Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM trên diện tích 30,9ha đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng hiện nay nhiều dãy nhà còn bỏ hoang - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Các chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng chỉ nên có chính sách cho dân, chứ không nên có chính sách nhà ở tái định cư, bởi chính sách nhà ở tái định cư nặng tính bao cấp, phân phối, phi thị trường.
Dân không định cư, phải đem rao bán
Để thu hồi vốn cho Nhà nước, TP.HCM dự kiến bán đấu giá khoảng 6.000 căn hộ, trong tổng số khoảng 14.000 căn hộ tái định cư đang để trống trên địa bàn TP.
Kết quả kiểm toán hoạt động đầu tư, xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư trên địa bàn TP.HCM cho thấy việc TP thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 30.000 căn hộ phục vụ tái định cư trên địa bàn và chương trình đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã tạo được quỹ nhà đáp ứng nhu cầu bố trí tái định cư của TP cho tới thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, một số dự án tái định cư có thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, có dự án không bố trí được dân tái định cư, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư ngân sách - Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Trong đó, khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh quy mô đầu tư 30,9ha, gồm 531 nền đất và 2.240 căn hộ trên khu đất 30,9ha có hạ tầng đồng bộ, với tổng mức đầu tư ban đầu 542,6 tỉ đồng. Sau đó dự án đội vốn lên 1.620,1 tỉ đồng và giảm quy mô căn hộ xuống 1.939 căn hộ, giữ nguyên số nền đất.
Nhưng đến cuối năm 2017, sau 7 năm đưa vào khai thác, dự án tái định cư Vĩnh Lộc B mới bố trí tái định cư cho 479 hộ dân, và còn 1.460 căn hộ để trống.
Nguyên nhân do hầu hết người dân bị giải tỏa nhà đất đều sinh sống tại các quận trung tâm như quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận... không chấp nhận tái định cư quá xa.
Đến nay, hơn ngàn căn hộ để trống tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B xuống cấp, cửa sắt gỉ sét, vỉa hè lún sụt, mái căn hộ bị thấm, dột.
Tương tự, 3 dự án thành phần khu tái định cư Thủ Thiêm mới bàn giao 1.080 căn hộ, còn khoảng 3.790 căn hộ tái định cư đã hoàn thành gần 2 năm nay vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Các dự án khu tái định cư Long Sơn (quận 9), khu tái định cư T30 cũng chậm tiến độ hàng chục năm, đội vốn nhiều lần.
Đa số các khu tái định cư hiện nay dịch vụ thấp, điều kiện ở cũng thấp vì các chủ đầu tư dự án không quan tâm đúng mức đến điều kiện sống cho đối tượng tái định cư. Chính sách nhà ở tái định cư hiện nay mang tính áp đặt.
Ông TỐNG VĂN NGA (nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng)
Nguồn: Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nên bỏ nhà ở tái định cư
Nhận định về tình trạng người dân không vào ở nhà ở tái định cư, ông Tống Văn Nga - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng nhà ở tái định cư cho dân mà chỉ giao cho các doanh nghiệp xây để lấy tiền nhà nước là không ổn.
Cách tốt nhất, theo ông Nga, Nhà nước nên đền bù cho người dân bằng tiền để họ mua nhà ở theo nhu cầu. Với thị trường nhà ở nhiều lựa chọn như hiện nay, không thể bắt ép người dân vào ở nhà tái định cư được.
"Đó là chưa nói tới các dự án nhà ở tái định cư chất lượng thấp, điều kiện ở không đầy đủ thì chẳng người dân nào chấp nhận" - ông nói.
"Đa số các khu tái định cư hiện nay dịch vụ thấp, điều kiện ở cũng thấp vì các chủ đầu tư dự án không quan tâm đúng mức đến điều kiện sống cho đối tượng tái định cư. Chính sách nhà ở tái định cư hiện nay mang tính áp đặt" - ông Tống Văn Nga nêu quan điểm.
Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chỉ cần có chính sách tái định cư chứ không cần có nhà tái định cư.
Với chính sách tái định cư, khi Nhà nước lấy đất của dân để làm dự án thì phải đền bù cho họ có đủ điều kiện để đi ở một nơi khác. Nhà nước đã đền bù rồi, người dân muốn ở đâu là quyền của họ, thấy ở đâu thuận lợi thì họ mua tùy theo nhu cầu.
Mặt khác, người dân tái định cư còn có nhu cầu cho con cái học hành nên họ phải chọn nơi ở gần trường học, trạm y tế.
TS Phạm Sỹ Liêm cũng nêu quan điểm chính sách nhà ở tái định cư xuất phát từ tư duy bao cấp, nhà xây ra để phân phối chứ không để bán.
Đã theo cơ chế phân phối thì chủ đầu tư dự án tái định cư xây xấu, xây tốt người dân vẫn phải nhận nhà. Và chính cơ chế bao cấp làm cho các dự án nhà ở tái định cư thường xây chất lượng kém, thiết kế xấu.
Cơ chế xây dựng nhà ở tái định cư để phân phối hiện nay cũng đánh mất sự lựa chọn nhà ở của người dân, vì vậy nên bỏ chủ trương xây nhà ở tái định cư trong thời gian tới.
Với những nhà ở tái định cư xây dựng nhiều năm mà không có người ở thì nên tổ chức bán đấu giá để thu hồi vốn cho Nhà nước, tránh sự lãng phí tài sản.
Hà Nội dừng làm nhà ở tái định cư
Để khắc phục sự lãng phí trong chính sách đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, mới đây TP Hà Nội đã quyết định dừng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất thu hồi hàng trăm căn hộ tái định cư không có người ở sau 2 năm bàn giao nhà cho người dân, sau đó bán đấu giá để thu hồi vốn đầu tư.
Trên thực tế, vẫn còn hàng trăm căn hộ tái định cư khác đang trống nhưng chưa được Sở Xây dựng Hà Nội đưa vào danh sách thu hồi, tổ chức bán đấu giá trong đợt này.
Có thể kể tới khu nhà tái định cư Sài Đồng (Long Biên) với 150 căn hộ tái định cư do Handico 3 xây dựng hơn 10 năm nay đang để trống.
Khu nhà tái định cư Sài Đồng nằm trên khu đất vàng, cách trục đường Nguyễn Văn Linh khoảng 200m, một mặt giáp với đường trục lớn trong khu đô thị Sài Đồng.
Ba mặt còn lại của khu nhà tái định cư Sài Đồng đều giáp đường nội bộ đô thị Sài Đồng.
Đáng lưu ý, một mặt của khu nhà tái định cư Sài Đồng tiếp giáp với khu đô thị cao cấp Vinhome Reverside (Long Biên), khu nhà ở cao cấp bậc nhất Hà Nội hiện nay.
Xét về vị trí xây dựng, khu nhà ở tái định cư Sài Đồng có vị trí đắc địa nhưng kể từ thời điểm xây xong, khu tái định cư Sài Đồng chưa có bất cứ hộ dân nào tới ở.
Để tận dụng 1 phần tầng đế của khu tái định cư Sài Đồng, Handico 3 đã cho tổng thầu Hòa Bình thuê lại một phần tầng 1 khu tái định cư để làm văn phòng, chỗ trông giữ xe cho công nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận