12/12/2018 10:59 GMT+7

Không có ai tí hon trên đời

TRẦN MAI thực hiện
TRẦN MAI thực hiện

TTO - Thầy giáo Đặng Văn Cương (hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), người nhận nuôi và dạy Đinh Văn K’rể - cậu bé tí hon (10 tuổi, cao 62cm, nặng 3,9kg), bây giờ ra sao?

Không có ai tí hon trên đời - Ảnh 1.

Kể với các em học sinh về tình thầy trò, thầy Cương luôn dành yêu thương cho K’rể đang tiến bộ từng ngày - Ảnh: TRẦN MAI

Với 20 năm tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục miền núi, giúp đỡ bao thế hệ trẻ em đồng bào H’rê đến trường, thầy Cương chia sẻ với Tuổi Trẻ về chuyện đời, chuyện nghề của một nhà giáo dành yêu thương cho trò.

Tôi thương thằng bé

* Ông có bất ngờ không khi được trao giải nhân vật tiêu biểu tại giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2018"?

- Có chứ, tôi cực kỳ bất ngờ bởi nhiều thầy cô giáo đã dành cả thanh xuân của mình ở những nơi cực kỳ khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Chúng tôi chọn nghề giáo và chẳng ai nghĩ chuyện tôn vinh cả. Tôi thấy mình cũng như bao thầy cô cắm bản dạy chữ khắp đất nước.

* Sau khi nhận giải, cuộc sống của ông có gì thay đổi không?

- Cũng không có gì thay đổi cả, chỉ là được mời đi dự nhiều chương trình hơn, sau đợt trao giải lại đi thêm một chuyến ra Hà Nội tham gia chương trình "Hành trình truyền cảm hứng".

Tôi vẫn là thầy giáo mỗi ngày vẫn xem học trò ăn gì, em nào hết sách vở, thiếu áo quần thì đi mua cho. Làm thầy mãi rồi, giờ có đi đâu làm gì cũng không bằng ở trường cùng học trò.

* Thầy bây giờ có thêm K’rể để chăm lo nữa?

- Đúng rồi, K’rể thì đi đâu làm gì tôi cũng mang theo cả. Mấy chuyến đi Hà Nội tôi đều tranh thủ đưa con đến bệnh viện khám bệnh, xem tình hình sức khỏe thế nào. Chuyến vừa rồi đi nhận giải cũng khám, K’rể chỉ không chịu lớn thôi chứ sức khỏe ổn.

Dẫn cu cậu đi cũng là để cho cậu biết đây biết đó. Bây giờ K’rể không còn sợ người lạ nữa, vui vẻ lanh lợi hẳn ra. Hồi tôi mang K’rể ra trường cũng chỉ mong được như bây giờ.

* Lúc gặp K'rể, ông quyết tâm nhận nuôi, sao ông "liều" vậy, lỡ có chuyện gì thì sao?

- Tôi thương thằng bé, để nó mãi ở làng sao được. Tôi mong K’rể cũng như bao đứa trẻ khác, thằng bé có quyền biết không khí trường học, tiếp cận với văn minh.

Không ai có quyền nhốt thằng bé mãi trong rừng (làng K’rể sống biệt lập, vẫn phải đi bộ băng rừng vào), cướp đoạt tuổi thơ đến trường của nó.

Tôi liều vì nghĩ mình sống bằng cái tâm thì tin mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến, không có ai tí hon trên đời cả. Với lại tôi đưa K’rể ra lớp cũng là giúp chính mình không ray rứt lương tâm trước một đứa trẻ đã đến tuổi đến trường.

* Cho đến bây giờ ông nhớ nhất và thương nhất về K’rể là chuyện gì?

- Nhiều chuyện về thằng bé lắm, có lẽ nhớ nhất vẫn là chuyện mua dép. Lúc đưa từ làng xuống trường, tôi ra chợ tìm mua quần áo, giày dép nhưng không ra, thế là phải nhờ thợ may, may hẳn 4 bộ. Đôi dép thì thua, tôi về tự cắt xốp làm dép, K’rể mang mấy ngày là hỏng.

Tôi chở cậu xuống TP Quảng Ngãi (cách trường khoảng 80km) nói khó nói dễ thợ đóng giày mới làm giúp cho một đôi. Mang vừa chân là cậu cười, tôi với ông thợ giày cũng cười.

Thương nhất là lúc cậu không kịp cởi quần đi vệ sinh, hay ngủ quên tè cả ra giường, lúc đó cậu buồn lắm vì biết vậy là hư. Mỗi lần vậy tôi vừa làm vừa chỉ dần, dạy mỗi ngày và K’rể nhớ và chủ động làm.

Thật ra tôi nghĩ ai ở vị trí của tôi cũng sẽ làm như vậy, chăm sóc một đứa trẻ kém may mắn phải dùng tình cảm và cả sự bao dung.

* Ba năm qua K’rể tiến bộ như thế nào so với trước đây?

- Nhiều chứ, khi trước ở làng cậu không biết cởi quần đi vệ sinh, không tự ăn uống được, không chào hỏi, sợ người lạ..., giờ đã ý thức tự cởi quần áo khi đi vệ sinh, đi tắm, tự mang dép, tự ăn cơm...

Những kỹ năng giao tiếp cũng tốt hơn rất nhiều, biết ạ người lớn, biết chào tạm biệt, bắt tay..., nói chung là tiến bộ toàn diện.

Giáo viên chung vai đỡ đầu học trò

* Các thầy cô ở trường có chăm K’rể hay chỉ riêng ông?

- Các đồng nghiệp của tôi tuyệt vời lắm, lúc nhận K’rể tôi cũng đã họp trao đổi với các thầy cô, tất cả đều đồng ý và tham gia bằng cả yêu thương của mình.

Ở đây, chúng tôi không chỉ có K’rể mà còn cả trăm em học trò phải lo từng bữa ăn giấc ngủ để các em đến trường học chữ.

Tôi thấy mình may mắn khi có được một tập thể sống với công việc không chỉ bằng trách nhiệm dạy chữ mà còn cả tình yêu thương.

* Được biết phong trào "giáo viên đỡ đầu trò" đã có ở trường nhiều năm rồi, làm thế nào mà được như vậy khi cuộc sống của thầy cô còn khó khăn?

- Cũng hơn 10 năm chúng tôi nhận đỡ đầu cho trò, lúc đó Trường tiểu học Sơn Ba chưa phải là trường bán trú.

Nhận các em về nuôi là cả tập thể giáo viên phải chung vai vào gánh, mình tôi sao làm được. Thế là thầy cô sau mỗi chuyến về xuôi thăm gia đình phải cõng gạo lên, rồi đi xin quần áo, sách vở cho trò.

Ngoài giờ dạy thì trồng thêm rau xanh, nuôi thêm gà vịt cải thiện bữa ăn... Chúng tôi phải trích tiền lương của mình cho trò. Chúng tôi làm tất cả mọi việc miễn sao giữ các em ở lại trường. Bây giờ trường bán trú rồi, có nhiều chi phí dành cho học sinh, giáo viên đỡ khổ hơn.

Có lẽ mọi người không biết, ở đây cha mẹ không quan tâm đến việc học của con, tới tuổi đi học mà chẳng ai dẫn con ra lớp. Thậm chí không muốn cho con đi học, chỉ còn cách lội rừng vào làng xin gia đình nhận về nuôi hẳn ở trường cho các em đi học.

Hiện trường tôi chỉ còn lại hai điểm lẻ thôi, vừa tinh gọn trường lớp, vừa giúp các em có môi trường học tập tốt hơn. Tất cả là nhờ toàn thể giáo viên đồng lòng nuôi trò.

* 20 năm gắn bó với Trường tiểu học Sơn Ba nhiều gian nan, điều gì khiến ông ở đây lâu đến vậy?

- Tôi luôn nghĩ muốn gắn bó ở đâu cũng phải hội đủ ba yếu tố: công việc, tình yêu và trách nhiệm. Tôi ở Sơn Ba cũng vì điều này.

thay-dang-van-cuong-2

Thầy Cương đến nhà thăm hai anh em mồ côi Đinh Văn Cu Kiều và Đinh Thị Kim, cả hai đang được thầy cô cưu mang tại Trường tiểu học Sơn Ba - Ảnh: TRẦN MAI

* Ông gặp K’rể khi nào mà trao cả tình yêu thương cho cậu bé vậy?

- Lần đầu tiên là vào đợt khai giảng năm học 2012, tôi vào làng vận động học trò ra lớp. Lúc đó nhìn K’rể đu trên cổ mẹ, cả đoàn nghĩ là con khỉ, đến gần mới ngớ người, đó là một đứa bé.

Mẹ K’rể nói thằng bé 4 tuổi, tôi không tin, đi hỏi quanh làng thì ai cũng khẳng định vậy. Lúc đó người làng gọi K’rể là Tọc (khỉ), tôi ngỏ ý đưa cháu ra trường học cho quen cuộc sống nhưng cha mẹ không chịu.

Một năm sau, ba thằng bé đưa ra trạm y tế khám, nhìn K’rể mặc chiếc áo sơ sinh rộng thùng thình, tôi thương lắm, mua sữa cho uống, thằng bé vác hộp sữa mà tôi cười ngất.

Sau đó tôi có nói chuyện với nhiều người nhờ tìm nguyên nhân K’rể không lớn, các chuyên gia hàng đầu khám mới biết K’rể bị bệnh người lùn đầu chim, tôi càng thương hơn.

Năm học 2014-2015 tôi lại vào làng vận động cha mẹ đưa K’rể ra lớp vì đến tuổi rồi, cha nhất quyết không chịu vì thằng bé không biết nói, thấy người lạ là sợ hãi.

Đến đầu năm học 2015-2016, lúc anh ruột K’rể đang được thầy cô giáo nuôi tại trường, khi cha K’rể đến đón anh của K’rể thì tôi thuyết phục tiếp, cha K’rể ậm ừ.

Hôm sau cha K’rể đưa hai anh em xuống trường, tôi chuẩn bị đồ chơi, kẹo bánh vì lượng trước K’rể sợ hãi. Chẳng hiểu sao thấy tôi K’rể vui vẻ không sợ, không khóc. Tôi đánh liều nói cha K’rể để lại ngủ với thầy một đêm, có gì thầy chịu.

Thế là đêm đầu tiên K’rể ngủ với tôi rồi ở với nhau cho đến giờ.

Nhân vật tiêu biểu

Trong buổi trao giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2018" diễn ra ngày 17-11, ngoài những tác giả đoạt giải, có một giải thưởng đặc biệt dành cho "Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải".

được trao giải thưởng này. Điều đặc biệt là thầy giáo Cương là nhân vật trong ba tác phẩm báo chí cùng đoạt giải B (bài "640 thầy cô nuôi 643 học trò" - báo Tuổi Trẻ; "Thay lời tri ân" - VTV; "Cha của những đứa trẻ H’rê" - Đài phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi).

Trên bục nhận giải, thầy Cương vẫn ôm trên tay cậu học trò yêu thương.

TRẦN MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên