20/09/2012 06:30 GMT+7

Không có chọn lựa khác

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Cả đời theo cách mạng, tuổi thanh xuân đi qua bom đạn chiến tranh, nhưng họ bảo nếu lịch sử lặp lại, họ cũng sẽ không bao giờ có chọn lựa khác.

A6EgmQfx.jpgPhóng to

Ông bà Lê Hồng Tư - Nguyễn Thị Châu - Ảnh: Q.LINH

Câu chuyện với hai vị lão thành cách mạng sẽ có mặt trong hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ” trước giờ lên đường về một thời tuổi trẻ đã qua mà nguyên vẹn khí phách như mới hôm qua xuống đường tranh đấu. Ông bà là Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu.

1. Tuổi thơ của Lê Hồng Tư là những ngày lội bộ hơn năm cây số đến trường làng với bộ đồ đi học duy nhất. Ông nhớ như in cảnh cha mình không có đủ 4,5 đồng đóng thuế thân nên không dám đi đâu, làm gì vì nếu bị kiểm tra bất ngờ sẽ bị bắt nhốt. 13 tuổi, ông thoát ly gia đình. Vừa đi học, vừa đi làm để có tiền phụ gia đình nhưng cũng để nuôi một ý nghĩ lớn hơn: “Phải thoát nghèo, phải thoát khỏi ách bóc lột của địa chủ, thế kìm kẹp của đế quốc”.

Hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ”

Hành trình do báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp tổ chức trong hai ngày 21 và 22-9 tại Bến Tre. Tham gia hành trình là các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng, trí thức trẻ, văn nghệ sĩ, thanh niên sản xuất giỏi, thanh niên lực lượng vũ trang, cán bộ và cựu cán bộ Đoàn nhiều vùng miền cả nước.

Trong hai ngày diễn ra, hành trình sẽ đến với các địa chỉ văn hóa của Bến Tre: nhà lưu niệm phong trào Đồng Khởi, khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. Các đại biểu sẽ dự chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngọn lửa tuổi trẻ” được truyền hình trực tiếp trên HTV9 lúc 20g30 ngày 21-9 và tọa đàm “Khát vọng tuổi 20”.

Ông lấy giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Tư của một người bà con đã mất đi học và đi làm. Nhờ cái tên giả này mà khi bị phát hiện tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định, ông đã trốn thoát khỏi cuộc vây bắt trong gang tấc. “Khát vọng độc lập, được tự do ngày ấy lớn lắm nên chẳng cần phải giáo dục gì nhiều, tụi tui cũng đã ý thức được phải đánh đuổi giặc ra khỏi nước mình”, ông nhớ lại. Cũng vì thế mà ông đã có mặt trong đội võ trang của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, gây nên những vụ nổ bằng lựu đạn “xuất quỷ nhập thần” ngay trên đường phố Sài Gòn. Ông bị bắt trong vụ ám sát bất thành đại sứ Mỹ Frederick Nolting trên đường Pasteur vì lựu đạn lép.

2. Ông Lê Hồng Tư bị kết án tử hình trong phiên tòa quân sự đặc biệt cùng với ba bị cáo khác là Lê Quang Vịnh, Huỳnh Văn Chính và Lê Văn Thành rồi bị đày ra Côn Đảo. Lúc ấy, cô gái Nguyễn Thị Châu cũng bị bắt giam sau cuộc đấu tranh yêu cầu không được đàn áp học sinh, bỏ lệ phí thi, dạy chuyển ngữ trong trường học. Chính Lê Hồng Tư là người đã tiếp cận và vận động Nguyễn Thị Châu tham gia chi đoàn hoạt động bí mật giữa lòng địch.

“Cha tôi từng làm trưởng trạm giao liên của Biên Hòa nên tôi đã biết đưa thư, làm liên lạc giúp cha, đi đâu ông cũng dẫn tôi đi nên ý thức theo cách mạng ngấm vào mình từ bé rồi”, bà Châu kể. Nên khi bị mật vụ bắt, bị tra tấn đủ kiểu, được vận động qua nhà chuyển hướng (dành cho những người đổi ý, bỏ cộng sản theo quốc gia), nữ tù Nguyễn Thị Châu vẫn khẳng định chắc nịch: “Không bao giờ bỏ cộng sản vì chỉ có xã hội chủ nghĩa mới đem lại hạnh phúc, cuộc sống tự do thật sự cho người dân mà thôi”.

3. Khi hoạt động, bị bắt, tù đày, ông bà đều đang ở độ tuổi 20 sung sức nhất cuộc đời. Ông bà nói chẳng có gì để hối tiếc khi cả quãng đời thanh xuân của mình được hòa chung vào giấc mơ giành lấy hòa bình của cả dân tộc. “Ngày xưa đi làm cách mạng để làm được điều gì đó cho đồng loại, tôi nghĩ hôm nay mỗi cán bộ cũng nên nghĩ như thế để có trách nhiệm hơn với dân, với nước”, bà Châu bộc bạch.

Niềm vui tuổi già của ông bà chính là con trai duy nhất trưởng thành hơn mỗi ngày, và nay lại được vui đùa với cậu cháu nội mới 15 tháng tuổi. “Để mỗi khi có ai đó nhắc lại hay tự nhìn về một thời đã qua, chúng tôi vẫn khẳng định sẽ chọn lựa như thế nếu thời gian có quay trở lại”, ông bà cùng chia sẻ.

Họ đã nói về tuổi 20...

* Tôi nghĩ đó là bước ngoặt lớn trong hành trình khẳng định bản thân và cống hiến xã hội. Có thể là tuổi hơi “ngông” một chút, nhưng cái ngông ấy thường là khám phá để nhận ra rằng điều mình biết còn ít quá và phải cố gắng hơn.

* Tuổi 20 của tôi là đi nhiều, cống hiến và trưởng thành. Dù là bí thư chi đoàn hay một luật sư, tôi cũng đi nhiều, tiếp xúc nhiều để chứng kiến thực tiễn và nhận ra cái cần phải làm. Từ đó tôi có những dự án để có thể cùng đóng góp cho xã hội. Như thế tôi đã trưởng thành hơn qua từng ngày.

* Tôi tự hào về tuổi 20 mà mình vừa đi qua và nếu được trở lại tôi sẽ vẫn cống hiến sức trẻ cho cuộc sống, công việc. Đó là độ tuổi nhận thức cuộc sống, háo hức vào đời để thực hiện những hoài bão của mình. Và khi kiểm nghiệm lại, tôi chẳng có gì phải hối tiếc.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên