Chuyến bay số hiệu VN 1344 đã hạ cánh an toàn lúc 10g40 tại sân bay Cam Ranh - Ảnh: Triều Châu |
Theo Cục Hàng không, ngày 13-12, chuyến bay HVN 1344 có hành trình Tân Sơn Nhất - Cam Ranh, dự kiến đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh lúc 6g15.
Nguyên nhân sau 2 lần hạ cánh không thành rồi phải quay lại hạ cánh ở Tân Sơn Nhất được Cục Hàng không giải thích là: đường băng của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có 2 đầu cất hạ cánh (CHC) là 02 và 20.
Việc tiếp cận hạ cánh đầu đường CHC 20 thuận lợi do địa hình bằng phẳng (phía biển) nhưng do thời tiết xấu, gió lớn, máy bay không hạ cánh ở đầu 20 được, phải tiếp cận hạ cánh ở đầu 02. Tuy nhiên, việc tiếp cận hạ cánh đầu đường CHC 02 do địa hình phức tạp có núi cao gần sân bay với độ cao lên đến 1.000m.
Để hạ cánh xuống đầu đường CHC 02, máy bay có thể sử dụng 2 phương thức tiếp cận hạ cánh là phương thức tiếp cận hạ cánh VOR/DME và phương thức sử dụng thiết bị chính xác ILS. Tiêu chuẩn về tầm nhìn đối với phương thức tiếp cận ILS là từ 1.600m trở lên và đối với phương thức tiếp cận VOR/DME từ 4.500m trở lên.
Do yêu cầu đảm bảo an toàn bay, cả 2 phương thức hạ cánh sử dụng thiết bị (VOR/DME hoặc ILS) cho đầu đường CHC 02 đều yêu cầu tổ lái phải được huấn luyện theo chương trình huấn luyện riêng và phải được phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam trước khi thực hiện.
Do tầm nhìn giảm xuống dưới 4.500m, tổ lái không thực hiện được 2 lần hạ cánh theo phương thức VOR/DME tại đầu đường CHC 02. Trong khi đó, tổ lái chuyến bay HVN 1344 chưa được phê chuẩn thực hiện phương thức tiếp cận hạ cánh sử dụng thiết bị chính xác ILS tại Cam Ranh.
Sau thời gian bay chờ nhưng điều kiện thời tiết không đáp ứng tiêu chuẩn về tầm nhìn nên đã phải quay lại sân bay Tân Sơn Nhất để hạ cánh rồi bay trở lại Cam Ranh khi thời tiết tốt.
“Cục Hàng không khẳng định đây là tình huống hoạt động bay trong thời tiết chưa đáp ứng để đảm bảo an toàn bay. Tổ lái và đài kiểm soát không lưu, hãng hàng không đã thực hiện đúng quy trình, quy định an toàn của Cục Hàng không Việt Nam” - thông cáo của Cục Hàng không cho biết.
* Tuổi Trẻ đã trao đổi thêm với ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, về tình huống trên, ông Thanh cho biết:
- Bình thường các sân bay khác chỉ cần có chứng chỉ được huấn luyện hạ cánh theo phương thức tiếp cận ILS là hạ cánh được khi sân bay có hệ thống ILS. Nhưng do sân bay Cam Ranh đầu 02 của đường CHC có núi cao đến 1.000m nên cần phải huấn luyện hạ cánh bằng ILS tại đây, rồi Cục Hàng không cấp chứng chỉ mới được hạ cánh theo phương thức ILS tại đây.
Tổ bay của VNA có chứng chỉ ILS có thể hạ cánh bằng ILS ở tất cả các sân bay nhưng chưa có chứng chỉ hạ cánh theo phương thức ILS tại Cam Ranh nên buộc phải bay về Tân Sơn Nhất hạ cánh khi Cam Ranh thời tiết xấu chỉ cho phép hạ cánh ở đầu 02.
* Thưa ông, tại sao không yêu cầu các tổ bay đến Cam Ranh phải có chứng chỉ đủ điều kiện tiếp cận hạ cánh bằng phương thức ILS tại sân bay này để tránh những trường hợp như vừa rồi?
- Cả nước chỉ có đầu CHC 02 ở Cam Ranh vướng núi cao 1.000m nên phải thực hiện huấn luyện riêng để hạ cánh bằng ILS tại đây. Bình thường bay đến Cam Ranh hạ ở đầu 20 nhưng vì gió lớn phải hạ ở đầu 02. Những hôm gió lớn nhưng thời tiết đẹp mà phải hạ cánh ở đầu 02 với tầm quan sát bằng mắt đảm bảo thì vẫn hạ bình thường kể cả những phi công không được cấp phép đặc biệt về phương thức ILS tại Cam Ranh.
Nhưng khi tầm nhìn xuống thấp phải hạ cánh bằng ILS thì phi công vẫn phải có chứng chỉ hạ cánh theo phương thức ILS ở đầu 02 của Cam Ranh. Nếu có chứng chỉ ILS chung thì phi công vẫn được hạ cánh theo phương thức ở đầu 20 khi tầm nhìn hạn chế nhưng không có gió lớn.
Về mặt pháp luật không bắt buộc bay đến Cam Ranh phải có chứng chỉ ILS đầu 02 tại đây. Không thể bắt buộc mọi máy bay đến Cam Ranh đều có chứng chỉ ILS tại đầu 02 được vì sân bay này có thể hạ cánh bằng phương thức VOR/DME hoặc ILS ở đầu 20 và hạ cánh bằng mắt ở đầu 02 khi tầm nhìn tốt.
Cam Ranh vẫn là sân bay dự bị cho nhiều chuyến bay và có những chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách chỉ hạ cánh một lần, không bay thường lệ. Với những chuyến bay này sẽ khuyến cáo tổ bay không được sử dụng đầu 02 đường CHC bằng ILS nếu chưa có chứng chỉ ILS mà Cục Hàng không cấp riêng cho Cam Ranh. Trường hợp không có chứng chỉ riêng này thì bắt buộc phải hạ ở sân bay khác.
Địa hình đầu 02 đường CHC Cam Ranh cũng giống như sân bay Hong Kong bị nhà cao tầng 3 phía bao bọc nên phi công dù bay được khắp thế giới nhưng muốn bay vào Hong Kong phải có được chứng chỉ do nhà chức trách hàng không Hong Kong cấp để được phép bay đến sân bay này.
Phi công muốn bay đến Hong Kong họ bắt buộc phải huấn luyện hạ cánh ILS tại đây. Còn Cam Ranh chỉ thực hiện hạ cánh ILS ở đầu 02 khi tầm nhìn hạn chế và có sân bay dự bị nên không bắt buộc mọi phi công đều có chứng chỉ ILS riêng cho sân bay này.
“VNA luôn coi trọng và đặt an toàn bay lên hàng đầu, tuyệt đối tuân thủ các quy định của nhà chức trách. Vietnam Airlines gửi lời xin lỗi các hành khách đã có hành trình không mong muốn và rất mong nhận được sự thông cảm của các hành khách trong trường hợp bất khả kháng vì lý do thời tiết” - phát ngôn của VNA cho biết. |
Theo Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không trong nước, đến năm 2020 cả nước cần khoảng 2.680 phi công thương mại. So với số lượng phi công hiện có (1.360 người), số lượng phi công cần bổ sung là khoảng 1.320 người. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận