09/07/2017 08:35 GMT+7

Không có gì vướng mắc trong đấu giá biển số đẹp

TÂM LỤA ghi
TÂM LỤA ghi

TTO - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Mai khẳng định như vậy về đề xuất thí điểm đấu giá biển số ôtô và xe máy ở 5 thành phố lớn.

Bà Nguyễn Thị Mai, phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Mai cho biết trước đây Bộ Tư pháp đã có ý kiến góp ý với Bộ Công an xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe đẹp để báo cáo Thủ tướng.

"Thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng việc đấu giá biển số xe chưa thể thực hiện được vì chưa có quy định. Theo tôi, thực tế không có gì vướng mắc trong việc đấu giá tài sản đối với biển số xe đẹp, bởi Luật đấu giá tài sản đã quy định đầy đủ trình tự thủ tục đấu giá tài sản", bà Mai nói.

Những vấn đề chuyên sâu hơn như quyền sở hữu, sử dụng biển số xe sau đấu giá thì Bộ Công an đang xây dựng.

Với băn khoăn của nhiều người về việc nếu đấu giá thì biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của Nhà nước đối với phương tiện giao thông đường bộ, phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp giải thích:

"Theo tôi, đã được đấu giá thì vật đó là tài sản được phép giao dịch. Tuy nhiên, quyền sở hữu tài sản, định đoạt tài sản đó như thế nào sẽ có quy định cụ thể và tùy thuộc vào sự điều chỉnh của pháp luật".

Theo bà Mai, biển số xe đẹp không phải là tài sản đơn thuần như là một ôtô, xe máy mà còn là công cụ của Nhà nước để quản lý trật tự an ninh đô thị. 

"Khi tính đến chuyện có trao cho người trúng đấu giá được quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt biển số xe đẹp hay không thì cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc thu được từ bán đấu giá biển số xe với lợi ích của việc quản lý đô thị", phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp nhận định.

“Bao nhiêu tiền vậy?”

Chúng ta thường nhìn số xe biết người chủ. Mỗi khi ai đó nhận một biển số xe 9 nút, mọi người không chúc mừng mà thường hỏi “bao nhiêu tiền vậy?”.

Trong nhiều năm rồi, chuyện biển số xe đẹp có cầu ắt có cung và Nhà nước đã để mất nguồn thu lớn này. Vì vậy tổ chức đấu giá biển số xe đẹp là hợp lý.

Nếu Nhà nước không tổ chức đấu giá biển số xe để có nguồn thu thì chắc rằng có người khác sẽ có nguồn thu đó và người thích có biển số ấy vẫn bị mất một khoản tiền không minh bạch.

Bạn đọc LƯƠNG VĂN BÁ (Trường THCS Nghĩa Phương, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)

Singapore được sang nhượng biển số

Ở Singapore, việc đăng ký biển số được công khai trên website của Bộ Giao thông Singapore (LTA). Muốn có biển số đẹp theo mong muốn, người mua sẽ đăng ký trực tuyến, đưa các thông số về chủ sở hữu (địa chỉ, email, số điện thoại, loại xe đang sở hữu, loại hình thanh toán: tiền mặt hay thẻ...).

Người mua có thể đề xuất 1-3 biển số mong muốn và số tiền dự kiến sẽ bỏ ra để đấu giá cùng một số tiền đặt cọc. Khi đấu giá thành công, người mua sẽ được thông báo qua email và yêu cầu thanh toán để nhận biển số.

Luật Singapore quy định khi đã đấu giá biển số đẹp thì không được trực tiếp chuyển nhượng mà thực hiện một cách gián tiếp và được chính phủ giám sát. Một khi đã sở hữu biển số xe thì chủ sở hữu cũng có thể giữ trong thời gian dài và có thể sang nhượng cho người khác nếu đóng đầy đủ các chi phí cũng như các giấy tờ cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước.

Để làm điều này, trước tiên người sở hữu phải đăng ký lại biển số cho một xe cũ, xe rẻ tiền hoặc gần hết hạn sử dụng. Sau đó họ làm thủ tục bán xe và biển số gắn trên xe cho người chủ mới với chi phí kèm theo cho chính phủ.

Hồi tháng 2-2016 từng có cuộc đấu giá biển số “S 32 H” được cấp từ 70 năm trước với giá 335.000 SGD (hơn 5,5 tỉ đồng), đắt hơn cả một chiếc xe trung bình và hơn rất nhiều tiền để mua một căn hộ năm phòng ở khu Sengkang.

LÊ NAM (từ Singapore)

TÂM LỤA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên