28/12/2011 11:17 GMT+7

Không ban hành giá dịch vụ chung cư: Người dân chịu thiệt

LAN VI - D.NGỌC HÀ
LAN VI - D.NGỌC HÀ

TT - Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất UBND TP không ban hành khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn TP, sau hai năm nghiên cứu với nhiều lần đề xuất các mức giá khác nhau.

8HEakOav.jpgPhóng to
Trước đây khi chủ đầu tư quản lý, phí dịch vụ chung cư Hùng Vương Plaza (Q.5, TP.HCM) bình quân 1,6 triệu đồng/hộ/tháng. Nhưng khi bàn giao cho ban quản trị chung cư quản lý, phí dịch vụ chỉ khoảng 1,1 triệu đồng/hộ/tháng - Ảnh: LAN VI

Trong khi trên thực tế tại các chung cư ở TP dù người dân sử dụng các loại dịch vụ như nhau nhưng mỗi nơi thu mỗi giá. Và khi xảy ra tranh cãi về giá dịch vụ giữa chủ đầu tư - người dân, cuối cùng người dân phải chấp nhận vì không có sự chọn lựa nào khác.

Hai bên tự thỏa thuận

Cuối năm 2009, Sở Xây dựng TP đã trình UBND TP dự thảo quy định khung giá dịch vụ nhà chung cư. Theo đó, chia chung cư làm bốn hạng 1, 2, 3, 4 để tính giá, với mức giá 3.000-6.000 đồng/m2/tháng. Riêng nhà ở xã hội, chung cư cũ mức phí không quá 1.000 đồng/m2/tháng. Do có ý kiến cho rằng mức phí trên còn thấp nên sau đó Sở Xây dựng TP đề xuất tăng lên 5.000-8.000 đồng/m2/tháng.

Giá dịch vụ đến 23.000 đồng/m2/tháng

Qua khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM tại 18 chung cư trên địa bàn TP cho thấy mức giá dịch vụ cao nhất là 23.000 đồng/m2/tháng (gồm năm dịch vụ thiết yếu như: chi phí quản lý, điện nước công cộng, vệ sinh công cộng, bảo vệ an ninh trật tự và thang máy); giá dịch vụ thấp nhất 2.000 đồng/m2/tháng (gồm bốn dịch vụ thiết yếu: thu gom rác, vệ sinh, bảo vệ an ninh trật tự, thang máy).

Tuy nhiên, UBND TP cho rằng không nên phân hạng chung cư để thu phí dịch vụ mà nên chia thành hai dạng: dạng chung cư có những dịch vụ cần thiết tối thiểu (gom rác, vệ sinh, an ninh trật tự...) và dạng chung cư người dân tự thỏa thuận mức phí.

Sở Xây dựng TP tiếp tục đề xuất theo hướng: phần diện tích để ở thu phí dịch vụ tối đa 5.000 đồng/m2/tháng và diện tích dùng để làm việc, kinh doanh là 5.000 đồng/m2/tháng nhân với 1,2. Các dịch vụ riêng khác như hồ bơi, thể thao... do hai bên tự thỏa thuận.

Trong quá trình Sở Xây dựng TP soạn thảo dự thảo quy định mức phí chung cư, phần lớn doanh nghiệp được lấy ý kiến cho rằng không cần thiết ban hành giá dịch vụ chung cư vì không phù hợp với quy luật của thị trường. Theo các doanh nghiệp, đây là giao dịch dân sự về sử dụng nhà chung cư nên mức giá do hai bên tự thỏa thuận, còn bảng giá của TP chỉ mang tính tham khảo.

Sở Xây dựng TP nhận định rằng giá dịch vụ chung cư thuộc quan hệ dân sự, do bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở hợp đồng dân sự, điều tiết theo quy luật của thị trường. Nếu TP ban hành quy định giá dịch vụ chung cư thì khi có tranh chấp về mức giá giữa các bên, thay vì phải giải quyết tranh chấp theo hợp đồng, các bên sẽ khiếu nại hoặc khiếu kiện quyết định công bố giá dịch vụ chung cư. Mặt khác, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường luôn biến động nên cơ quan nhà nước không thể điều chỉnh giá dịch vụ chung cư kịp...Từ những lý do trên, Sở Xây dựng TP cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý tham mưu UBND TP ban hành quyết định giá dịch vụ nhà chung cư.

Cần có khung giá

Theo nghị định 71 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở), các chi phí sử dụng nhà chung cư, kể cả phí dịch vụ giữ ôtô, không được cao hơn mức giá dịch vụ do UBND cấp tỉnh quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Như vậy theo quy định này, UBND TP phải ban hành giá dịch vụ để khống chế mức phí chung cư. Tháng 9-2011, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về mức phí dịch vụ chung cư.

Ông Trần Công Khanh, trưởng ban quản trị chung cư Hùng Vương Plaza (Q.5), cho rằng TP nên ban hành khung giá dịch vụ chung cư để làm cơ sở cho người dân áp dụng. Hiện đa số chung cư do các chủ đầu tư quản lý và kinh doanh từ các dịch vụ chung cư nên hầu hết đều muốn TP không ban hành khung giá nhằm có lợi cho họ là điều dễ hiểu. Việc ban hành khung giá dịch vụ để khống chế các chủ đầu tư đưa ra mức giá quá cao và người dân căn cứ vào đó thỏa thuận với chủ đầu tư là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thủy, tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam, nói không nên bỏ khung giá vì thỏa thuận của đôi bên nên dựa theo mức giá chuẩn cố định.

Với tư cách cá nhân, bà Ung Thị Xuân Hương, phó giám đốc Sở Tư pháp TP, cho rằng mặc dù pháp lệnh về phí không quy định về phí dịch vụ chung cư, nhưng đây là vấn đề ảnh hưởng đến số đông. Theo bà Hương, trong quan hệ giữa người dân và chủ đầu tư, người dân ở thế yếu hơn. Hơn nữa, người dân luôn muốn đóng phí thấp, còn phía đơn vị quản lý luôn muốn thu phí dịch vụ cao nên rất khó gặp nhau trong việc thỏa thuận. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách quản lý phù hợp, không nên để dân tự “bơi”.

Ông Vũ Xuân Thiện, cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng nói rằng theo quy định thì địa phương phải ban hành mức phí dịch vụ chung cư. Mức phí này cao hay thấp tùy thuộc điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương nên địa phương nào không ban hành là sai quy định.

Không thể kiện quy định giá dịch vụ chung cư

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn luật sư TP.HCM, quy định giá dịch vụ chung cư là loại văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng chung cho nhiều trường hợp, không nhằm điều chỉnh một đối tượng cụ thể nào và quy định này dựa trên nghị định 71 của Chính phủ. Do vậy theo quy định, văn bản quy phạm pháp luật không thuộc đối tượng bị khởi kiện. Nếu quy định không phù hợp thì chủ đầu tư và người dân có thể kiến nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung.

LAN VI - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên