04/09/2020 16:11 GMT+7

'Không có chuyên gia Trung Quốc tham gia dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long'

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long không có chuyên gia Trung Quốc tham gia mà chỉ có 2 kỹ thuật viên người Trung Quốc đến bàn giao, hướng dẫn vận hành thiết bị rải, bảo dưỡng bêtông siêu tính năng theo hợp đồng mua sắm thiết bị của nhà thầu.

Không có chuyên gia Trung Quốc tham gia dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long - Ảnh 1.

Mặt cầu Thăng Long được cào bóc lớp bêtông nhựa cũ phủ trên bản thép dày 14mm, rồi làm sạch bản mặt thép, sơn chống gỉ - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết như vậy trong thông cáo phát đi chiều 4-9 về dự án sửa chữa cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, thi công từ ngày 16-8, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.

Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng mục: cào bóc lớp bêtông nhựa cũ, làm sạch bản thép mặt cầu và sơn chống gỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120 MPa, dày tối thiểu 6cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám, sau đó phủ mặt cầu bằng bêtông nhựa polyme dày 4cm lên phía trên. 

Theo kết quả tính toán và thí nghiệm trên mô hình, với những giải pháp trên, sau khi được sửa chữa độ cứng của bản mặt cầu Thăng Long tăng tối thiểu 3 lần.

Ngoài ra, dự án cũng sửa chữa các hạng mục khác để đồng bộ với mặt đường xe chạy như thay thế 6 khe co giãn đã bị hư hỏng; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước…

Không có chuyên gia Trung Quốc tham gia dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long - Ảnh 2.

Mái che di động được lắp đặt trên mặt cầu Thăng Long để tránh tác động của thời tiết, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm tiêu chuẩn khi thi công lớp bêtông siêu tính năng trên bản thép mặt cầu - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo Tổng cục Đường bộ, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ các nội dung chủ yếu của công tác thiết kế, thi công. 

Toàn bộ quá trình nghiên cứu giải pháp sửa chữa và thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng và vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.

Tất cả giải pháp công nghệ trên được Trường đại học Giao thông vận tải đề xuất từ quá trình học tập, vận dụng các kinh nghiệm, kết quả đã được công bố ở nhiều nước châu Âu và áp dụng đầu tiên ở Hà Lan.

Vật tư thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long chủ yếu là nguồn vật liệu trong nước. Máy trang rải, đầm bêtông, nhà thầu có thể phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu... hoặc có thể tự chế tạo.

Không có chuyên gia Trung Quốc tham gia dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long - Ảnh 3.

Hai trạm trộn để sản xuất hỗn hợp bêtông siêu tính năng của Hãng Skako nhập khẩu từ Đan Mạch đã được tập kết trên mặt cầu Thăng Long - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Công tác cào bóc, làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, thi công lớp dính bám và thảm bêtông nhựa polyme do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty Phương Thành thực hiện.

Công tác sơn chống gỉ và hàn đinh neo và lắp đặt cốt thép, thay thế 6 khe co giãn do công ty Vĩnh Hưng và Thuận An thực hiện. Toàn bộ hệ thống khe co giãn nhập khẩu của Hãng Mageba - Thụy Sĩ.

Còn bêtông siêu tính năng được sản xuất trong nước và được Viện Khoa học công nghệ xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn của Pháp. Các thành phần cấp phối của bêtông này chủ yếu là cát thạch anh lấy tại Cam Ranh, xi măng PC 50 của Nhà máy xi măng Nghi Sơn và một số vật liệu nhập khẩu: silicafume, sợi thép cường độ cao và các loại phụ gia.

Thiết bị được sử dụng thi công dự án bao gồm trạm trộn để sản xuất hỗn hợp bêtông siêu tính năng của Hãng Skako nhập khẩu từ Đan Mạch; thiết bị rải bêtông siêu tính năng và bảo dưỡng hơi nước được nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Toàn bộ công việc vận hành thiết bị từ sản xuất vật liệu bêtông siêu tính năng, trộn, rải và bảo dưỡng đều do nhân lực của Công ty Thành Hưng thực hiện.

"Về một số thông tin báo chí nêu liên quan đến các chuyên gia Trung Quốc trong dự án, Tổng cục Đường bộ xin làm rõ như sau: đây là 2 kỹ thuật viên thực hiện công tác bàn giao, hướng dẫn vận hành thiết bị theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng bêtông siêu tính năng của nhà thầu.

Hiện tại các công tác chuẩn bị thi công bêtông siêu tính năng vẫn được triển khai theo đúng tiến độ dự kiến và việc nhập cảnh của các kỹ thuật viên không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Việc lựa chọn thiết bị là do nhà thầu trên cơ sở kinh tế - kỹ thuật và sẽ được kiểm tra chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án" - Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long Thử nghiệm sửa 120m mặt cầu Thăng Long

TTO - Qua quá trình thí nghiệm, các chuyên gia của Đại học Giao thông vận tải đã khẳng định độ tin cậy của giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long và sẽ thử nghiệm 120m trên mặt cầu trước khi thi công đại trà.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên