12/11/2024 07:46 GMT+7

Không có điện thoại để lên mạng, Tài 'hiếu thảo' vẫn đậu Đại học Nông Lâm TP.HCM

Ba liệt nửa người, con trai ăn cơm từ thiện để tiền mua thịt cho cha. Nhà nghèo điện thoại để lên mạng cũng không có, Lê Ngọc Tài vẫn đậu Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Tài 'hiếu thảo' đậu Đại học Nông Lâm TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Tuấn, ba của Lê Ngọc Tài, bị tai biến nên giờ cơ thể rất yếu, không làm được việc nặng - Ảnh: YẾN TRINH

Nghe tin Lê Ngọc Tài vào đại học, xóm nhỏ nơi hẻm đường Trần Quang Diệu (TP Dĩ An, Bình Dương) ai cũng chia vui, khen "thằng nhỏ hiếu thảo mà giỏi ghê".

Căn nhà cũ kỹ của gia đình Tài nằm ven dốc hẻm, sát mấy tiệm tạp hóa nhưng từ nhỏ Tài không mè nheo mẹ mua bánh kẹo cho mình bao giờ, là người con chăm ngoan, hiếu thảo.

Truyện thời xưa có cậu bé lên rừng giữa mùa đông tìm măng cho mẹ già, hoặc ngày chui vào chăn ủ ấm để tối mẹ ngủ không bị lạnh… Câu chuyện của Tài phảng phất như thế.

18 tuổi, là tân sinh viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhưng Tài còm nhom, nặng 48kg, ngại tiếp xúc người lạ.

Ba liệt nửa người, con nhường thịt cho cha 

Gian bếp nhỏ, khoảng sân hiên được tráng xi măng làm sàn nước. Trời chiều se se do mưa cả ngày, ông Lê Ngọc Tuấn (53 tuổi, ba Tài) ngồi nhặt rau muống.

Bó rau chia làm hai, một nửa mai nấu tiếp. Ông Tuấn nhặt rau tay phải, tay trái tong teo cầm hờ đọt rau vì mới thuyên giảm sau đợt tai biến liệt nửa người.

Nhường thịt chăm cha bệnh tật, dành dụm tiền mua điện thoại tặng mẹ, Tài 'còi' hiếu thảo vào đại học - Ảnh 2.

Lê Ngọc Tài nhặt rau muống với ba. Nửa bó rau còn lại để sáng sớm mai mẹ nấu sẵn cho mấy cha con ăn trưa - Ảnh: YẾN TRINH

Năm 2018, đang làm bảo trì điện cho một công ty gỗ, ông Tuấn lại bị đột quỵ. Giọng ông đến giờ vẫn chưa rõ chữ: "Ngủ một đêm dậy, tôi đột quỵ, liệt nửa người, ú ớ không nói được. Đi mấy bệnh viện chạy chữa, giờ chân đi được chậm chậm nhưng rất yếu. Tay cầm đồ nhẹ như hũ tăm thôi, cầm chén cơm là đổ".

Nhường thịt ram nuôi cha bệnh tật, Tài 'còi' hiếu thảo vào đại học - Ảnh 2.

Ngoài giờ học, Lê Ngọc Tài phụ mẹ nấu cơm, làm việc nhà - Ảnh: YẾN TRINH

Thời điểm đó, bà Hường - mẹ Tài - ở suốt bệnh viện chăm chồng, ban ngày tất tả đi làm công nhân. Tài đi học về tự cắm cơm. Hàng xóm tốt bụng đem cho tô canh, đồ ăn mặn…

Rồi Tài lên viện phụ chăm ba. Bà Hường đưa 300.000 đồng để mấy cha con ăn buổi trưa ở viện trong một tuần. Tài tính: hai ngày có cơm chay từ thiện, Tài xin ăn rồi nhường tiền để mua miếng thịt ram 13.000 đồng cho cha ăn cho có chất.

Hôm nào người chú ghé trông phụ, Tài mua hai phần cơm và xin cơm thêm, ưu tiên ba trước, còn Tài với chú ăn chung phần kia.

Bà nói: "Tội hắn lắm. Hắn lên bệnh viện, tối trải chiếu ngủ ngoài hành lang, ban ngày đẩy xe lăn cho ba. Ngơi ngơi thì học bài.

Thấy ba ăn uống khô khan, hắn muốn mua trái cây cho ba mà không có cái nào rẻ dưới 10.000 đồng. Bịch củ đậu mà tưởng là lê, hắn reo mừng: "Ối chà, bịch này có 10.500 đồng" rồi hí hửng mua cho ba ăn".

30 Tết, bà xin cho chồng về. Giờ tháng nào ông Tuấn cũng đi tái khám, lấy thuốc. Trời lạnh, cơ thể còm cõi đau nhức nhiều hơn, phải hạn chế đi lại. 

Gia đình bốn người xài không quá 100.000 đồng/ngày

Sáng, cả nhà thường ăn cơm nguội hấp. Lương công nhân bà Hường chỉ đủ lo tiền học cho con, tiền thuốc cho chồng, còn lại "chia ra ăn cho đủ tháng". 

Tài quen ăn uống cực khổ do biết cảnh nhà. Hỏi thích ăn gì, cậu đáp "Đậu hủ chiên chấm nước mắm. 10.000 đồng thôi".

Tháng 8, tháng 9 hằng năm phải mua sách vở, đồng phục, coi như âm tiền lương của mẹ. Vất vả nhưng vợ chồng bà tâm niệm: "Tôi cố gắng làm sao tiết kiệm nhất có thể. Mình không có của cho con, chỉ có thể lo cho con học".

Nam sinh THPT không ở trên Facebook 

Đi học về, Tài làm hết việc nhà, không nạnh em gái. Dù bận rộn hay thời điểm chăm ba, Tài không bỏ dở bài học.

Ông Tuấn tự hào: "Hắn ham bên điện tử, phần mềm. Con hay mày mò, hai tuổi đã tự mở đĩa phim hoạt hình. Hắn thích nghề gì học nghề đó, ba mẹ không ép con".

Tài 'hiếu thảo' đậu Đại học Nông Lâm TP.HCM - Ảnh 4.

Bà Phạm Thị Hường, mẹ của Lê Ngọc Tài, dù đi khám bác sĩ nói bị hội chứng tê tay nhưng bà không dám nghỉ ngơi ngày nào - Ảnh: YẾN TRINH

Ở nhà Tài hay nói chuyện với ba mẹ, nhưng ít khi tâm sự. Hồi lớp 10, cô điện hỏi "chị ơi sao Tài giờ giải lao không ra ngoài chơi với bạn bè, cứ ngồi một mình". Bà Hường giải thích là tính con như vậy từ nhỏ.

Liên hoan lớp 9, cô giáo nhắn Tài ở lại với các bạn, nhưng cậu nói về ăn cơm chứ không để ba ăn một mình.

Tài xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp và đậu vào ĐH Nông Lâm TP.HCM. Con vào đại học, mẹ đặt mua online hai cái áo, Tài đáp "một cái được rồi mẹ ơi".

8-3-2024, anh em Tài gom hết tiền dành dụm hồi nảo hồi nao, mua cho mẹ chiếc điện thoại 3,8 triệu đồng.

Tài 'hiếu thảo' đậu Đại học Nông Lâm TP.HCM - Ảnh 5.

Hàng xóm nhà Tài, bà Lai Thị Thục Trinh, thuê mẹ con Tài rửa chén chiều thứ bảy và ngày chủ nhật để gia đình Tài có thêm chút tiền trang trải - Ảnh: YẾN TRINH

Hôm đó mẹ tăng ca về, ngồi ăn cơm, Tài đưa mẹ và nói "Phần mẹ nè". Rồi Tài xài điện thoại cũ mà mẹ dùng đã 7 năm, chủ yếu nghe gọi, còn lướt mạng bị đơ.

"Những năm THPT, tôi không có điện thoại liên lạc với bạn bè trong nhóm. Mỗi khi tới lượt thuyết trình, tôi chỉ vội học thuộc rồi ứng biến trước lớp. Tôi cũng không xài Facebook gì cả", Tài kể.

Gia đình Tài thuộc diện hộ nghèo. Trong đơn xét học bổng Tiếp sức đến trường, Tài thể hiện nhận thức rõ rằng ba làm việc quá sức, lo lắng cho gia đình nên mới ngã bệnh. Tài tự nhủ phải gắng học thật tốt, kiếm việc làm thêm đỡ đần ba mẹ.

Ba mẹ con đi phụ rửa chén

Hàng xóm nhà Tài, bà Lai Thị Thục Trinh, cho biết mẹ con Tài gói ghém lắm, hiếm khi mượn tiền ai. Quán ăn nhà bà mở 7 - 8 năm, mẹ con Tài cứ chiều thứ bảy với ngày chủ nhật qua phụ. Mẹ rửa chén, con trai tráng nước, con gái úp.

"Quán ít khách, nhưng tui muốn cho mẹ con nó phụ cho có tiền. Giờ mình mẹ làm nuôi hai đứa ăn học, ba tai biến đâu có làm gì được. Chủ nhật quán đông hay không tôi cũng kêu, ngày 200.000 đồng. Chiều thứ bảy là 50.000 đồng", bà nói.

Chòm xóm hay cho nhà Tài đồ lặt vặt, như bà Trinh đi xuống đầu dốc mua trà sữa cũng cho Tài một ly. "Nhà nó thiếu thốn, ăn còn không có, lấy đâu mua bánh trái cho con", bà nói. Anh chị trong xóm cho Tài khi thì sách, khi bút viết.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Vừa học bài vừa ‘dỗ’ mẹ tâm thần, cô gái đậu vào trường Bách khoa - Ảnh 4.

Nhường thịt ram nuôi cha bệnh tật, Tài 'còi' hiếu thảo vào đại học - Ảnh 11. Nữ sinh Củ Chi vừa học bài vừa dỗ mẹ bệnh tâm thần đã đậu Đại học Bách khoa TP.HCM

Nhiều năm tháng thời gian học bài luôn phải ngắt quãng vì tiếng la của mẹ, phải bỏ dở bài vở để chạy vào “dỗ” người mẹ mắc bệnh tâm thần, Hồng Nhung không nguôi khát khao được vào đại học, năm 2024 cô thành tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên