Vô tư ngủ ở quán cà phê - Ảnh: Giang Phạm
1. Sân bay Tân Sơn Nhất, ga quốc tế. Hàng dài người Việt lẫn người nước ngoài đang xếp hàng ngay ngắn đợi qua cổng hải quan, một cặp đôi từ phía sau tiến lên nhìn bảng thông tin rồi bỗng dưng... chen ngang vào khoảng trống xíu xiu ở phía đầu trước nhiều ánh mắt ngạc nhiên. Thấy bạn nữ có vẻ ái ngại, bạn nam dửng dưng trấn an: "Chẳng ai biết mình đâu, có gì mà phải ngại!".
Câu nói đó khiến tôi chợt nhớ đến một lần trong rạp chiếu phim, chứng kiến hai bạn nữ trạc 9X thấy hàng ghế VIP trống liền kéo xuống ngồi và một nàng vô tư bình phim oang oang như giữa chợ. "Có ai biết mình đâu mà lo, khéo vẽ chuyện" - nàng ấy hồn nhiên nói với người bạn.
Hồng Vũ - gương mặt khởi nghiệp tại Mỹ, là một cô gái rất vui vẻ, hiền lành. Thế nhưng gần đây, Hồng Vũ khiến nhiều người ngạc nhiên với bài viết đầy giận dữ trên Facebook về những trường hợp tương tự.
"Điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều là vì sao mọi người lại thường im lặng trước những hành vi sai trái? Những cái nhìn ái ngại đó lẽ ra phải dành cho các bạn trẻ trên chứ?" - Vũ bộc bạch. Bài viết của Hồng Vũ thu hút hàng trăm lượt like (thích) và bình luận đồng quan điểm.
2. Có thời gian dài sống tại nước ngoài, Hồng Vũ cho rằng những hình ảnh trên rất hiếm gặp không hẳn vì ý thức của người phương Tây vượt trội hơn người Việt. "Một phần là do họ biết rằng mình chắc chắn sẽ bị nhắc nhở ngay khi làm điều sai, và họ sẽ bị mất mặt trước mọi người.
Đây là một khía cạnh tích cực của social pressure (tạm dịch: áp lực xã hội). Ở VN, mọi người dường như còn dễ thỏa hiệp" - Hồng Vũ khẳng định.
Thạc sĩ xã hội học Vũ Thái Hà nhận xét một số người xuất hiện tư duy "người khác làm điều xấu được thì tôi cũng làm được để tránh bị thiệt thòi, miễn là không phạm pháp".
Còn bạn Lâm Minh Triết (hệ kỹ sư tài năng ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng một trong những nguyên nhân người ta vô tư làm điều chưa đúng là do VN chưa có những sự kỷ luật, phê phán thích đáng cho những hành vi sai trái này.
"Mỗi con người, ngoài việc là hình ảnh của chính mình thì còn là hình ảnh đại diện một địa phương (thông qua giọng nói), một tầng lớp hoặc thế hệ nào đó. Do vậy, có thể người khác không biết bạn là ai nhưng thực chất điều bạn làm sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Lối suy nghĩ không ai biết mình nên làm sai cũng chẳng ngại là rất nông cạn và hẹp hòi".
"Chẳng hạn, giọng nói của bạn là đại diện vùng miền bạn đến, chưa kể trong thời đại công nghệ số thì những điều bạn làm hoàn toàn có thể bị ghi lại và nhận dạng trên mạng. Có thể bạn sẽ bị "định dạng" với những hành vi này, từ đó bị tước đi nhiều cơ hội" - tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân chia sẻ.
Ông Quân cho rằng những hành động trên dù không phạm pháp nhưng sẽ để lại các hệ quả đáng kể, người trong cuộc dễ bị mất bản lĩnh, nhân cách, thang giá trị theo đó chao đảo, dần chi phối diện rộng.
Giải pháp cho vấn đề này là gì, dĩ nhiên ngoài ý thức từ chính những cá nhân trên cũng cần sự lên tiếng, góp ý mạnh mẽ từ những người xung quanh.
Nhà khoa học Albert Einstein từng nhận định: "Trái đất sẽ không bị hủy hoại bởi những kẻ làm điều xấu, mà sẽ bởi những người chỉ đứng đó nhìn và không làm gì".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận