Metaverse có thể bơm 1.400 tỉ USD vào GDP - Ảnh: CNBC
Theo Đài CNBC, công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu thế giới Deloitte cho biết đóng góp của metaverse vào tổng sản phẩm quốc nội ở châu Á có thể từ 800 - 1.400 tỉ USD mỗi năm vào năm 2035.
"Metaverse không còn là khoa học viễn tưởng nữa. Các nền tảng metaverse ban đầu đã được hàng triệu người sử dụng", theo báo cáo.
Metaverse có thể tạm định nghĩa là một thế giới ảo nơi mọi người sống, làm việc và vui chơi. Với tiền mã hóa, người dùng có thể mua và phát triển vùng đất ảo hoặc trang phục cho hình đại diện của riêng họ.
Lợi thế metaverse: 60% thanh niên sống ở châu Á
Với tiêu đề "Metaverse ở châu Á: Các chiến lược để tăng tốc tác động kinh tế", báo cáo của Deloitte đã xem xét ảnh hưởng tiềm năng của metaverse đối với 12 nền kinh tế châu Á.
Ông Duleesha Kulasooriya, giám đốc điều hành của Trung tâm Deloitte Center for the Edge tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng quy mô của tác động dự báo là do "lực hấp dẫn nhân khẩu học" của khu vực.
"Nếu bạn nhìn vào giới trẻ ngày nay, họ là những người đang tương tác và tham gia vào metaverse, và 60% thanh niên trên thế giới sống ở châu Á", ông Kulasooriya nói.
Ngoài ra, có 1,3 tỉ game thủ di động ở châu Á, tạo thành cơ sở người chơi lớn nhất thế giới, theo báo cáo. Phân khúc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cách thức phát triển của Internet tiếp theo.
Báo cáo Deloitte cho biết, mặc dù công nghệ metaverse vẫn còn sơ khai nhưng đã có "hàng triệu người" ở châu Á dành thời gian và tiền bạc cho các nền tảng ảo phổ biến như Fortnite, Roblox và Decentraland.
Nền tảng Zepeto của Hàn Quốc, một ứng dụng truyền thông xã hội cho phép người dùng tạo hình đại diện 3D, với hơn 300 triệu người dùng đã đăng ký trên toàn thế giới.
75% mạch tích hợp được sản xuất ở châu Á
Lợi thế của châu Á khi nói đến metaverse cũng nằm ở "chuyên môn trong ngành" với tư cách là nhà sản xuất thiết bị điện tử và chất bán dẫn.
Ông Kulasooriya cho biết: "Nếu bạn nghĩ về việc sản xuất mạch tích hợp và tất cả những thứ giúp công nghệ hoạt động, thì 75% mạch tích hợp được sản xuất ở châu Á. Đó là một năng lực sản xuất khổng lồ!".
Ví dụ, Đài Loan nắm giữ hơn 90% năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, theo báo cáo năm 2021 của Tập đoàn tư vấn Boston.
Chiến lược cụ thể theo quốc gia
Mặc dù nghiên cứu của Deloitte chỉ ra tiềm năng kinh tế to lớn của khu vực, nhưng mức độ sẵn sàng của nó đối với metaverse cuối cùng phụ thuộc vào "các chiến lược độc đáo" của mỗi nền kinh tế.
Bà Michelle Khoo, giám đốc Deloitte Center for the Edge, cho biết Deloitte xem xét đến cả các nguyên tắc cơ bản về công nghệ, như: khả năng kết nối, mức độ thâm nhập của điện thoại thông minh và việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số cũng rất quan trọng trong việc xác định mức độ sẵn sàng của nền kinh tế đối với metaverse.
Ví dụ, Trung Quốc đã vạch ra quỹ đạo phát triển metaverse và đang "xây dựng sức mạnh của họ" với tư cách là một trung tâm sản xuất, bà Khoo nói.
Vào tháng 8, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch phát triển và đổi mới metaverse trong hai năm, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy việc sử dụng nó.
Thượng Hải cũng đã đưa metaverse vào kế hoạch phát triển 5 năm mới nhất vào cuối năm 2021.
Tương tự, Hàn Quốc có một "kế hoạch chi tiết chiến lược" để thúc đẩy ngành công nghiệp metaverse, với khoản đầu tư ban đầu là 177,1 triệu USD cho nỗ lực này.
Báo cáo của Deloitte cho thấy Trung Quốc có thể là nước hưởng lợi lớn nhất về GDP đối với ngành công nghiệp metaverse. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn phải đối mặt với những thách thức pháp lý nặng nề trong việc phát triển metaverse. Ví dụ, tiền mã hóa bị cấm tại Trung Quốc, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết trong một báo cáo vào tháng 9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận