Khách hàng thanh toán tiền bằng thẻ tín dụng Sacombank khi mua sắm tại Co.opXtra trong Giga Mall, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng 4-7, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm.
Tổng giá trị giao dịch trong 5 tháng đầu năm qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động tăng trưởng mạnh, với số lượng giao dịch tài chính qua Internet tăng 65,81% (tính đến 31-3) và di động là 13,46% so với cùng kỳ 2018.
Việt Nam cũng được ghi nhận là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018, theo khảo sát của PwC trên 27 nước.
Về triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và truyền thông đã có báo cáo Thủ tướng về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile - Money), dịch vụ có bản chất tương tự việc cho phép nạp tiền mặt vào không qua tài khoản thanh toán ngân hàng.
Các cơ quan đang nghiên cứu, liệt kê các danh mục thanh toán bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch bất động sản.
Các bộ ngành cũng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong các dịch vụ công.
Theo ông Dũng, bên cạnh những nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị thì hiện nay vẫn còn một số bộ, ngành vẫn chưa coi trọng hoặc bỏ qua việc thực hiện giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong chi trả các khoản trợ cấp và Bộ Công an trong xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực an toàn giao thông.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến nay đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đã triển khai đề án phối hợp các ngân hàng để thu hộ tiền khám chữa bệnh.
50 ngân hàng đã thoả thuận thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố.
Đã có 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua lên tới gần 90%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận