Tổ công tác của Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đo nồng độ cồn một người tham gia giao thông - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phản ảnh của người dân sẽ được cơ quan quản lý tiếp thu và xử lý triệt để nên rất khó xảy ra tiêu cực khi xử lý vi phạm giao thông.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông)
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đã nói như vậy tại cuộc gặp mặt báo chí tổng kết hoạt động năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và thông tin kết quả 1 tuần thực hiện nghị định 100 hôm 9-1 ở Hà Nội.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng khẳng định việc xử lý nồng độ cồn là tiến bộ, văn minh và thực sự đi vào cuộc sống nếu "tất cả cùng đồng hành".
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc dư luận băn khoăn sẽ có tiêu cực khi CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cao dễ xảy ra việc "chia đôi" để không xử phạt, ông Dũng khẳng định tất cả các cuộc xử lý nồng độ cồn đều có camera giám sát nên rất khó có tiêu cực.
Đội CSGT Rạch Chiếc thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đo nồng độ cồn người tham gia giao thông - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo cục trưởng Cục CSGT, ngành công an có nhiều chủ trương, quy định, giải pháp phòng ngừa chống tiêu cực tham nhũng.
Trong đó, quy chế dân chủ mới ban hành thì người dân giám sát hoạt động của CSGT, được ghi âm, ghi hình tạo tính minh bạch trong hoạt động kiểm tra phát hiện vi phạm và xử phạt.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT - cũng cho biết khi tổ chức kiểm soát vi phạm nồng độ cồn sẽ dùng camera ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm.
Do đó không chỉ đối với người vi phạm mà cả hoạt động chung của lực lượng CSGT cũng được giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.
Cùng với đó, lực lượng CSGT khi kiểm tra xử phạt nồng độ cồn phải thực hiện theo quy chế, quy trình công tác. Các quy chế, quy trình này đều theo quy định của Bộ Công an.
Thực tế những ngày qua cho thấy khi kiểm tra một số tài xế vi phạm đã "gọi điện nhờ xin bỏ qua vi phạm" hoặc "khoe quan hệ" đều bị lập biên bản xử phạt.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định không có chuyện ăn hoa quả, uống sirô bị xử phạt. Theo ông Nhật, Cục CSGT đã chỉ đạo tiến hành tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu xét nghiệm người dân ăn các loại hoa quả như dứa, nho, qua kiểm tra kiểm định không phát hiện nồng độ cồn.
Nếu uống sirô lên men, ban đầu cho chỉ số dao động nồng độ cồn từ 0,6 - 1,2 khi trực tiếp thổi luôn, nhưng sau 2-5 phút, hoặc uống nước thổi lại thì chỉ số bằng không.
12,5 tỉ đồng
Đó là số tiền đóng của 3.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn sau một tuần thực hiện nghị định 100.
Công an không được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm giao thông
Về thông tin trên mạng xã hội và một số bài báo cho rằng CSGT được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính, theo thượng tá Nguyễn Quang Nhật, đây là thông tin không chính xác.
Ông Nhật nói theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và thông tư số 153/2013/TT-BTC thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận