10/08/2011 03:00 GMT+7

Không chấp nhận lao động nước ngoài không phép

(Đ.Triều)
(Đ.Triều)

TT - "Tỉnh chỉ hướng dẫn cấp phép những lao động đủ điều kiện, không chấp nhận việc đưa lao động phổ thông vào làm việc tại công trường nhưng “họ vẫn đưa vào, họ chấp hành không nghiêm”.

Ngày 9-8, trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại Nhà máy Đạm Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết như vậy.

dCkQcVbm.jpgPhóng to
Lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau - Ảnh: Chí Quốc

Theo ông Hải, cơ quan chức năng của tỉnh đã thường xuyên kiểm tra việc sử dụng lao động tại đây và mỗi đợt kiểm tra đều phát hiện, xử lý tình trạng sử dụng lao động không phép. “Mình làm căng thì họ đưa tốp này về, đưa tốp khác sang”. Ông Hải nói quan điểm của tỉnh là xử lý kiên quyết, hiện giao Sở LĐ-TB&XH xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Tòng - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau - cho biết trong báo cáo gửi UBND tỉnh, sở kiến nghị tỉnh có ý kiến với cơ quan trung ương một số vấn đề, trong đó có việc chỉ cho nhà thầu nước ngoài đưa lao động sang làm việc ở dự án khi lao động trong nước không đáp ứng được. Trả lời câu hỏi tại sao có kiểm tra thường xuyên nhưng lao động không phép tại đây tồn tại trong thời gian dài, ông Tòng nói: “Cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn, xử phạt, làm hết trách nhiệm theo quy định rồi”.

Tai nạn tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Ngày 8-8, hai công nhân Bùi Quan Tân và Lê Thành Long (cùng ngụ ấp 4, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) khi đang xây dựng tại công trường thì bất ngờ giàn giáo bị sập gây tai nạn phải đưa đi cấp cứu. Đây là vụ tai nạn lao động thứ ba xảy ra tại công trường xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau. Hai vụ tai nạn lao động trước đó khiến hai công nhân người Trung Quốc tử vong.

Theo ông Vương Văn Cường - cán bộ phụ trách an ninh công trường và quản lý lao động nước ngoài thuộc Ban quản lý dự án cụm khí - điện - đạm Cà Mau, đến tháng 10 và 11-2011 số lao động Trung Quốc sẽ giảm còn khoảng 250 người, vì đây là giai đoạn nhà máy chạy thử, nghiệm thu và bàn giao.

Đề cập việc hơn 1.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau không có giấy phép, ông Nguyễn Thanh Hòa - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho biết: “Bộ LĐ-TB&XH chưa nhận được báo cáo về vụ việc, chỉ mới biết thông tin qua bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Tôi sẽ yêu cầu Cục Việc làm soạn ngay công văn trong chiều 9-8 để gửi UBND tỉnh Cà Mau, đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, báo cáo. Tùy từng mức độ vi phạm, bộ sẽ hướng dẫn Sở LĐ-TB&XH Cà Mau nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu, hoặc nếu nghiêm trọng thì đề nghị bộ trưởng Bộ Công an cho xuất cảnh những lao động không phép”.

Theo ông Hòa, lao động làm việc dưới ba tháng không cần giấy phép. Trong thời gian làm thủ tục, chờ được cấp phép, lao động nước ngoài vẫn được phép làm việc. “Đây có thể là kẽ hở, bởi các quy định của ta không nói rõ thời gian để làm thủ tục là bao lâu nên rất khó xử lý” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận.

Ông Hòa cho rằng Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cần kiểm tra, chỉ cấp phép cho lao động nào đủ điều kiện, còn không đủ điều kiện thì phải hướng dẫn chủ đầu tư để họ hoàn tất thủ tục. Nếu hướng dẫn rồi nhưng họ vẫn không thực hiện, phải thông báo ngành công an xử lý, kiên quyết cho xuất cảnh những trường hợp lao động không phép.

Theo ông Hòa, số lao động nước ngoài có xu hướng tăng là do thu hút đầu tư nước ngoài tăng. Bên cạnh đó, hiện nay nước ta có nhiều ngành, lĩnh vực mới đòi hỏi công nghệ, đòi hỏi người nước ngoài có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm để đảm đương. “Với đà thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta hiện nay, cùng với việc phát triển các lĩnh vực mới, công nghệ mới, ngành nghề mới, lao động nước ngoài vào VN sẽ còn tăng” - ông Hòa nhận định.

(Đ.Triều)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên