Khoảng tháng 4 năm nay, khi Việt Nam mới phát hiện hai ca nhiễm virút Zika, trong đó có một ca đang mang thai 8 tuần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Không có gì là ngỡ ngàng, nếu tình hình biến đổi khí hậu cứ tiếp diễn, ngoài Zika còn có những bệnh mới nữa sẽ xuất hiện”.
Nhưng phải chăng không có gì “ngỡ ngàng” khi chỉ 7 tháng sau đó, tính đến ngày 5-11, Việt Nam (quốc gia thứ 62 trên thế giới có ca mắc Zika) đã ghi nhận gần 40 ca nhiễm virút này, trong đó TP.HCM có đến 29 ca và 5 người đang mang thai.
Zika đã thành nỗi lo rất gần: cuối tháng 10 vừa qua, ngành y tế đã ghi nhận một bé gái 4 tháng tuổi tại Đắk Lắk bị tật đầu nhỏ do nhiễm virút Zika.
Một con muỗi bé xíu (mà Việt Nam là xứ sở của muỗi mòng) có thể lấy đi một sinh mạng ở một ca mắc sốt xuất huyết và cũng có thể lấy đi cả tương lai ở một đứa trẻ có mẹ nhiễm Zika ở thai kỳ đầu tiên. Hậu họa ấy không chỉ là phần lo của bà bầu, mà còn của nhiều người khác.
Tật đầu nhỏ trước đây là bệnh hiếm gặp, do di truyền hoặc những nguyên nhân đặc biệt như độc tố, phóng xạ... giờ lại dễ dàng lan rộng trong cộng đồng nếu ngành y tế không có những giải pháp phòng chống hữu hiệu.
Singapore hồi đầu tháng 9-2016 đã tập trung diệt muỗi khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm Zika ở đảo quốc này.
Người dân của họ có người lo lắng, có người thờ ơ cho rằng chính phủ... làm quá. Nhưng sự khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ Singapore trong việc dập dịch là điều phải làm, trước khi nó gây ra hậu quả lớn.
Một tuần kể từ khi ghi nhận ca nhiễm Zika đầu tiên, các nhà khoa học Singapore đã giải mã gen loại virút Zika đang lây lan ở nước này, từ đó xác định loại virút này thuộc chủng châu Á, không lây truyền từ Nam Mỹ (vốn bùng lên các trường hợp trẻ sơ sinh mắc tật đầu nhỏ do Zika hồi năm 2015).
Và trước khi có văcxin ngừa Zika, thuốc trị Zika thì không có cách dự phòng nào hữu hiệu hơn là diệt muỗi, đồng thời phòng muỗi đốt.
Ngành y tế Việt Nam có lẽ cũng đang khẩn trương phòng chống dịch với hàng loạt cuộc họp bàn kế hoạch phòng chống, tạo điều kiện cho phụ nữ mang thai đi xét nghiệm Zika, phun thuốc diệt muỗi...
Song thái độ ấy dường như chưa đủ mạnh bởi ngay tại TP.HCM, một thành phố có nền y tế hiện đại vào bậc nhất nước, đang có số ca mắc Zika nhiều nhất nước.
Còn với bé gái mắc tật đầu nhỏ ở Đắk Lắk vừa rồi, đến giờ cũng chưa xác định được nguồn lây. Trong khi đó trong cộng đồng không phải ai cũng biết cách phòng lây nhiễm Zika và nhận biết những biểu hiện của người nhiễm virút Zika...
Chính vì Zika có thể đến rồi đi một cách nhẹ nhàng ở những người lớn, không biểu hiện nặng, nên Zika có thể lây lan rộng trong cộng đồng qua muỗi Aedes và quan hệ tình dục.
Khi mới ghi nhận hai ca nhiễm Zika đầu tiên ở Việt Nam, ngành y tế đã trấn an người dân rằng chủng virút Zika đang lưu hành tại nước ta không phải chủng gây ra tật đầu nhỏ cho trẻ em ở Nam Mỹ.
Nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra. Vì thế ngành y tế được người dân gửi gắm trách nhiệm: đừng để mất kiểm soát.
Bởi một căn bệnh đã quen mặt như sởi cũng khiến hàng loạt trẻ em phải thiệt mạng vào năm 2014, huống chi với virút Zika đến giờ chưa có văcxin ngừa và cũng chưa có thuốc chữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận