các thập kỷ qua do hạn hán. Các trận hạn hán lớn trong những năm 1997 và 2002 đã ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 3 triệu người (1997) và 1,3 triệu người (2002), gây thiệt hại kinh tế lần lượt là 407 triệu đôla Mỹ và 200 triệu đôla Mỹ (UNISDR và Ngân hàng Thế giới, 2010).

Suốt hơn 10 năm qua, ở khu vực miền Trung, Tây nguyên, vùng Đông Nam bộ chưa có lúc nào người dân phải hứng chịu những đợt khô hạn và nắng nóng nặng như năm nay.

Tháng 5-2015, nhiệt độ trung bình vùng miền Trung đã cao hơn nền nhiệt độ trung bình nhiều năm 2-4°C. Khô hạn ở miền Trung có thể tiếp tục kéo dài vài tháng tới. Hầu hết sông ở khu vực miền Trung và Tây nguyên đều khô cạn, tổng lượng dòng chảy các con sông từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã sút giảm xấp xỉ 60-80% so với nhiều năm trước. Và lần đầu tiên Ninh Thuận phải công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán kéo dài.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), song song với nền nhiệt độ cao, nguồn nước đầu nguồn giảm là tình trạng xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn vào đất liền (hơn 70km, xấp xỉ mức của năm 2010). Trong bốn thập niên, từ năm 1980-2009, ở vùng này chỉ có hai năm khô hạn lớn là 2002 và 2004. Nhưng chỉ trong năm năm, từ 2010-2015, vùng đồng bằng này đã có ba năm có mùa khô nóng và hạn: 2010, 2014 và 2015.

Ở một nước nông nghiệp và là nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, khi nói về hạn hán, hầu như mọi người đều nghĩ tới hạn nông nghiệp chứ không phải hạn khí tượng, hạn thủy văn hay hạn kinh tế - xã hội. Hạn nông nghiệp được hiểu là một hiện tượng tự nhiên do tình trạng thiếu mưa, thiếu nước trong đất, giảm lưu lượng dòng chảy, nước ngầm, làm giảm năng suất cây trồng và sản lượng.

Hạn khí tượng - thủy văn liên quan đến sự biến động theo hướng sút giảm lượng mưa, dòng chảy so với trung bình nhiều năm. Hạn kinh tế - xã hội liên quan đến những thiệt hại về sản lượng và làm giảm nguồn thu ngân sách, gây ra những biến động xã hội như di dân, ngưng trệ nhiều nguồn sinh kế, phải cứu trợ khẩn cấp... Năm nay, có lẽ cả ba hình thái hạn hán nói trên đều hiện diện.

Đánh giá thiệt hại do hạn hán gây ra hiện nay ở nước ta chủ yếu chỉ dựa vào những tổn thất theo diện tích mùa màng, số đầu gia súc, thời gian đình chỉ sản xuất và sản phẩm bị sút giảm. Các chuyên gia cũng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá tổn thất kinh tế do suy giảm chất lượng môi trường, thu hẹp hệ sinh thái, làm mất tính đa dạng sinh học, hoặc những thiệt hại như gia tăng tình trạng di dân, xáo trộn cấu trúc xã hội hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Nhưng ta thấy rõ hạn hán ảnh hưởng đến hầu hết các vùng của Việt Nam, gây ra những thiệt hại đáng kể và tác động mạnh mẽ lên đời sống và phát triển kinh tế của đất nước. Căng thẳng vì nước ở Gia Lai đã khiến nhiều hộ dân tranh chấp, mất bình tĩnh, lời qua tiếng lại. Không có mưa hoặc ít mưa sẽ làm dòng chảy sông ngòi xuống thấp, dẫn tới xâm nhập mặn ở các vùng ven biển, có thể ảnh hưởng đến một nửa diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL vào mùa khô.

So với các thiên tai khác tại Việt Nam thì hạn hán phát triển từ từ chứ không nhanh như bão lũ, nhưng hạn hán kéo dài gây ra các tác động tích lũy tới kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ khô hạn kéo dài, người dân nông thôn ở các vùng duyên hải ĐBSCL phải mua nước uống với giá rất cao để sử dụng cho nhu cầu hằng ngày.

Do hầu như không thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề hạn hán gây ra, nhiều người trẻ đã phải rời bỏ gia đình và đồng ruộng đến các thành phố hay các vùng ngoại ô tìm kiếm việc làm, làm nảy sinh không ít vấn đề xã hội khác.

Giải quyết nạn hạn hán ở Việt Nam là rất khó và tốn kém. Chính phủ và các cơ quan bảo tồn nguồn nước có thể dùng ngân sách quốc gia hoặc của tỉnh để đầu tư nâng cấp hệ thống kênh thủy lợi và hệ thống hồ chứa, làm một số đập dâng trên hệ thống sông, mở rộng các nhà máy cấp nước sinh hoạt.

Chúng ta cần dùng cả các giải pháp đắt tiền như đầu tư thiết bị và công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt song song chọn lựa và canh tác các giống cây trồng chịu hạn, áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp và tăng cường biện pháp dự trữ nước cho các hộ gia đình. Nhưng cấp bách nhất là phải nhanh chóng trồng lại và bảo vệ các cánh rừng đầu nguồn nhằm giảm tác dụng khô nóng và làm nơi dự trữ nước tự nhiên cho sông rạch trong lưu vực.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận