Với một hạ viện “cầm chắc trong tay”, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hầu như có thể ung dung tiến hành các cải cách đã hứa. Tuy nhiên, liệu sự thành công của ông có bao gồm cả những cử tri Pháp đã không bỏ phiếu ủng hộ ông và những người đã không đi bầu cử? Thật vậy, cầm quyền và cai trị không phải là chỉ với “dân của mình”, những người đã bỏ phiếu ủng hộ, mà còn cho cả những người đã không bỏ phiếu cho mình. Ở Mỹ, những phản ứng của các tòa án cũng như chính quyền địa phương chống lại các quyết định của Tổng thống Donald Trump, từ sắc lệnh cấm nhập cảnh đến việc rút ra khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thí dụ cho thấy không thể quá tự tin vào sự ủy nhiệm đa số (cho dù là con số thực, chớ không phải số ảo), rồi ung dung cầm quyền theo ý mình, vì như thế sẽ chỉ là cầm quyền với chừng đó dân số và làm ngơ phần không hề nhỏ còn lại. Ông Macron và vợ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội Pháp-independent.co.uk Vắng mặt hơn phân nửa Vấn đề này đã được đặt ra cho chính phủ Macron ngay sau khi ông đắc cử tổng thống ở vòng hai trong bối cảnh có đến 12 triệu cử tri Pháp vắng mặt, cộng với 4,07 triệu lá phiếu trắng hoặc không hợp lệ, tổng cộng những 16,1 triệu cử tri không bỏ phiếu cho ai, tức 34% tổng số cử tri. Một tỉ lệ không nhỏ so với tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cho ông Macron: 43,63% tổng số cử tri (Le Monde, 7-5-2017). Vấn đề này càng được đặt ra sau vòng một bầu cử Hạ viện Pháp khi tỉ lệ cử tri vắng mặt lên tới 51,29% (48,71% cử tri đã đi bỏ phiếu). Đây là tỉ lệ vắng mặt cao nhất trong mọi cuộc bầu cử quốc hội dưới trào đệ ngũ cộng hòa. Cụ thể đã có đến 24 triệu người không đi bỏ phiếu: con số kỷ lục ngược này nhất định có ý nghĩa “đánh thức” với giới cầm quyền. Ngay hôm sau vòng một bầu cử quốc hội (tên chính thức của Hạ viện Pháp), Chloé Morin - giám đốc Viện quan sát dư luận Jean-Jaurès và Marie Gariazzo - phụ tá giám đốc của Viện dư luận IFOP, đã thử giải mã hiện tượng này: “Liệu đây có phải là do “ủng hộ thụ động” một tổng thống dường như đã chắc thắng nên cử tri không đi bỏ phiếu? Hay là do bão hòa về chính trị, khi rất đông người Pháp đã quá ngán vì phải bỏ phiếu tới mấy lần trong gần một năm đồng thời quá chán nản chuỗi “tham ô” bất tận? Hoặc đây là một khởi đầu của sự nản lòng, dự báo một tình trạng bất mãn đang nảy mầm?” (Huffington Post, 11-6-2017). Theo Viện thăm dò dư luận IFOP, tỉ lệ vắng mặt áp đảo này cho thấy tầm quan trọng của cảm xúc đã định hình bởi việc ông Macron giành chiến thắng ngay cả trước khi diễn ra bầu cử. Một số người cho rằng chiến thắng này hầu như được “áp đặt” bởi hệ thống truyền thông cùng các cuộc thăm dò nên họ chán ngấy chẳng buồn theo dõi. Điều đó có thể đã dẫn đến một tác động “làm nhụt nhuệ khí” cả nơi những ai ít nhiều cảm thấy hài lòng với những bước đầu tiên của tổng thống, mong mỏi rằng ông tiếp tục nghị trình, lẫn nơi các đối thủ của ông khi thấy viễn cảnh thách thức được ông, hay thành lập một chính quyền “chung sống” trong một chính phủ chia ghế ngày càng xa vời. Một số khác đã thất vọng ngay từ buổi tối loan kết quả bầu tổng thống vòng một, khi thấy ứng cử viên của mình thất cử và cho rằng bây giờ có đi bầu nữa cũng chẳng khác gì “chống lại cối xay gió”. Một số cử tri cũng hoài nghi về tính hữu ích của việc góp thêm lá phiếu nhằm ủng hộ một chiến thắng đã được báo trước. Giám đốc của IFOP, Jérôme Fourquet, bổ sung: “Nhiều người Pháp không hẳn đã thấy ông Macron thật sự thuyết phục, song họ không đến mức phải kình chống. Họ đơn giản muốn “cho ông ấy một cơ hội”. Liệu chính phủ Macron cùng Đảng Nền cộng hòa tiến bước (LREM) của ông có ý thức được ý nghĩa của tỉ lệ vắng mặt này? Cũng may là phát ngôn viên chính phủ Christophe Castaner đã nhanh chóng trả lời thắc mắc này ngay hôm sau ngày bầu cử: “Tỉ lệ vắng mặt như thế là một thất bại của cuộc bầu cử này. Trách nhiệm của chúng tôi là đem đến những lời giải cụ thể, có thể trả lời cho dân chúng, chạm đến cuộc sống thường nhật của họ” (La Croix 12-6-2017). Cái bẫy “thắng lớn” Thế nhưng tỉ lệ cử tri vắng mặt kỷ lục đó lại là phần chìm của tảng băng trong khi con số 28,21% ủng hộ (riêng của LREM) và 32,32% (tính cả đảng liên minh MoDem, tức Phong trào dân chủ của cựu bộ trưởng giáo dục François Bayrou, hiện là bộ trưởng tư pháp) lại thật ấn tượng. Phần nổi to tát đó dễ làm quên “phần chìm của tảng băng”. Phải nhìn nhận rằng trong một cuộc bầu cử “trăm nhà đua tiếng”, có đến 7.882 ứng cử viên ở vòng một, tức trung bình 14 ứng cử viên tranh cử trong một đơn vị bầu cử, đông hơn nhiều so với kỳ trước năm 2012 (6.603 ứng cử viên). Trong đó Đảng cầm quyền LREM 461 ứng cử viên, Đảng liên minh MoDem 76, Đảng cánh hữu Những người cộng hòa (LR) 480, Đảng Xã hội (PS) 414 ứng cử viên, Đảng Mặt trận dân tộc (FN) đông nhất - 571, Đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) 556..., mà liên minh cầm quyền LREM-MoDem vẫn giành được 32,32% sự ủy nhiệm thì đó quả là một thắng lợi to lớn, “đè bẹp” các đối thủ. Căn cứ trên tỉ lệ phiếu, có thể đoán trước liên minh cầm quyền, mà trong đó LREM là nền tảng, sẽ giành được 415-445 ghế trong tổng số 577 ghế sau vòng hai. Cánh hữu chỉ từ 80-100 ghế, Đảng Xã hội và các đồng minh 30-40 ghế, cánh tả (Đảng Nước Pháp bất khuất và Đảng Cộng sản 10-20 ghế, Mặt trận dân tộc từ 1-14 ghế; các đảng khác bất quá được 2-6 ghế còn lại). Thắng lớn là một sự thực qua con số, nhưng có thể là một ảo tưởng nguy hiểm với liên minh cầm quyền. Trong một dấu hiệu khác của sự đảo lộn, cuộc bầu cử còn chứng kiến các chính sách lâu năm thất trận trước những người thách thức mới: tổng cộng hơn 400 ứng viên hoàn toàn “mới” về mặt chính trị sẽ ra mắt quốc dân, chỉ không đầy một năm rưỡi từ khi họ bắt đầu dấn thân đi theo phong trào “Tiến bước” của ông Macron, vừa đổi tên thành “Nền cộng hòa tiến bước” sau bầu cử tổng thống. Nếu xem tình trạng “mới nguyên” này của các dân biểu tân cử là một làn sóng mới, mạnh mẽ, dứt khoát thay đổi thì đó cũng chính là mặt trái của tấm mề đay. Cai trị cả nước Tờ Ouest-France, vốn có số phát hành lớn nhất nước Pháp, ngày 13-6-2017 đăng bài xã luận nhận xét: “Trực giác hơn, có phương pháp hơn, Emmanuel Macron đã thắng rồi. Vấn đề không phải là dự báo tỉ số chính xác ngày chủ nhật tới của ông ấy, mà là xem ông ấy làm thế nào để đáp ứng một nước Pháp bị cắt làm đôi”. Bài xã luận mô tả nửa thứ nhất của nước Pháp: “Đó là nước Pháp của phe thắng cuộc, tự tin, hãnh diện, đã bỏ phiếu, và bỏ phiếu cho ai ta đã biết. Nước Pháp đó sẽ được đại diện ở quốc hội bởi những khuôn mặt mới, nhưng không hoàn toàn phản ánh hình ảnh đất nước”. Sau đó, mô tả tiếp nửa thứ nhì: “24 triệu cử tri đã không bỏ phiếu. Cứ hai người thì hơn một người đã không bỏ phiếu. Tăng gấp đôi so với bầu tổng thống. Trong đa số các trường hợp, đó là những người trẻ, những người thất nghiệp, người lao động, người dân ở những vùng ngoại ô... Nói tóm lại, những người Pháp với rất ít hi vọng tìm được một công việc hoặc đời sống tốt hơn”. Thực tế các bản đồ kết quả bầu cử cho thấy trong tổng số 101 tỉnh của Pháp, chỉ 59 tỉnh có số cử tri tham gia hơn 50%, và tỉnh có tỉ lệ cử tri không bỏ phiếu cao nhất là Seine-Saint-Denis, ngoại ô ngay phía bắc thủ đô Paris: 67,3% cử tri đã vắng mặt. Ở cấp thành phố, kỷ lục thuộc về một đô thị thuộc Seine-Saint-Denis: Clichy-sous-Bois, với 73,17% chẳng đoái hoài đến hòm phiếu. Tại sao dân tỉnh này thờ ơ như vậy? Phải chăng do ở đây có tỉ lệ thất nghiệp rất cao, hơn 12% (số liệu của Đài BFMTV 12-6-2017) - so với tỉ lệ trung bình toàn quốc 9,6% (quý 1-2017, số liệu của Le Monde 18-5-2017), khiến người dân thấy mất lòng tin vào chính giới? Sự hoài nghi càng đúng khi 40% dân số tỉnh này dưới 30 tuổi. BFMTV đưa ra một chi tiết khác về tỉnh ít đi bỏ phiếu nhất: Trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu năm 2014, tới 68,74% cử tri Seine-Saint-Denis đã ở nhà! Những con số đó cho thấy các nghị trình “thay đổi” và “ở lại EU” của ông Macron dường như không “chạm” tới họ, không gieo cho họ chút niềm tin nào và họ cứ tiếp tục “cuốn theo chiều gió” thôi! Tránh nguy cơ độc quyền chính trị Ngay từ vòng một cuộc bầu cử, nhiều ý kiến đối lập đã cho rằng với một đảng đa số áp đảo đến mức gần như độc quyền, đây sẽ là thất bại của nền dân chủ Pháp. Tờ Ouest-France không nghĩ thế, trái lại vẫn tin rằng “nền dân chủ tiếp tục” với điều kiện “LREM sẽ phải hành động trên ba bình diện”. Đầu tiên là: “Trong quốc hội: khi ta cực kỳ ngự trị, ta phải tìm cách để nghe được những tiếng nói phản đối mà thể thức bỏ phiếu đang thu hẹp lại một cách nguy hiểm”. Điều “nguy hiểm” mà tờ Ouest-France nhắc tới chính là viễn tượng không xa lắm khi không có mấy đảng có số đại biểu đắc cử đủ để thành lập các nhóm trong quốc hội để mang tính “tiếng nói đối lập” thật sự có sức nặng. Do lẽ theo luật Pháp, để tạo thành một nhóm trong quốc hội, phải hội đủ tối thiểu 15 đại biểu; trình chủ tịch đoàn một tuyên ngôn chính trị có chữ ký của các thành viên. Cơ bản, có nguy cơ là LREM sẽ tự mình phát biểu, tự mình nghe, tự vỗ tay rồi tự mình bỏ phiếu. Kế đến: “Với một quốc hội thay mới đến 3/4 và thiếu kinh nghiệm, trước tiên phải tìm ra sự gắn kết nội bộ để có thể vững vàng trong gió bão. Và trong khi chờ đợi một thể thức đại diện tốt hơn..., ta phải áp dụng những cách hành xử và thủ tục sao tránh nhắm thẳng vào các tiếng nói đối lập một cách vô ích cho dù là nhắm sớt qua da”. Sau cùng: “nội bộ Đảng Tiến bước phải nắm được nhịp đập của dư luận xã hội, các địa phương. Phải làm dấy lên những mong đợi, thảo luận các dự án, phải đồng thuận ở các đạo luật, phải giải thích các quyết định. Nếu không có một cấu trúc vững chắc, đảng của tổng thống sẽ chỉ còn là một cỗ máy chiến thắng được... một lần mà thôi”. Tờ báo kết luận: “Emmanuel Macron mang một trọng trách đáng kể: ông ấy phải tìm ra các lời giải cùng các phương pháp sao cho khôi phục được niềm tin và xây dựng lại những gì làm cho một đất nước đứng vững”. Đảng của ông Macron đã chiến thắng ở cuộc bầu cử hạ viện một cách ung dung. Chỉ 19 ứng cử viên của LREM (và MoDem trong liên minh) thất cử trên tổng số 537 người. Song, con đường 5 năm tới sẽ không phải là một chuyến đi bách bộ, theo cách nói của ông J.Fourquet.■ Tags: Bầu cử PhápEmmanuel MacronCai trị
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
TP.HCM đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách sau 2025 THẢO LÊ 05/11/2024 Việc giữ lại 21% ngân sách để TP.HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy 'giải oan' cho bệnh nhân mắc Wilson bị chẩn đoán nhầm tâm thần nhiều năm THU HIẾN 05/11/2024 Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa 'giải oan' cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh Wilson hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm thành tâm thần phân liệt nhiều năm.
Cha mẹ giao xe máy cho con đừng vì 'con người ta có thì con mình cũng có' LÊ TẤN THỜI 05/11/2024 Phụ huynh nên cân nhắc khi giao xe máy cho con vì đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.