Những gói muối lạc đầy ắp ân tình của cư dân thủ đô gói trọn yêu thương gửi từ Bắc vào Nam - Ảnh: HÀ THANH
Đó là những đoàn y bác sĩ, tình nguyện viên từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào Nam chống dịch. Rồi từng bó rau, con cá của bà con các vùng miền gửi tới hỗ trợ người dân.
Miền Bắc: "Chúng tôi phải làm gì đó"
Chị Tạ Thị Lĩnh (35 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ cho đến bây giờ chị vẫn không hết xúc động khi nhớ về những tháng ngày không thể nào quên vừa qua.
"Chúng tôi phải làm gì đó - chị Lĩnh nhớ lại - Chúng tôi mong muốn đồng bào TP.HCM cảm nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia của đồng bào khắp cả nước luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Từ đó bà con cảm thấy ấm lòng, mạnh mẽ vượt qua được thời khắc khó khăn và đầy đau thương".
Sau khi lên ý tưởng, nhóm của chị Lĩnh đăng bài trên Facebook của cư dân chung cư và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Ngay lập tức các mẹ, các chị khẩn trương đặt nguyên liệu và lò rang lạc.
Chị Lĩnh chia sẻ rằng trong thời điểm cả nước khó khăn, điều trân quý nhất là người góp công, người góp của, người đi tìm nguồn nguyên liệu, liên hệ vận chuyển... để chung sức cùng đồng bào mình vượt qua hoạn nạn.
Miệt mài làm cả ngày lẫn đêm, chỉ trong 3 ngày nhóm đã hoàn tất hơn 200 gói muối lạc. "Một gói muối lạc dù nhỏ bé nhưng gói trọn tình cảm của người dân thủ đô gửi tặng đến người lao động miền Nam trong lúc họ khó khăn nhất" - chị Lĩnh tâm tình.
Tương tự, anh Đỗ Ngọc Kính, chủ nhiệm CLB thiện nguyện Tình bạn (Ninh Bình), cùng các thành viên triển khai chương trình "Kết nối yêu thương - Cùng miền Nam chống dịch". Các bạn trẻ trực tiếp kêu gọi trên mạng xã hội, đến trực tiếp nhà người dân vận động quyên góp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
"Chúng tôi bật khóc khi nhận được 1kg gạo từ cụ già 85 tuổi đi bộ quãng đường dài đến nhờ gửi tặng cho miền Nam. Một chú nông dân ở Hoa Lư (Ninh Bình) dù gia cảnh khốn khó, cả nhà chỉ trông mong vào vườn đu đủ nhưng cẩn thận cắt từng quả đu đủ, gói ghém tỉ mỉ mang đến và không quên dặn dò: "Gửi tặng đồng bào miền Nam giúp gia đình chú nhé". Đó là những sẻ chia dù nhỏ bé đã góp phần vào cuộc chiến đấu với COVID-19" - anh Kính nhớ lại.
Cùng chung sức để miền Nam vượt qua đại dịch, đại đức Thích Tâm Quang - phó giám đốc Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (Huế) - đã vào Bệnh viện dã chiến Thới Hòa (Bến Cát, Bình Dương) để góp sức chữa trị cho bệnh nhân. Khi đó bệnh viện có đến 13.000 ca bệnh và có thời điểm lên đến 18.000 ca.
"Tôi tự nguyện lên đường tham gia chống dịch không chỉ với tinh thần của người tu sĩ, mà là tinh thần trách nhiệm của một công dân, của một người bác sĩ, là phận sự chứ không chỉ là nguyện vọng" - bác sĩ, đại đức Thích Tâm Quang chia sẻ và nói thêm: "Một tháng làm việc ở Bệnh viện dã chiến Thới Hòa với tôi là cơ hội được phụng sự bằng chuyên môn mình đã được học. Và phụng sự cũng là tu tập của chính cá nhân mình".
Miền Trung: Trách nhiệm đáp đền
Cùng với cả nước, người dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã sẻ chia ân tình giúp đồng bào các tỉnh phía Nam vượt qua đại dịch vừa qua. Những nồi cá nục kho của bà con Đà Nẵng; những trái bí, bó rau xanh, bao gạo của đồng bào Quảng Nam, Quảng Ngãi; là hũ thịt ngâm mắm, hũ mắm ruốc sả, bọc cá khô của các bà, các mẹ nơi rốn lũ Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế... cùng những chuyến xe vào với bà con miền Nam.
Rồi từng đoàn y bác sĩ các bệnh viện miền Trung mang theo mệnh lệnh từ trái tim lên đường chi viện những điểm dịch nóng bỏng nhất. Trong tâm thức những con người miền Trung đi về phương Nam mùa dịch, ngoài những sẻ chia giúp đỡ đồng bào còn là dịp để trả ơn những ân tình mà mảnh đất miền Trung gian khó đã đón nhận vô số lần từ người dân TP.HCM và phương Nam sau mỗi trận bão lũ chà xát qua nơi này.
Bà Ngô Thị Kim Yến - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguyên giám đốc Sở Y tế - nhớ lại thời điểm TP chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Đà Nẵng đã nhận được sự chia sẻ, đùm bọc của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhiều tổ chức khác.
Đà Nẵng tri ân, trân trọng tất cả mọi sự giúp đỡ vào thời điểm khó khăn đó. Và đến khi dịch bệnh bùng phát tại các địa phương khác, với trách nhiệm, tình cảm của mình, Đà Nẵng sẵn sàng chia sẻ nhân lực, vật lực, kinh nghiệm phòng chống dịch cho các địa phương.
Bà Yến nói riêng với TP.HCM, đây là một trong những địa phương có sợi dây liên kết đặc biệt với Đà Nẵng. Rất nhiều người con của Đà Nẵng vào TP.HCM để học tập, lập nghiệp, sinh sống và xem như quê hương thứ hai của mình.
Đà Nẵng luôn dõi theo tin tức, chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà TP.HCM đã phải trải qua. Đà Nẵng đã thể hiện bằng những hành động thiết thực như ủng hộ TP.HCM 10 tỉ đồng, cử các đoàn nhân viên y tế có kinh nghiệm vào để hỗ trợ tại các bệnh viện, đón công dân Đà Nẵng trở về để giảm áp lực cho TP.HCM trong giai đoạn khó khăn nhất...
"Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là tình cảm của người dân Đà Nẵng đối với TP.HCM, chia sẻ với những khó khăn của bà con, nhất là những gia đình có thân nhân mất vì COVID-19. Chúng tôi hy vọng với sự đồng lòng, đoàn kết và hỗ trợ nhau, tất cả chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, mất mát và sớm khôi phục để bước vào những ngày bình thường mới" - bà Yến bày tỏ.
Lâm Đồng: hơn 28.000 tấn nông sản
Lực lượng bộ đội đưa rau lên xe máy lạnh từ Lâm Đồng chuyển đi TP.HCM - Ảnh: MAI VINH
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đến cuối tháng 9-2021, người dân Lâm Đồng đã gửi tặng TP.HCM và các tỉnh phía Nam hơn 28.000 tấn nông sản. Trong đó ủng hộ thông qua kênh tổ chức của UBND tỉnh Lâm Đồng là 6.000 tấn nông sản.
Ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc sở - cho biết trong thời gian chống dịch, bà con vùng rau hướng về TP.HCM bằng những xe rau đầy ắp. Có những loại rau khó bảo quản, UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc cùng doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang để dùng xe giường nằm máy lạnh chở đi TP.HCM và đưa đến tận các điểm cần tiếp ứng. Khi những chuyến xe lần lượt xuất bến suốt ngày đêm mang theo lượng nông sản ngày một lớn thì ngoài đồng, các nhóm thiện nguyện ra sức thu hái.
Chị Đinh Ngọc Bảo Vy (36 tuổi) là người đã tranh thủ lúc sản xuất hoa đang chững lại đã tham gia cùng nhiều người Đà Lạt lẫn người dân các tỉnh đang làm việc tại Đà Lạt đi gom rau tặng người dân vùng dịch. "Người Đà Lạt hào phóng, chủ xe vận tải không lấy tiền chở, chủ vườn cho rau không tính cân, ký mà cho nguyên vườn, cắt hết vườn này thì qua vườn khác. Nhờ vậy mà anh chị em chỉ lo cắt, đóng gói rồi tổ chức chuyển đi đúng giờ để kịp đến tay người nhận đúng lúc cần thiết nhất" - chị Vy kể.
M.VINH
Suất cơm của thầy cô cho người trở về
Cô Dương Thị Mười - hiệu trưởng Trường Thực hành sư phạm, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - vẫn lạc quan dù đã trải qua trên 4 tháng "3 tại chỗ". "Khi nào dịch bệnh hết, không còn người cách ly, không còn người bệnh thì mình mới nghỉ nấu cơm thiện nguyện" - cô Mười nói vui.
Trường Thực hành sư phạm có bếp ăn bán trú cho gần 1.000 học sinh. Khi dịch bệnh bùng phát, cô Mười quyết định trưng dụng bếp ăn của trường nấu ăn, cung cấp những suất ăn nghĩa tình cho những bệnh nhân, người dân trở về từ các vùng dịch phải cách ly. Các cô cấp dưỡng và nhiều giáo viên của trường cũng tình nguyện chung tay tham gia. Nhiều phụ huynh, nhà hảo tâm nhiệt tình hưởng ứng. Người ủng hộ gạo, người ủng hộ rau củ, thịt... để bếp ăn luôn đỏ lửa phục vụ bà con, y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu.
Mỗi ngày cô Mười và nhóm cộng sự nấu trung bình 700 - 800 suất ăn, có hôm cao điểm 1.200 suất. Mỗi suất ăn có giá trị khoảng 50.000 đồng.
KHẮC TÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận