12/06/2014 07:26 GMT+7

"Không có lợi ích nhóm thì cái đó là cái gì?"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Trả lời chất vấn vào cuối buổi chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận được các chất vấn rằng có hay không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật?

“Dư luận, báo chí và ngay cả đại biểu Quốc hội cũng cho rằng có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản pháp luật. Còn nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý của cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề và chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường về trách nhiệm của Bộ Tư pháp, giải pháp chấn chỉnh.

“Lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhận định: “Hiện nay cứ bộ nào được giao quản lý nhà nước cái gì thì xây dựng luật cái đó. Tôi không dám nói là lợi ích cục bộ nhưng bộ nào làm luật thì quyền dành cho mình mà trách nhiệm thì nhẹ đi”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời: “Chúng tôi chưa thấy có vấn đề gì đặt ra về chuyện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, đây chưa phải là vấn đề nổi lên lắm. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn từ một góc độ nào, ví dụ hôm qua chất vấn về xăng dầu thì cũng có những góc nhìn khác nhau”. Ông thừa nhận “đúng là cũng có xu hướng không quản lý được thì cấm, tức là tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý hơn là tạo thuận lợi cho dân thì cũng có ở một số lĩnh vực, một số văn bản. Nhưng cho đến ngày hôm nay cái này đang được kiểm soát rất thận trọng, khi mà Chính phủ đã giao lại công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ về Bộ Tư pháp. Chúng tôi yêu cầu công tác này phải làm sao giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính không cần thiết”.

Theo ông Cường, hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta có lẽ cũng phức tạp nhất thế giới, với rất nhiều chủ thể có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí đến tận chủ tịch xã. Rất nhiều văn bản quy phạm với các tên gọi khác nhau do nhiều chủ thể khác nhau ban hành, nên hệ thống pháp luật của chúng ta rất phức tạp, rất khó tuân thủ, chi phí tuân thủ rất lớn.

Hết sức tránh lobby

“Tôi cũng xin báo cáo thật là có những dự thảo luật không phải là có lobby (vận động hành lang), chạy, tranh thủ nọ tranh thủ kia bởi liên quan đến cái này cũng rất chặt chẽ. Có những đại biểu rất trách nhiệm, mỗi khi có nghi vấn về việc này thì cũng gọi điện, nhắn tin cho chúng tôi phản ảnh rằng có nhóm nào đó đến tranh thủ đơn vị nào đó của Bộ Tư pháp về câu chuyện thẩm định thì chúng tôi đều cảnh báo việc đó và cũng tránh hết sức trước những việc như vậy” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu một trong những tồn tại rất đáng quan ngại là có những vấn đề, lĩnh vực Hiến pháp cho phép người dân và doanh nghiệp được làm, luật tạo ra các hành lang, điều kiện để thực hiện, nhưng đến các nghị định và đặc biệt là thông tư thì đặt ra các rào cản, thậm chí là tạo ra các bẫy... Người dân và doanh nghiệp rất dễ rơi vào các bẫy này và khi đó có thể bị khởi tố, điều tra và xử lý tội cố ý làm trái... Cử tri cũng bức xúc tình trạng ra văn bản sai rồi rút lại, sửa chữa, đôi khi gây tốn kém hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Trả lời ông Nghĩa, ông Cường khẳng định nguyên tắc là các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật không được trái với Hiến pháp và luật. Đối với tình trạng ban hành văn bản sai, trái so với quy định của Hiến pháp và luật thì có những cái ban hành rồi, nhưng nhiều cái mới chỉ dự thảo thôi, khi dư luận phản ứng, góp ý thì đã được tiếp thu.

Chưa hài lòng về phần trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn ra con số 312 văn bản sai, có những văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật. “Tôi thấy rất nghiêm trọng. Nếu đem 312 cái đó ra mà thi hành thì cũng chết, mà nếu không thi hành thì những cán bộ thực thi cũng vi phạm pháp luật” - Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng cảm với vấn đề đại biểu Nghĩa nêu ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lấy ví dụ từ thực tế Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đang được sửa đổi, qua đó cho thấy có đến mấy trăm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có những điều kiện rất khó có thể chấp nhận được. “Công tác xây dựng pháp luật của chúng ta vô cùng có vấn đề” - ông Nguyễn Sinh Hùng nói.

BfOK8rJm.jpgPhóng to
Ảnh: V.D.
Vậy cái đó là cái gì?

Nếu bộ trưởng nói rằng không có việc cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của một số bộ ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì xin bộ trưởng cho biết trong việc soạn thảo văn bản pháp luật thường rất quan tâm đến tổ chức bộ máy, hay là các quỹ, các thủ tục hành chính... vậy đó là cái gì?

nxnDYshl.jpg
Ảnh: V.D.
Có chuyện cài đặt bộ máy, nhưng...

Đúng là cũng có những câu chuyện là khi xây dựng luật, pháp lệnh thì một số cơ quan có mong muốn là cài bộ máy của mình vào đó. Nhưng cũng xin thưa là từ giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI thì tất cả những luật, pháp lệnh trình lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Bộ Chính trị thì không được đưa tổ chức bộ máy vào. Như vậy, nếu có thì cũng được cơ quan thẩm quyền quyết định.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên