Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sừng tê giác, vảy tê tê có công dụng chữa bệnh như lời đồn thổi.
Đây là thông tin các chuyên gia đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu bộ ảnh truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật, diễn ra tại Hà Nội ngày 27-9.
Vẫn muốn mua sản phẩm từ động vật hoang dã
Bà Bùi Thúy Nga (quản lý chương trình cấp cao, TRAFFIC Việt Nam) cho biết kết quả các nghiên cứu cho thấy 8% trong số 863 người (ở 7 tỉnh thành sử dụng nhiều nhất các sản phẩm này) được hỏi thừa nhận có sử dụng hoặc mua các sản phẩm từ tê giác, voi hoặc tê tê trong 12 tháng gần nhất. Trong đó, 8% cho biết họ có ý định mua những sản phẩm này trong tương lai.
Trong một khảo sát khác với mẫu 700 người, khoảng 5% số này đã mua rùa nước ngọt và rùa cạn cho các mục đích khác nhau trong 12 tháng gần nhất, trong đó mua để phóng sinh là mục đích chính (chiếm 43%).
Đặc biệt, trong hơn một năm gần đây, sau đại dịch COVID-19 thị trường xuất hiện sản phẩm mới là cao sừng tê giác được quảng bá tăng cường sức khỏe, đặc biệt là hệ miễn dịch. Nhiều người săn lùng vì cho rằng có hiệu quả chữa bách bệnh.
Sừng tê giác, vảy tê tê không có tác dụng chữa bệnh
Theo các chuyên gia, thực tế sừng tê giác được săn lùng nhiều tại châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam và Trung Quốc là do ảnh hưởng từ y học cổ truyền với quan niệm sừng tê giác có tính hàn có thể hạ sốt, chữa chảy máu cam, thanh nhiệt lương huyết và giải độc.
Một số người lại tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh. Đặc biệt là bệnh nan y như ung thư, hay được dùng để giải rượu hoặc tăng cường sức mạnh nam giới.
Còn vảy tê tê cũng được đồn thổi như "thần dược", có thể chữa đái tháo đường, tăng cường sinh lực, điều trị ung thư, chữa viêm xoang...
Trong khi đó, các nhà khoa học đã "giải phẫu" sừng tê giác và nhận thấy chúng có cấu trúc dạng ống liên kết với nhau, giống cấu trúc của mỏ chim và móng ngựa.
Bề mặt của sừng tê giác là một vỏ bọc keratin cứng. Keratin là một dạng protein hình sợi, được tìm thấy trong tóc, móng tay của con người và vuốt của các loài động vật, móng ngựa.
Trên thực tế, đến nay chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được các công dụng của sừng tê giác hay vảy tê tê dùng để chữa bệnh.
Các chuyên gia cũng cho rẳng cần đẩy mạnh truyền thông đến thầy thuốc y dược cổ truyền ngừng sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, tiến tới giúp Việt Nam kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, ngăn ngừa nguy cơ tuyệt chủng của các loài hoang dã.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận