28/06/2015 19:07 GMT+7

Không còn bạo lực học đường

CAO NGUYÊN (23 tuổi)
CAO NGUYÊN (23 tuổi)

TTO - Mấy năm gần đây, bạo lực học đường ngày càng trở nên trầm trọng, nhức nhối, là nỗi ám ảnh của toàn xã hội vì những hậu quả và hệ lụy nguy hiểm mà nó gây ra. Nhưng mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn sau 20 năm nữa.

Camera được gắn để quan sát học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM - Ảnh tư liệu

Khi ấy, bạo lực học đường đã lùi vào dĩ vãng, có chăng chỉ là vài ba việc xích mích trẻ con, nhanh chóng được người trong cuộc và người ngoài cuộc hòa giải. Chứ không phải như bây giờ, vì một cái nhìn cảm thấy ngứa mắt, vì một câu nói cho rằng ngứa tai là vác dao đuổi nhau chạy khắp trường, chém nhau như xã hội đen.

Khi ấy, các bạn học sinh lúc nào cũng muốn được đến trường, vì khi ở trường các bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhất, và vì đến trường các bạn sẽ tìm được một tương lai tươi sáng.

Khi ấy, các bậc cha mẹ không phải lo ngay ngáy con sẽ bị “đại ca” miệng còn mùi sữa bắt nạt, xin tiền khi tới trường, hoặc không phải xấu hổ đến nỗi không biết chui vào lỗ nào khi thầy cô coi con mình như đồ “mất dạy”, như thành phần “nguy hiểm cho xã hội”.

Khi ấy, thầy cô, nhà trường không phải “nể” học sinh như kiểu sợ hãi các bậc anh chị, không phải nơm nớp lo lắng sẽ xảy ra sự việc đáng tiếc trong trường, không phải nhờ tới lực lượng công an khi bạo lực giữa các em vượt ngoài tầm kiểm soát.

Thay vào đó họ dành thời gian, tâm huyết cho việc dạy học, cho việc sáng tạo những phương pháp, cách thức dạy học hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Khi ấy, các vị lãnh đạo ngành giáo dục không phải “thót tim” (vì bị ảnh hưởng tới thi đua khen thưởng chẳng hạn) khi thấy báo đăng trường này nam học sinh đánh thầy, trường kia nữ học sinh bị đánh, bị xé quần áo tơi tả. Các vị lãnh đạo sẽ dành thời gian, công sức tới tận nhà thăm những em học sinh nghèo vượt khó học giỏi, khen thưởng những thầy cô giáo sáng tạo trong giáo dục.

Khi ấy, cư dân mạng, báo mạng không phải đổ xô vào xem, viết bài về một clip học sinh đánh chửi nhau như kẻ thù, rồi thể hiện sự “phẫn nộ” một cách thái quá với những “hòn đá” được ném từ trong đám đông một cách vội vàng, loạn xạ, chẳng cần biết thế nào là chừng mực, là phải trái.

Cư dân mạng dùng thời gian này đi tham quan (trên mạng), học hỏi những điều hay, điều đẹp, điều mới lạ từ xứ người để về phổ biến cho người mình biết, học theo và làm tốt hơn.

Khi ấy, xã hội sẽ không còn ám ảnh với những mảng xấu loang lổ từ những học sinh - những người sẽ làm chủ đất nước trong tương lai, thay vào đó xã hội sẽ chung tay dành tiền bạc, sức lực để giải quyết triệt để những vấn nạn nguy hiểm khác như căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, như tình trạng lạm dụng rượu bia, nghèo đói…

Để loại bỏ được bạo lực học đường, các chuyên gia, nhà quản lý từ các lĩnh vực giáo dục, tâm lý, pháp luật… đứng dưới góc độ của mình đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp. Tất cả không phải thực hiện xong trong ngày một ngày hai, không thể thực hiện một cách vội vàng, thiếu cái nhìn hệ thống.

Trước hết, tôi muốn nhắc lại “khẩu hiệu” được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây: cải cách căn bản, toàn diện nền giáo dục. Đây là giải pháp đầu tiên, và gần như quan trọng nhất phải thực hiện, bởi nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến việc giảm thiểu bạo lực học đường, đến những giải pháp khác, và bởi gốc rễ của những vấn đề khác hầu như từ giáo dục mà ra.

Trong đó, theo tôi, cần tập trung đúng mức đến các khía cạnh đạo đức, văn hóa, lịch sử. Còn cải cách cụ thể thế nào, thiết nghĩ tôi không đủ trình độ để phát biểu và cũng không cần phải nói tới nữa, vì đã và đang được những người tâm huyết với giáo dục nói hết rồi.

Cần phải quản lý học sinh một cách hiệu quả, vừa ở ngoài đời thực lẫn ở trên mạng xã hội. Đừng để một đám đông nhốn nháo, vô phương hướng chi phối suy nghĩ, hành động của các em. Đừng để những thói hư tật xấu của xã hội xảy ra, lây nhiễm vào các em mà không thông qua một lăng kính gạn lọc. Vì khi ấy các em sẽ làm những việc mà mình nghĩ là “việc làm của anh hùng”, làm những việc để chứng tỏ cho cha mẹ, bạn bè, thầy cô… thấy rằng mình “có tồn tại” và tồn tại một cách rất huy hoàng, chẳng cần biết là đúng hay sai, tốt hay xấu.

Các thầy cô cần phải thể hiện mình là một “tấm gương” cho học sinh. Nếu các thầy cô dạy thêm tràn lan, “dìm” những học sinh không đi học thêm, nhận phong bì để nâng điểm, bán bằng cấp… thì làm sao mà dạy được học sinh, làm sao khiến học sinh nghe lời, tin vào điều hay lẽ phải được các thầy cô nói ra hằng ngày?

Đặc biệt là gia đình các em, dù là gia đình tỉ phú hay nghèo khó, là gia đình trí thức hay chỉ biết vài ba con chữ cũng phải quan tâm đến con em mình nhiều, thật nhiều.

Gia đình là cái nôi, là gốc rễ cho sự phát triển của các em. Gia đình phải quan tâm đến con em theo cách, theo hoàn cảnh của gia đình mình.

Không phải cứ được cho nhiều tiền, được dạy bảo với một bụng đầy chữ thì nhất định các em sẽ hạnh phúc, nhất định các em sẽ trở nên người tốt, và ngược lại bố mẹ nghèo khó, ít chữ thì con cái nhất định trở nên hư đốn, kém cỏi.

Các em cần tiền tiêu vặt, cần nhà cửa đàng hoàng là điều rõ ràng, nhưng cái các em cần nhất là một gia đình hạnh phúc, cần sự thấu hiểu từ cha mẹ.

Đừng một gia đình nào khiến các em có ý nghĩ chán nản, buông thả cuộc đời. Đừng một gia đình nào khiến các em phải lựa chọn giữa cha hoặc mẹ khi hạnh phúc vỡ tan. Các em không bao giờ muốn chọn ai, chỉ muốn có cả hai. Đừng một gia đình nào bố mẹ chỉ cắm cúi làm ăn quanh năm suốt tháng, mặc con cái làm gì thì làm, trở thành “cái gì” thì trở.

Khi mọi người trong xã hội chung tay ngăn chặn bạo lực học đường, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa được đưa ra và thực hiện.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng mọi vấn đề nhức nhối trong xã hội đều có liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề - vấn nạn khác.

Ví như để ngăn chặn bạo lực học đường, cần phải tạo cho các em một gia đình êm ấm, hạnh phúc, nhưng để các gia đình được hạnh phúc lại phải giải quyết các vấn đề liên quan như xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ, làm tốt công tác dân số…

Quả thực rất nan giải, chứ không đơn thuần chỉ cần làm tốt một vài công việc.

Nói cách khác, để ngăn chặn bạo lực học đường, chúng ta cần đồng thời phải giải quyết những vấn đề nan giải khác nữa, đã và đang trở nên nhức nhối trong xã hội.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của Việt Nam, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người Việt Nam trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120 triệu đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25 triệu đồng

- 1 giải nhì: 15 triệu đồng

- 1 giải ba: 10 triệu đồng

- 2 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

CAO NGUYÊN (23 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên