Sau mỗi vụ cháy với những thiệt hại lớn, đau xót, các cơ quan lại vào cuộc đồng loạt kiểm tra. Tuy nhiên, các giải pháp sau đó vẫn chưa đủ mạnh, quyết liệt và căn cơ lâu dài để đưa việc quản lý nhà cho thuê nói chung, nhà trọ nói riêng vào quy củ, bài bản.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - nói: "Lần này, sau vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần nữa giao cho các bộ, ngành và các địa phương tổng kiểm tra các nhà trọ. Đây là cơ hội để thiết lập sự quản lý chặt chẽ mô hình nhà cho thuê".
* Nhiều ý kiến cho rằng cần quyết liệt cấm hẳn việc cải tạo nhà ở cho thuê do có quá nhiều bất cập. Ông nghĩ như thế nào?
- Không thể đưa tư duy cấm tuyệt đối hay dừng hẳn việc cho thuê nhà trọ khi tổng kiểm tra. Dù thế nào cũng phải thừa nhận mô hình nhà ở cho thuê (cả dự án, nhà trọ hộ gia đình) đã góp phần rất lớn vào giải quyết chỗ ở cho người lao động đô thị.
Trong bối cảnh giá nhà đất đắt đỏ, nhà ở xã hội làm ra đáp ứng phần nhỏ nhu cầu người dân, mô hình này đã "lấp chỗ trống" tạo mái ấm cho bao người. Ngoài tạo điều kiện về vốn và thủ tục, chúng ta cần những giải pháp để mô hình nhà trọ đi vào hoạt động chuyên nghiệp, dần thay thế việc cho thuê nhà truyền thống chắp vá, cải tạo, mất an toàn. Tổng kiểm tra là để khảo sát thực trạng thực tế, đánh giá ưu nhược, phân loại để đưa ra những giải pháp.
* Giải pháp đó là gì, thưa ông?
- Muốn có giải pháp phải đánh giá đúng, đầy đủ thực trạng của mô hình này. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, phân loại để có ngay giải pháp về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở cho thuê trọ. Không phải nhà trọ nào cũng không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, và cũng có nhà trọ chỉ cần một số điều chỉnh, bổ sung sẽ trở nên an toàn.
Một cuộc tổng kiểm tra nghiêm túc từ các địa phương với hướng dẫn tham chiếu (các quy định) cụ thể sẽ giúp phân loại từng nhóm nhà trọ. Từ đó sẽ có giải pháp cho từng nhóm.
Dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với nhóm nhà trọ không đủ điều kiện ở an toàn, không có khả năng cải tạo để trở nên an toàn, nhất quyết phải dừng hẳn việc cho thuê. Thông báo, ra quyết định xử phạt, thậm chí cương quyết cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người thuê.
Còn với nhóm dù không đủ điều kiện nhưng có thể cải tạo, sửa chữa, bổ sung để đảm bảo an toàn cần ra "tối hậu thư" yêu cầu các chủ nhà thực hiện các công việc trong khoảng thời gian quy định để nhà trọ trở thành an toàn. Nếu sau đó chủ nhà vẫn cố tình không thực hiện thì sẽ áp dụng biện pháp mạnh như nhóm không đủ điều kiện.
* Nhưng về lâu dài để có mô hình nhà trọ hoạt động chuyên nghiệp cần những giải pháp bài bản, quy củ hơn?
- Đúng vậy. Nguyên tắc trong một không gian chật, không thể chấp nhận việc kinh doanh chung với nhà ở. Nhất là những căn nhà trong các hẻm nhỏ hoặc trong đó kinh doanh những hàng hóa dễ cháy nổ. Cần phải rà soát quy định, xem xét lại các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, mặt khác tiến tới quy định nghiêm cấm các loại hình kinh doanh dễ gây cháy nổ trộn lẫn với khu nhà ở.
Ở các nhà trọ hiện nay, do vấn đề an ninh nên chủ nhà có những biện pháp rào chắn khiến ngôi nhà trở thành lồng chim, khi cháy khó chạy thoát. Những quy chuẩn mới cần tính toán và có hướng dẫn để giải quyết tình trạng này, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Ngoài ra, một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là hiện nay do những khó khăn trong thủ tục nên nhiều người dân muốn đầu tư nhà ở cho thuê bài bản "nản chí", và rồi chọn cách làm "lách luật". Do vậy, cần có rà soát về luật để đảm bảo cắt giảm tối đa các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở cho thuê đúng quy chuẩn, an toàn.
* Đại biểu TRỊNH XUÂN AN (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh):
3 giải pháp đảm bảo an toàn nhà trọ
Nguy cơ cháy với nhà ở, nhất là đối với nhà dân, nhà trọ cho thuê, nhà trọ kết hợp kinh doanh có thể xảy ra bất cứ khi nào, nếu chúng ta không cẩn trọng hậu quả rất thương tâm...
Ở đây, tôi cho rằng có ba giải pháp cần quan tâm để khắc phục, đảm bảo an toàn trong các khu nhà trọ. Trong đó, khâu phòng phải quan tâm trước tiên. Bởi người dân thường có tâm lý chủ quan nên phải tăng cường ý thức về phòng chống cháy nổ, không để xảy ra rủi ro.
Thứ hai, vai trò của UBND phường xã, các đoàn thể cơ sở phải sát sao hơn nữa để vận động tuyên truyền mọi người nâng cao cảnh giác. Thứ ba, tất cả những khu vực hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM hay những TP lớn khác đều là những nơi tập trung đông người lao động, công nhân, do đó chúng ta phải có sự rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng tất cả những cơ sở, nhà ở theo dạng này.
Đặc biệt phải trang bị cho các khu vực đó bình cứu hỏa, sắp xếp bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm... Lâu nay chúng ta đã rà soát, nhưng tôi cho rằng mới chỉ đang nhắc nhở thôi mà chưa có hành động cụ thể.
* Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ VIỆT NGA:
Tạo cơ chế phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Câu chuyện PCCC đã được nêu ra rất nhiều, nhưng thực tế các vụ cháy vẫn xảy ra thường xuyên. Không năm nào không xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản mà mới nhất là vụ cháy nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh xảy ra ở Trung Kính (Hà Nội).
Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu phải tiếp tục có các biện pháp để đảm bảo an toàn về PCCC cho người dân nói chung và người thuê trọ nói riêng.
Tuy nhiên, việc xử lý một cách triệt để các khu nhà trọ ở Hà Nội, TP.HCM là việc làm rất khó khăn. Bởi thực tế cho thấy các khu chung cư mini, khu nhà trọ "mọc" lên rất nhiều.
Nếu xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và chung cư mini không đảm bảo an toàn về PCCC thì cấm, không cho hoạt động cũng sẽ dẫn đến hệ lụy. Trong đó, với các chủ đầu tư đang có các phòng trọ cho thuê, mang lại thu nhập sẽ phải dừng hoạt động và tác động xã hội sẽ vô cùng lớn, ảnh hưởng đến chính người đi thuê trọ. Hệ lụy rõ nhất tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong các khu nhà trọ, chung cư mini sẽ không có chỗ ở và họ sẽ đi đâu thì rõ ràng chưa có phương án.
Hiện nay chúng ta đã có quy định rõ về PCCC và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành cũng đã có. Điều quan trọng là cần phải tích cực rà soát và có phương án riêng đối với từng loại hình nhà ở.
Cụ thể, đối với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều phòng ở trong ngõ sâu, đường hẹp, với trường hợp này sẽ không thể mở đường để xe chữa cháy vào. Giải pháp hiện nay là xử lý theo hướng kiểm tra kết cấu hạ tầng, đảm bảo các nhà này phải bố trí lối thoát, trang thiết bị như thang thoát hiểm, mặt nạ phòng độc... để khi hỏa hoạn xảy ra người trong nhà có thể thoát ra ngoài được.
Bên cạnh đó, phải tập huấn nâng cao ý thức, kỹ năng ứng phó, PCCC đối với chính chủ nhà, người thuê trọ... Một giải pháp lâu dài là cần có các cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi nhà ở xã hội hình thành, phát triển sẽ đáp ứng được các tiêu chí về kết cấu, diện tích lẫn điều kiện PCCC để đảm bảo an toàn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận