Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam (giám đốc PVF - Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN) nói: “Cách làm của Trung tâm đào tạo trẻ VFF chưa thuyết phục bởi nhìn vào danh sách tập trung sẽ thấy không có mặt những cầu thủ xuất sắc nhất, nổi bật qua Giải vô địch U-15 toàn quốc 2013 của các trung tâm đào tạo trẻ nổi tiếng như Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Đồng Tháp, PVF hay Hoàng Anh Gia Lai. Không chỉ chúng tôi, ngay các trung tâm đào tạo trẻ còn lại cũng không chấp nhận việc đưa cầu thủ mà mình cất công tuyển chọn, sàng lọc, đào tạo cả một thời gian dài cho VFF. Ngoài ra, việc lấy cầu thủ tập trung dài hạn sẽ phá vỡ quy trình huấn luyện căn bản mà chúng tôi đã hoạch định ngay từ lúc tuyển chọn đầu vào...”.
Ông Huỳnh Mau (giám đốc điều hành CLB Hoàng Anh Gia Lai) cho biết: “Vừa qua, VFF gửi văn bản đề nghị CLB chọn một số cầu thủ sinh năm 1998 ra Trung tâm đào tạo trẻ kiểm tra, tập trung dài hạn để chuẩn bị cho Asiad. Nhưng CLB không thể chấp nhận yêu cầu ấy của VFF bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên là chế độ đầu tư cho các em. Cụ thể, tiêu chuẩn ăn uống, dinh dưỡng của mỗi cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai là 250.000 đồng/ngày, mỗi tháng ít nhất 7 triệu đồng và một năm là hơn 80 triệu đồng. Đó là chưa kể đến các khoản chi cho việc học văn hóa, ngoại ngữ, trang thiết bị tập luyện. So với khoản chi của VFF, rõ ràng chi phí của chúng tôi lớn hơn rất nhiều.
Kế đến, đào tạo cầu thủ trẻ bây giờ không chỉ dạy đá bóng mà còn phải hướng các em vào học văn hóa chính quy. Đi tập trung dài hạn ở Hà Nội chuẩn bị cho Asiad, việc học văn hóa không được đề cập đến thì từ cầu thủ đến phụ huynh rồi lãnh đạo của CLB không hề an tâm. Vì vậy, với các lò đào tạo trẻ đã có tiếng, chắc chắn không ai hào hứng với cách làm hiện nay của VFF”.
Một cán bộ quản lý có gần 10 năm làm công tác đào tạo trẻ (đề nghị không nêu tên) đưa ra con số về kinh phí đào tạo cầu thủ trẻ: “10 tuổi, các em được tuyển chọn vào trung tâm để đào tạo đến 18 tuổi mới kết thúc giai đoạn huấn luyện căn bản. Sau đó, mất thêm ba năm để đào tạo nâng cao mới mong xuất hiện ở V-League. Điều này đồng nghĩa phải mất hơn 10 năm mới đào tạo một cầu thủ thành tài. Trung bình chi phí cho mỗi cầu thủ tối thiểu là 200 triệu đồng/năm bao gồm ăn uống, dinh dưỡng, y tế, học văn hóa, trang phục tập luyện, thi đấu và đi học văn hóa, tiền di chuyển thi đấu, tiền tàu xe về phép...
Trong khi đó, kinh phí đào tạo trẻ VFF đưa ra mỗi năm là 8 tỉ đồng cho 60 cầu thủ (U-16 nam và U-19 nữ) đang tập trung ở Trung tâm đào tạo trẻ VFF. Chia ra, mỗi cầu thủ chỉ nhỉnh hơn 100 triệu đồng/năm. Đây là một con số chỉ ở mức trung bình. Với mức chi như thế thì làm sao có được tài năng như mong đợi. Đó là chưa nói đến việc đầu vào của lớp cầu thủ mà VFF đang quản lý chỉ là những cầu thủ bậc trung”.
Từ đây, vị cán bộ quản lý này đề nghị VFF nên sử dụng nguồn kinh phí được Nhà nước cấp đầu tư vào các trung tâm đang còn gặp nhiều khó khăn ở các địa phương, hỗ trợ giáo án tập luyện, giúp HLV ở các trung tâm thường xuyên tham gia các lớp học HLV quốc tế sẽ thiết thực hơn. Khi ấy bóng đá trẻ sẽ có sự phát triển rộng và mạnh trên quy mô cả nước nên điều kiện tuyển chọn nhân tài sẽ rộng hơn.
[box]Nên thanh tra VFF
Ngày 19-10, sau khi Tuổi Trẻ đăng hai bài viết “Hãy biết xót tiền của dân” và “Sông Lam Nghệ An không đưa cầu thủ cho VFF đào tạo”, trên các diễn đàn của người hâm mộ bóng đá VN nói chung, Sông Lam Nghệ An nói riêng đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Tuổi Trẻ. Một người hâm mộ có tên Hữu Trường đã viết: ”Nếu thật sự quan tâm đến lực lượng kế cận của bóng đá nước nhà thì Nhà nước nên đầu tư vào những địa phương sẵn có truyền thống, giúp họ có thêm kinh phí, con người, phương tiện... Chứ cứ nhìn vào bóng đá nước nhà bao năm nay thì rõ, các ông ấy có biết làm bóng đá trẻ đâu? Những chiến binh của thời bao cấp bám lại đang cố để hạ cánh an toàn thôi”.
Trên diễn đàn của Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An, mọi người cũng tán thành tuyệt đối với phát biểu của ông Nguyễn Hồng Thanh khi khẳng định sẽ không cung cấp cầu thủ cho Trung tâm đào tạo trẻ của VFF.Một người hâm mộ có nickname Hoài Niệm Miền Tây bày tỏ sự thất vọng với ông chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ khi đưa ra lời biện hộ “quá non”, kiểu như: ”Để có tiền ăn chơi, tôi phải nói dối ba mẹ là cần tiền để học thêm ngoại khóa. Nếu tôi nói cần tiền đi chơi thì chắc chắn ba mẹ tôi sẽ không cho!”. Rất nhiều người cùng tán thành đề xuất Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm rõ việc VFF sử dụng sai mục đích cả trăm tỉ đồng được rót từ ngân sách.
TR.HUY tổng hợp[/box]
[box]
Tiền tỉ nghe như chuyện đùa
Trong lúc miền Trung đang khổ, cả nước đang chắt bóp từng đồng để hỗ trợ miền Trung, vậy nên không khỏi giận run người khi đọc câu chuyện về Trung tâm đào tạo trẻ của VFF (LĐBĐ VN), với việc ông chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ “dối” Nhà nước lấy 100 tỉ đồng để làm chuyện vô bổ. Chưa hết, xài hết 100 tỉ đồng, các ông lại còn tìm cách “moi” thêm 56 tỉ đồng nữa để làm cái việc mà chính ông cũng thừa nhận chẳng có LĐBĐ quốc gia nào làm, đó là đào tạo trẻ.
Với tư cách là một người chủ của số tiền hơn 150 tỉ đồng mà ngân sách nhà nước đã chi cho VFF (tôi là người đã thực hiện rất tốt việc đóng các loại thuế, góp phần tạo nên ngân sách cho Nhà nước), tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm rõ việc VFF “dối” nhà nước lấy hơn 100 tỉ đồng để xây trung tâm đào tạo trẻ như đề nghị của báo chí. Bên cạnh đó, cũng đề nghị ngưng luôn việc cấp 56 tỉ đồng cho VFF dưới danh nghĩa đào tạo cầu thủ trẻ cho Asiad 2019.
Hàng triệu người dân miền Trung đang thiếu ăn thiếu mặc, không thể vô trách nhiệm với một đồng tiền thuế của dân, huống hồ ở đây là cả trăm tỉ đồng.
VIỆT ANH (TP.HCM)
[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận