31/08/2015 10:08 GMT+7

Không có hộ khẩu bị xem là công dân hạng hai

VÕ VĂN THÀNH thực hiện - thanhvv@tuoitre.com.vn
VÕ VĂN THÀNH thực hiện - [email protected]

TT - Cuốn sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng. Nhiều giao dịch dân sự yêu cầu phải có hộ khẩu mặc dù không có trong quy định của pháp luật như lắp đặt điện thoại, côngtơ điện, nước...

Phụ huynh đến nộp hồ sơ nhập học cho học sinh lớp 6 tại Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM. Đây là quận không đòi hỏi phải có hộ khẩu khi tiếp nhận học sinh - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh đến nộp hồ sơ nhập học cho học sinh lớp 6 tại Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM. Đây là quận không đòi hỏi phải có hộ khẩu khi tiếp nhận học sinh - Ảnh: Như Hùng

Mặc dù Luật cư trú ban hành từ năm 2006 đã quy định nghiêm cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng trong thực tế hàng chục thủ tục hành chính vẫn đang “ăn theo” hộ khẩu, gây khó khăn và trở ngại cho cuộc sống của người dân nhập cư.

Đó là một trong những kết quả nghiên cứu về “hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam” của nhóm nghiên cứu Viện Xã hội học thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, PGS.TS Đặng Nguyên Anh (viện trưởng Viện Xã hội học) cho biết:

- Về bản chất, sổ hộ khẩu là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân được cấp cho hộ gia đình. Nhưng qua nghiên cứu cả định tính và định lượng của chúng tôi trên địa bàn một số tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Đắk Nông cho thấy sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng.

Nhiều giao dịch dân sự yêu cầu có hộ khẩu tuy không có trong quy định pháp luật như lắp đặt điện thoại, lắp côngtơ điện, nước.

Chúng tôi đến một số phường ở Đà Nẵng và Đắk Nông thì thấy mỗi nơi có trên 20 loại thủ tục yêu cầu có hộ khẩu trong hồ sơ làm thủ tục đăng ký/xác nhận được niêm yết tại trụ sở phường. Liệt kê ra thì rất dài.

Ví dụ như các thủ tục liên quan đến đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, tình trạng hôn nhân, giám hộ, hộ tịch, nuôi con nuôi, chứng thực di chúc, xác nhận hộ nghèo, dạy nghề cho người nghèo, chứng thực hợp đồng thế chấp, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, xác nhận học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để được vay vốn tín dụng, hồ sơ đề nghị kinh phí mai táng...

PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Ảnh: Việt Dũng

Trong trung hạn vài năm tới, tiến tới loại bỏ hộ khẩu và thay thế bằng hệ thống đăng ký và quản lý cư trú bằng thẻ căn cước

PGS.TS ĐẶNG NGUYÊN ANH

Không có hộ khẩu là công dân hạng hai

* Như vậy là có rất nhiều thủ tục “ăn theo” hộ khẩu?

- Quá nhiều. Đối với người có hộ khẩu, đó đã là một sự phiền hà. Còn đối với người không có hộ khẩu, thường rơi vào các trường hợp dân di cư, thì chúng ta có thể hình dung họ vất vả như thế nào.

Lên phường xin chứng nhận một thủ tục nào đó, không đủ giấy tờ, đi lại mấy lần không giải quyết được, rất mệt mỏi. Chẳng lẽ lại về quê để xin chứng nhận thì mất thời gian và tốn kém.

Trong khi đó muốn nhập hộ khẩu thành phố không đơn giản, phải có các điều kiện như nơi ở hợp pháp, thời gian tạm trú liên tục, đủ diện tích sàn bình quân.

Chúng tôi phỏng vấn một gia đình nghèo ở quận 7, TP.HCM. Đây là khu vực tạm cư ở ven sông. Một gia đình có ba thế hệ, tám nhân khẩu, từ miền Tây lên thành phố mưu sinh 20 năm nay chưa có hộ khẩu.

Hỏi vì sao thì họ nói không biết quy định như thế nào để kê khai, mà có kê khai thì nơi sinh, nơi ở cũng không ai xác minh cho.

Cuộc sống của họ thật sự tạm bợ, người đàn ông chủ gia đình đã khóc khi trò chuyện với chúng tôi. Họ rất nghèo nhưng không thuộc diện xét hỗ trợ, chẳng ai mời họ đi họp vì họ không thuộc diện hộ khẩu thường trú hay nói nôm na là “không phải người ở đây”.

Chúng tôi có đem chuyện này ra phản ảnh với phường thì phường nói phải theo quy định, không thể giải quyết riêng cho một gia đình nào vì còn nhiều hộ khác nữa.

* Phải chăng các quy định ràng buộc hộ khẩu với các dịch vụ “ăn theo” khiến những hộ nhập cư không có hộ khẩu ở nơi cư trú gặp bất lợi, tốn kém và hạn chế hòa nhập xã hội, thưa ông?

- Những bất lợi mà người di cư gặp phải thường là thiếu vốn, tay nghề thấp, các mối quan hệ xã hội hạn hẹp, ít có sự liên hệ với chính quyền, đoàn thể địa phương.

Do ít tham gia, hòa nhập xã hội, gặp một số rào cản trong tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản do không có hộ khẩu và cũng do không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao nên người di cư nghèo đứng trước nguy cơ trở thành một tầng lớp nghèo mới ở đô thị, một nhóm công dân hạng hai bên cạnh sự phát triển của thành phố.

Ở Hà Nội, người nhập cư nếu không có hộ khẩu thì không đủ điều kiện để tham gia tuyển dụng công chức. Nếu vẫn muốn thi công chức ở Hà Nội mà không có hộ khẩu, anh chị phải tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi. Rõ ràng là có sự phân biệt.

Chúng tôi có phỏng vấn một tổ trưởng phụ nữ ở Hà Nội, bà cho biết trong tổ có 1-2 chị em cần vay vốn bán hàng nên bà đã làm thủ tục giấy tờ để họ đi vay.

Còn mỗi bước cuối cùng là ông chủ tịch phường ký để đưa cho ngân hàng nhưng ông bảo hộ khẩu của các chị em này không phải hộ khẩu phường mình, thế là không được chấp nhận. Hay ở Đắk Nông có trường hợp một phụ nữ kết hôn song không được chồng nhập hộ khẩu về cùng.

Sau 10 năm chung sống, họ làm thủ tục ly hôn, người phụ nữ này không được chia tài sản, kể cả phần chia trên những mảnh đất chị trực tiếp khai hoang.

Chị tâm sự với chúng tôi: “Hồi trước em nghĩ thôi thì vợ chồng, ông nói từ từ thì em cũng từ từ, chứ nghĩ ra bây giờ mình có hộ khẩu thì mình đỡ, có quyền lợi được chút, nhưng mình không có hộ khẩu thì mình chịu”.

Phụ huynh đến nộp hồ sơ nhập học cho con đều luôn cầm theo hộ khẩu - Ảnh: Như Hùng

Tiến tới gỡ bỏ chế độ hộ khẩu

* Trong nghiên cứu của ông, người dân có đề nghị bỏ chế độ hộ khẩu?

- Người dân không đặt vấn đề bỏ hộ khẩu, song mong muốn Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký cư trú và ổn định cuộc sống sinh hoạt.

Tất nhiên trong xã hội hiện nay có nhiều nhóm dân, nhóm đã có hộ khẩu thường trú thì hộ khẩu không là vấn đề với họ. Hơn nữa các gia đình có hộ khẩu thường trú sử dụng hộ khẩu để đòi quyền nhập học “đúng tuyến” cho con cái.

Còn nhóm dân di cư chủ yếu là họ yêu cầu giảm bớt những thủ tục phiền hà ăn theo hộ khẩu. Hỏi vì sao chưa muốn bỏ hộ khẩu thì người dân cho rằng hộ khẩu là cần thiết để quản lý xã hội, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội.

Có nơi ở TP.HCM, những đối tượng đã tạm trú lâu dài mà không đủ điều kiện nhập hộ khẩu thì được cấp giấy chứng nhận tạm trú, tuy tính chất pháp lý không được như hộ khẩu nhưng có giấy tạm trú đó thì cũng đỡ hơn khi đi xin học cho con...

Chúng tôi cũng có phỏng vấn đại diện chính quyền và công an quản lý hộ khẩu ở các thành phố lớn. Vì số lượng người nhập cư đông nên công việc của họ khá mệt mỏi.

Họ cho biết phải dùng nhiều nghiệp vụ mới quản lý được chứ không chỉ riêng hộ khẩu, ví dụ như thông qua tổ trưởng dân phố, chủ nhà trọ. Khi được hỏi có nên bỏ hộ khẩu không, các anh nói bỏ thì phải có cái gì thay thế, chứ không thì “nắm” bằng cái gì?

* Vậy theo ông nên thay thế hộ khẩu như thế nào?

- Hướng tới một xã hội năng động hơn, quản lý cư trú bằng biện pháp đăng ký hộ khẩu cần được gỡ bỏ. Trước mắt cần đơn giản hóa thủ tục hộ khẩu nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.

Song song đó là tách các quy định gắn hộ khẩu với tiếp cận dịch vụ xã hội như giáo dục, giảm nghèo, điện nước... Trong trung hạn vài năm tới, tiến tới loại bỏ hộ khẩu và thay thế bằng hệ thống đăng ký và quản lý cư trú bằng thẻ căn cước.

Đây là vấn đề đã được Quốc hội thảo luận khi xem xét Luật căn cước công dân, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến quy trình đảm bảo an toàn thông tin, sao cho công dân không bị rò rỉ thông tin cá nhân.

Đừng đổ lỗi quá tải cho dân nhập cư

* Ông nghĩ sao về thực tế mà báo Tuổi Trẻ vừa phản ánh là học sinh nhập cư ồ ạt khiến TP.HCM bở hơi tai?

- Lẽ ra đây là bài toán lâu dài, chúng ta phải lường trước TP.HCM sẽ gia tăng dân số thông qua dân nhập cư. Đó là quy luật của cuộc sống. Anh không thể nói là chúng tôi cấm di cư.

Nhà nước ta không cấm người dân từ nông thôn ra thành phố tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong quản lý nhà nước, đây là một vấn đề đáng lẽ phải dự báo trước từ 10 năm để quy hoạch, để giữ đất xây trường... Nếu mà nước đến chân mới nhảy thì sao gọi là tầm nhìn quản lý.

Các nhà quản lý đã và đang áp dụng một số biện pháp trước thực tế học sinh nhập cư ồ ạt, trong đó ở nhiều nơi hộ khẩu đang được sử dụng như một công cụ điều tiết.

Quan điểm của nhóm nghiên cứu là cần giải quyết vấn đề một cách tổng thể với tầm nhìn xa, chứ không chỉ loay hoay với những biện pháp trước mắt vì chắc chắn dân số nói chung, trong đó có dân nhập cư, là chưa dừng lại.

Đối với vấn đề cụ thể là không có đất xây trường học, chúng tôi cho rằng cần phải rà soát lại.

Ví dụ ngay giữa thủ đô có trục đường lớn Phạm Hùng, bằng mắt thường thấy là đất còn nhiều lắm, chưa xây cất gì cả, không dùng cho bệnh viện, trường học thì có lẽ cho chung cư thương mại. Nghĩa là đất dùng cho việc gì chứ đâu phải đã hết đất.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện - [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên