Mạng hải quan bị treo khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cơ quan hải quan thừa nhận tình trạng này, nhưng lại cho rằng lỗi chệch choạc một phần là do DN chưa nắm rõ quy định.
Doanh nghiệp khốn đốn
Bà Nguyễn Thị Hồng Diệp, phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH Vina Showa ở Bình Dương, cho biết từ ngày 17-9 đến chiều 20-9, khi mở tờ khai nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP.HCM, DN này không thể đính kèm chứng từ lên hệ thống điện tử, không lấy được thông tin xác nhận của hải quan.
Do không truyền được chứng từ nên cảng không có thông tin, vì thế không cho DN lấy hàng.
Điều oái oăm là, theo bà Diệp, dây chuyền của công ty "chạy tự động 24/24", máy không dừng, nên không có nguyên liệu sản xuất thì bị "đứng", hệ quả là hàng giao cho đối tác trễ, có nguy cơ bị phạt hợp đồng.
"Hơn nữa, còn bị mất khách hàng, thậm chí có thể phá sản bởi cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng khốc liệt. Đây không phải là lần đầu hải quan bị nghẽn mạng. Nếu tình trạng này không được khắc phục ngay, DN sẽ chết oan" - bà Diệp lo lắng.
Cực khổ không kém là những nhân viên làm dịch vụ hải quan khi phải chầu chực ở cảng đến tận khuya vì mạng chập chờn. Một trong số đó là anh Tuấn, cho biết đã phải túc trực tại hải quan mấy ngày nay để chờ lấy hàng ra.
Anh kể đêm 18-9 đợi ở cảng đến tận khuya do tờ khai hải quan không thể đưa lên mạng, hoạt động lấy hàng ngưng trệ. Đến ngày 21-9 mọi thứ mới tương đối ổn định, DN hiện được phép chuyển sang nộp hồ sơ thủ công như trước.
" treo đã gây thiệt hại quá nặng cho DN, hàng không lấy ra được phát sinh một loạt chi phí đóng thêm như tiền lưu kho, lưu công. Chúng tôi làm dịch vụ cho DN FDI, họ rất khó chịu nhưng cũng không biết giải thích vì sao", anh Tuấn nói.
Nhiều đại diện doanh nghiệp mệt mỏi tại quầy làm thủ tục hải quan vì mạng bị treo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hải quan: mạng chệch choạc là do... DN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục Hải quan TP.HCM thừa nhận ngay sau khi triển khai hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tự động (VASSCM) tại cảng Cát Lái ngày 24-8, hệ thống này đã gặp nhiều sự cố về lỗi không kết nối được, đặc biệt trong một số ngày và rơi vào giờ cao điểm khiến việc trao đổi thông tin chậm, ảnh hưởng đến không chỉ DN mà còn cả hải quan.
Đặc biệt trong hai ngày 17 và 18-9, khi hải quan siết việc thực hiện kiểm tra tờ khai qua khu vực giám sát có kèm chứng từ điện tử lên hệ thống thì dấu hiệu nghẽn mạng càng trầm trọng hơn.
Ông Đinh Ngọc Thắng, cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết: "Khi thực hiện có những chệch choạc ban đầu do DN chưa nắm hết về quy trình, định dạng. Ngoài ra cũng có một phần từ lỗi hạ tầng".
Cũng theo ông Thắng, để tạo thuận lợi cho DN, hải quan đã chấp nhận cho thông quan như trước đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Thành, phó cục trưởng Cục công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết theo quy định của thông tư 39, ngoài tờ khai hải quan, từ ngày 5-6, DN phải gửi đến cơ quan hải quan các chứng từ điện tử mới được xác nhận qua khu vực giám sát.
Tuy nhiên, từ ngày 5-6 đến nay, khi hải quan kiểm tra thì có không ít DN chỉ gửi tờ khai mà chưa đính kèm chứng từ điện tử, do đó Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu DN phải thực hiện đúng quy định này.
Điều này khiến trong hai ngày 17 và 18-9, các DN gửi liên tiếp những chứng từ điện tử của tất cả tờ khai từ tháng 6 lên hệ thống nên đã gây nghẽn mạng.
Sau sự cố, Tổng cục Hải quan ra văn bản hỏa tốc hướng dẫn ưu tiên những tờ khai mới, cho phép cơ quan hải quan thực hiện song song phương án thủ công lẫn hải quan điện tử kèm chứng từ điện tử, đồng thời cho phép những tờ khai nộp trước tháng 9, DN có thể gửi chứng từ dần trong khoảng một tháng và cần gửi ngoài giờ hành chính để tránh quá tải.
"Chúng tôi cũng đã tăng băng thông mạng Internet thuê của nhà mạng với 18 sợi cáp quang và mở thêm 2 cổng tiếp nhận thông tin thay vì trước đây chỉ có 1 cổng", ông Thành cho biết thêm.
Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định đến ngày 21-9, hệ thống hạ tầng mạng đảm bảo đáp ứng tiếp nhận dữ liệu một cách bình thường, ghi nhận thông tin của DN đầy đủ, bình thường.
Cơ quan này vẫn lo ngại về khả năng đáp ứng của hạ tầng mạng trong thời gian tới vì một tờ khai có tối thiểu 2 chứng từ với số lượng tờ khai bình quân một tháng trên 1 triệu của hơn 40.000 DN xuất nhập khẩu, nếu lượng tờ khai quá lớn có thể lại gây sập mạng.
Không có kịch bản ứng phó sẵn?
Giám đốc một DN kinh doanh dịch vụ logistics cho rằng đáng ra trước khi thực hiện chính sách mới, cơ quan hải quan cần phải tiên lượng được những khó khăn, thuận lợi và mức độ ảnh hưởng đến DN để khi có sự cố xảy ra thì có giải pháp xử lý kịp thời.
Theo vị này, sự cố nghẽn mạng hải quan cho thấy "chính sách đang đi sau cuộc sống", và cơ quan quản lý chưa chuẩn bị kỹ về hạ tầng, lại không hướng dẫn kịp thời khiến cả hải quan lẫn DN đều lúng túng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận