Không còn là một thử nghiệm chính trị

TRẦN TRỌNG 14/07/2017 02:07 GMT+7

TTCT- Sau 20 năm, mô hình “một quốc gia, hai chế độ” do Đặng Tiểu Bình đề xuất không chỉ là một thử nghiệm chính trị nữa, mà đã là đời sống hằng ngày ở vùng lãnh thổ này.

Mối quan hệ giữa Hong Kong và đại lục sau 20 năm vẫn chưa thật sự rõ ràng-- scmp.com
Mối quan hệ giữa Hong Kong và đại lục sau 20 năm vẫn chưa thật sự rõ ràng-- scmp.com

 

Tuy nhiên, liệu mô hình quản trị nhà nước có một không hai đó có thành công hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Mô hình này được xác lập vào năm 1984 và triển khai ở Hong Kong vào năm chuyển giao 1997, được ca ngợi là bộ khung thực tế nhất để thống nhất hai vùng đất chia cách nhau 150 năm về ý thức hệ và khác biệt thể chế. Mô hình đó đã giúp thành phố ổn định trong thời kỳ chuyển giao từ Anh sang cho Trung Quốc.

20 năm giằng co

Trong những năm đầu tiên, “hai chế độ” đã được thực thi nghiêm túc. Các quan chức đại diện từ Trung Quốc đại lục hiếm khi xuất hiện trước công chúng, tương tự là lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đồn trú ở đó.

Theo một cuộc thăm dò của Đại học Hong Kong vào những năm sau chuyển giao, sự tin tưởng của công chúng vào chế độ mới ở mức trên 60%.

Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy lòng tin vào mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở mức 52% vào nửa cuối năm 2014.

Giáo sư Lau Siu-kai (Lưu Triệu Giai) - cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách trung ương - tin rằng tới giờ, nhìn chung mô hình này là một thành công: “Mục tiêu ban đầu là bảo đảm sự chuyển giao hòa bình và êm thắm. Nói chung, Hong Kong đã giữ được sự thịnh vượng, ổn định và đời sống như xưa”.

Ông Lưu mô tả những can thiệp từ Bắc Kinh là “các động thái phòng ngự” và cho rằng phía đối lập cùng những người đòi độc lập cho Hong Kong vẫn hiểu khác về mô hình “nước sông không phạm nước giếng”, và rằng thành phố chưa thực sự chọn ra được một chính quyền có thể cai trị hiệu quả.

Đó là những động thái phòng ngự... giữa những thách thức chống lại quyền lực của chính quyền trung ương và thách thức trong khả năng quản trị của chính quyền Hong Kong - ông nói với South China Morning Post (SCMP) - Không phải là chính quyền trung ương muốn thay đổi chính sách này. Nếu Bắc Kinh thấy hệ thống này làm tổn hại lợi ích quốc gia Trung Quốc, họ đã không để yên cho nó”.

Sự kiện có tính chất bước ngoặt có lẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 6 năm ngày chuyển giao, 1-7-2003. Khoảng nửa triệu người đã xuống đường phản đối một luật mới về an ninh cũng như sự xử lý kém cỏi của chính quyền với dịch SARS.

Bắc Kinh khi đó phát động một chiến dịch quyết liệt kêu gọi lòng yêu nước và yêu cầu Hong Kong phải được quản trị bởi những người “yêu nước và yêu thành phố”.

Lo ngại lớn hơn lên ở Bắc Kinh khi những người dân chủ nhận được sự ủng hộ chính trị khá mạnh cho mục tiêu tổ chức bầu trưởng đặc khu qua phổ thông đầu phiếu, thay vì lối bầu hiệp thương mà chính quyền trung ương ưa thích trong giai đoạn 2007-2008.

Mối quan hệ bắt đầu chuyển từ thăm dò sang căng thẳng giữa những tuyên bố nói Hong Kong thực ra được cai trị bởi hai lực lượng: chính quyền thành phố và “văn phòng liên lạc” của Bắc Kinh.

Điều này nêu ra những câu hỏi nghiêm trọng về điều 22 Luật cơ bản - một kiểu hiến pháp trên thực tế của Hong Kong, trong đó cấm bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền trung ương hay thành phố với các vấn đề mang tính chất địa phương.

Một sự cố nữa nổ ra năm 2012, khi chính quyền buộc phải rút lại một chương trình giáo dục cho toàn vùng lãnh thổ trước những cuộc biểu tình dữ dội của các bậc phụ huynh và học trò, những người nói giáo trình lịch sử áp đặt chủ nghĩa dân tộc với học trò.

Tháng 6-2014, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố sách trắng 15.500 từ giải thích hệ thống “một quốc gia, hai chế độ cần được hiểu chính xác thế nào”.

Bắc Kinh nhắc lại họ có toàn quyền với Hong Kong và thay vì tự coi mình là một vùng lãnh thổ tự trị hoàn toàn, thành phố này chỉ được trao quyền điều hành theo sự ủy nhiệm từ trung ương. Nói cách khác, sự tự trị của Hong Kong giới hạn ở những gì chính quyền trung ương sẵn lòng nhượng bộ.

Tháng 8-2014, điều đó được thể hiện bằng việc Bắc Kinh ấn định những cải cách có lợi cho nhóm gần gũi với chính quyền trung ương trong các kỳ bầu cử Viện dân biểu.

Những cải cách này bị Cơ quan dân biểu Hong Kong bỏ phiếu bác bỏ, đồng thời làm dấy lên phong trào “Dù vàng” với các tuyến đường chính bị phong tỏa hơn hai tháng trời.

Cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Hong Kong Albert Ho Chun-yan (Hà Tuấn Nhân) nói nhân dịp kỷ niệm 20 năm Hong Kong trở về với đại lục vừa rồi rằng Bắc Kinh cần phải nới lỏng tay với vùng lãnh thổ này, bởi nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” đang “bị thu hẹp nghiêm trọng” kể từ năm 1997. “Nếu tăng kiểm soát thì Hong Kong sẽ không còn vị thế cũ” - ông nói.

Nhưng phe “bảo hoàng” lại tin rằng vấn đề nằm ở chỗ những người chống đối sự “tái hòa nhập”. “Ngày nay, những trao đổi giữa Hong Kong và đại lục ngày càng gần gũi - Ip Kwok-him (Diệp Quốc Khiêm), cựu nghị sĩ Hong Kong, nói - Nhưng những người dân chủ cực đoan chống lại xu hướng này và tạo ra một rào cản bằng những cuộc xuống đường, điều chắc chắn không tốt cho Hong Kong”.

Có một thực tế không thể phủ nhận: Hong Kong - với hơn một thế kỷ là kiểu đô thị pha trộn Á - Âu cực kỳ đặc sắc trong khi chứa đựng nhiều giá trị xa lạ với đại lục về văn hóa, chính trị, lối sống... - ngày càng gắn bó mật thiết với Trung Quốc về kinh tế.

Qua năm tháng, thành phố này đã tận dụng vị trí đặc biệt của mình để khai thác những lợi thế kinh tế ở bên kia biên giới, nhiều tới mức một số ngành nghề ở đây giờ phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế đại lục. Sự hội nhập kinh tế đó là không thể đảo ngược dù tình hình chính trị có ra sao.

Nhưng đổi lại, “Trung Quốc không muốn thấy Hong Kong, một thành công vượt trội trong vai trò thuộc địa của Anh, lại trở nên héo rũ và tàn úa khi trở về với đại lục - Frank Ching, cây bút bình luận của SCMP, viết - Hơn nữa, Hong Kong vẫn là một tài sản quan trọng với Trung Quốc.

Điều này đặc biệt đúng bởi vai trò trung tâm tài chính quốc tế của thành phố, trung tâm duy nhất mà Trung Quốc sẽ có trong một thời gian dài nữa... Đứng đầu danh sách các ưu tiên là pháp quyền và tự do thông tin. Nên duy trì những điều đó không chỉ vì lợi ích của Hong Kong, mà của chính Trung Quốc nữa, cả hiện tại và tương lai”.

Những nhà bình luận khác thì nói về một “tương lai định mệnh mới” cho Hong Kong, khi việc hợp tác kinh tế với đại lục dần trở thành điều nghiễm nhiên. Hong Kong có định mệnh “giúp Trung Quốc hiểu thế giới, Tây phương hóa, hiện đại hóa và giúp thế giới hiểu lẫn hòa hợp hơn với Trung Quốc”, theo lời nhà Trung Quốc học người Ý Francesco Sisci.

Theo Sisci, nếu vai trò này được hiện thực hóa, thành phố sẽ cần sự độc lập dài hơn khoảng thời gian 30 năm nữa (mô hình “một quốc gia, hai chế độ” dự kiến chấm dứt vào năm 2047).

Tranh luận về Luật cơ bản

Luật cơ bản của Hong Kong được bắt đầu sau Tuyên bố chung Anh - Trung Quốc về việc trao trả Hong Kong năm 1984, nhằm triển khai mô hình “một quốc gia, hai chế độ” trên thực tế và được coi là hiến pháp của vùng lãnh thổ này.

Theo đó, hệ thống tư bản chủ nghĩa và cách thức Hong Kong tự quản trị mình sẽ được giữ nguyên trong 50 năm.

Được soạn thảo bởi một ủy ban 59 người (23 người Hong Kong và 36 người đại lục), luật quy định về mối quan hệ giữa Hong Kong và chính quyền trung ương, cam kết bảo vệ nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do hội họp và quyền bình đẳng trước pháp luật.

Điều 23 của luật này là điều gây nhiều tranh cãi nhất, quy định chính quyền Hong Kong sẽ ban hành đạo luật ngăn cấm bất cứ hành vi phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ nào chống lại chính quyền trung ương.

Bắc Kinh cũng giữ cho họ quyền giải thích Luật cơ bản khi xảy ra tranh cãi và tới nay đã 5 lần thực thi quyền này.

Năm 1999 là phán quyết về quyền nhà ở của những trẻ sinh ở đại lục trước khi cha hoặc mẹ chúng trở thành công dân thường trú của Hong Kong. Năm 2004, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc (NPCSC) lại can thiệp giải thích hai phụ lục trong điều 45 nhắm tới việc bầu cử trực tiếp trưởng đặc khu.

Theo giải thích này, trưởng đặc khu sẽ phải báo cáo với NPCSC về bất cứ sửa đổi nào trong phương pháp bầu cử và NPCSC có thể quyết định những sửa đổi này có cần thiết hay không. Năm 2005, trưởng đặc khu Tung Chee-hwa (Đổng Kiến Hoa) xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe, 2 năm trước khi nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông kết thúc.

Vì đây là việc chưa có tiền lệ và không có trong luật định, quyền trưởng đặc khu Donald Tsang (Tăng Âm Quyền) đã viện tới sự giải thích của NPCSC và được trả lời ông có thể nắm quyền trưởng đặc khu tới kỳ bầu cử tiếp theo, nhưng yêu cầu chính quyền Hong Kong sửa luật để chuẩn bị cho những tình huống như thế trong tương lai.

Năm 2008 là một vụ kiện thương mại liên quan tới hoạt động của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc ở CHDC Congo.

Hàng loạt vụ tranh chấp liên quan tới Luật cơ bản đã khiến nhiều người nghi ngờ mức độ hiệu quả của nó. Tiến sĩ Brian Christopher Jones, Đại học Liverpool Hope (Anh), cho rằng đây là một hiến pháp đã bị thao túng và thiếu những điều khoản đảm bảo dân chủ cốt yếu.

Nhưng không chỉ bởi khác biệt về lý giải những điều to tát trong Luật cơ bản, sự bất đồng giữa “hai chế độ” trong “một quốc gia” với trường hợp Hong Kong đáng kể hơn bởi những xung đột hằng ngày diễn ra giữa hai bờ sông Thâm Quyến.

Một sự cố như thế là cuộc khủng hoảng thiếu sữa bột cho trẻ em ở Hong Kong, dẫn tới việc chính quyền phải hành động vào năm 2013 ngăn chặn người từ đại lục tới Hong Kong mua sữa rồi về bán lại. Gần đây hơn là việc giá nhà ở Hong Kong tăng chóng mặt vì tiền đổ vào từ đại lục.

Những xung đột hằng ngày liên quan tới cơm áo gạo tiền như thế khiến nhiều người Hong Kong thấy họ đang bị đẩy ra khỏi nhà mình, và chắc chắn ảnh hưởng tới sự tin cậy giữa hai bên cũng như lòng tin của người dân vào chính quyền trung ương.

Một cuộc thăm dò qua điện thoại của Đại học Hong Kong vào tháng 9-2016 cho thấy 39% những người được hỏi nói họ đang cân nhắc chuyển khỏi Hong Kong, tới sống ở những nơi như Đài Loan, Canada và Úc.

Trong những người từ 18-30 tuổi, tỉ lệ này lên tới 57%, nhiều người nói họ không hài lòng với hệ thống chính trị, tình trạng chia rẽ và cả các bận tâm kinh tế. Đó sẽ là một cuộc bỏ phiếu bằng chân mà không mưu toan chính trị nào ngăn cản được và sẽ là sự tổn thất không chỉ cho cả Hong Kong, mà còn cho chính Trung Quốc nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận