Tỉnh nghèo xây nhà khách sang.Tỉnh Quảng Nam xây dựng một nhà khách 165 tỉ đồng - Ảnh tư liệu: Tấn Vũ |
Trong khi tỉ lệ chi ngân sách so với GDP của cả nước đạt mức xấp xỉ 30% đã là con số khá cao so với nhiều nước trong khu vực thì tỉ lệ chi ngân sách của một số địa phương, đặc biệt các địa phương nghèo, lên đến 70 - 80%, thậm chí có địa phương lên đến trên 100% GRDP quả là quá cao.
Với cơ sở thuế nghèo nàn, các tỉnh này không thể tự huy động đủ nguồn thu để tài trợ nhu cầu chi tiêu cơ bản của địa phương. Chính vì vậy, mỗi năm ngân sách trung ương phải chi bổ sung cho các địa phương rất nhiều thông qua các khoản bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu.
Nếu như các khoản bổ sung có mục tiêu nhằm hỗ trợ những đối tượng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thì chi bổ sung cân đối để bù đắp cân đối ngân sách địa phương. Nguồn lực do trung ương chuyển giao được kỳ vọng sẽ giúp các tỉnh nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Những khoản chi ngân sách nhà nước có tác động làm tăng thu nhập của người dân và kích thích sức cầu của nền kinh tế, nhờ đó khuyến khích các hoạt động sản xuất và đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Thế nhưng những khoản chi ngân sách này thực tế chỉ có tác động kích thích kinh tế địa phương khác hoặc “nhập khẩu” từ bên ngoài, do nền tảng sản xuất hàng hóa của những địa phương này hầu như không có khả năng đáp ứng. Kết quả là sau bao nhiêu năm, không mấy tỉnh trong số này thật sự có thể vươn lên thoát khỏi tỉnh nghèo và giảm lệ thuộc ngân sách trung ương.
Cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay vô hình trung đang làm nhiều tỉnh không muốn “giàu” mà lại muốn “nghèo” để tiếp tục được trợ cấp, hay ít ra không bị cắt bớt trợ cấp từ trung ương.
Rõ ràng việc trợ cấp chéo giữa các địa phương là cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng trong phát triển, nhưng ràng buộc của bài toán không chỉ có công bằng mà còn phải hiệu quả.
Chính sách điều tiết thu nhập từ tỉnh giàu sang tỉnh nghèo như cách chúng ta đang áp dụng hiện nay đã làm giảm động cơ tiết kiệm chi tiêu và tối ưu hóa nguồn thu của cả tỉnh giàu lẫn tỉnh nghèo, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thâm thủng ngân sách.
Thực tế cho thấy ngân sách trung ương hằng năm đều thâm hụt trong khi ngân sách các địa phương đều thặng dư. Nếu điều chỉnh ngược trở lại các khoản bổ sung của trung ương cho địa phương thì kết quả sẽ ngược lại, tức trung ương thặng dư trong khi phần lớn các địa phương thâm hụt.
Trong số 63 tỉnh, thành phố hiện nay chỉ có 13 tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách chuyển giao ròng cho trung ương và không nhận bổ sung cân đối từ trung tương, còn lại 50 địa phương khác đều nhận bổ sung cân đối từ trung ương, chưa kể những khoản thu bổ sung có mục tiêu cũng không hề nhỏ cả về số tương đối lẫn tuyệt đối.
Trong số các địa phương có nguồn thu chia sẻ về trung ương thì TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có tỉ lệ nguồn thu được phép giữ lại thấp nhất, tương ứng 23% và 42%. Đây là hai địa phương đầu tàu về tăng trưởng kinh tế của cả nước nên việc chia sẻ nguồn thu để hỗ trợ các tỉnh kém phát triển hơn cũng là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các địa phương này cũng đang đối mặt với rất nhiều nút thắt trong phát triển, mà để giải quyết đòi hỏi phải có nguồn lực không nhỏ. Việc điều tiết về trung ương một phần lớn thu nhập như vậy sẽ làm giảm động cơ các địa phương này nỗ lực để tối đa hóa nguồn thu của mình.
Ngược lại, các địa phương nghèo cũng không có nhiều nỗ lực để cải thiện nguồn thu và tiết giảm nhu cầu chi tiêu của mình, thay vào đó là tâm lý trông chờ và ỷ lại vào trung ương.
Chung quy của vấn đề nằm ở cơ chế khuyến khích ngược, tức là chúng ta lập kế hoạch ngân sách dựa vào nhu cầu chứ không phải khả năng.
Do vậy, các địa phương đều có xu hướng đẩy nhu cầu chi tiêu của mình lên cao, bất chấp khả năng tự cân đối ngân sách bởi trung ương sẽ lo phần thiếu hụt đó. Nếu không thiết kế lại cơ chế khuyến khích thuận, ngân sách sẽ không bao giờ hết thâm hụt mà nhiều tỉnh sẽ mãi không chịu “thoát nghèo”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận