Nhiều công ty phải cử cả nửa lực lượng từ cấp phó, trưởng phòng đến ban lãnh đạo "tinh hoa nhất" để xử lý thu hồi nợ với động lực nếu không đòi được thì... Tết này không có thưởng.
Nghe hỏi chuyện nợ nần, ông T.H.N. - giám đốc điều hành công ty chuyên doanh vật liệu xây dựng và thiết kế, thi công ở TP.HCM - cười mếu nói:
"Tôi đang vã mồ hôi giữa trời lạnh cuối năm đây". Công ty ông N. đang bị nợ ngân hàng thúc ép, trong khi nhiều khách hàng nợ công ty lại cứ dây dưa mãi không trả. "Ngay từ tháng 6, tụi tôi đã phải căng đầu tính toán biện pháp thu hồi công nợ cuối năm, thế mà vẫn không đâu ra đâu", ông N. thở dài.
Đòi nợ mà như năn nỉ xin trả nợ
Ông T.H.N. có thâm niên 25 năm nghề. Ông hiện là CEO (giám đốc điều hành) công ty chuyên doanh vật liệu xây dựng, phân phối độc quyền mấy dòng sản phẩm từ châu Âu và làm cả thiết kế, thi công.
Trao đổi vấn đề dòng tiền công ty và công nợ, ông N. nói đã kinh nghiệm 10 năm làm kế toán trưởng và 5 năm CEO nên không lạ gì vấn đề phức tạp này, nhưng mấy năm nay nó thật sự làm ông liên tục căng thẳng, mất nhiều thời gian và nhân lực để xử lý.
"Ai cũng biết các doanh nghiệp lớn đều phải sử dụng tiền ngân hàng để làm vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, sau đó sẽ lấy tiền của khách hàng để cân đối lại dòng tiền, trong đó có phần lớn để trả nợ và tái vay.
Mấy năm gần đây, chúng tôi cũng như nhiều công ty liên quan lĩnh vực xây dựng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hồi công nợ", ông N. kể thêm chính mình là CEO nhưng cũng nhiều lần phải bươn bả trực tiếp đi đòi nợ.
Ông thở dài kể: "Phòng kinh doanh đòi, phòng kế toán đòi, giám đốc tài chính đòi và cả tôi cũng phải trực tiếp đi đòi nợ nhưng vẫn không ổn". Suốt từ tháng 6 đến nay, cả chục quản lý từ cấp trung trở lên của công ty đều ngược xuôi đòi nợ.
Giám đốc kinh doanh N. cũng mới bay đi Hà Nội tuần trước mà chưa có tín hiệu khả quan gì về khoản nợ gần 20 tỉ đồng của đối tác ngoài đó. "Công ty đã gửi thư điện tử thông báo thời hạn thanh toán nợ, rồi tới thư "xin" lấy nợ, và tôi đã bay ra thương thuyết vẫn chỉ nhận được lời hứa mà chưa hề có khoản tiền nào về tài khoản công ty", ông N. buồn bã cho biết đối tác lấy hàng của công ty ông than "làm ăn khó khăn".
Thực tế các khoản nợ của đối tác này thanh toán thì ít mà chồng thêm nợ thì nhiều, đến giờ đã hơn 20 tỉ đồng. Vị CEO đích thân bay đi đòi nợ mà cứ như đi xin tiền.
Ông kể mình đã hạ giọng mềm mỏng nói hiểu hoàn cảnh khó khăn của đối tác, nhưng chính công ty ông cũng đang bí quá, "xin" đối tác nếu không thanh toán hết thì cũng thanh toán phần công nợ tồn từ 2022 và 2023 để "anh em tụi tôi còn có chút đỉnh ăn Tết".
Bà giám đốc bên kia hết than thở lại hứa hẹn sẽ thanh toán 50% khoản nợ tồn, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đâu. "Đó chỉ là một khoản nợ lớn, sổ sách chúng tôi còn cả trăm khoản nợ khác từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng cũng rất khó đòi, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của công ty", ông N. nói từ giờ đến cuối năm mà việc thu hồi nợ không khả quan thì hoạt động kinh doanh công ty năm 2025 sẽ khó khăn nghiêm trọng, không thể nào cân đối được dòng tiền và việc nhập hàng về cũng bị bế tắc.
Tuy nhiên công ty lại không thể làm căng "tất tay" với các đối tác, vì sợ ảnh hưởng đến thị trường của mình vốn đang chịu áp lực cạnh tranh quá gay gắt...
Đủ thứ lý do không trả nợ
Chuyện khó của CEO T.H.N. chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện khó khăn mà chúng tôi ghi nhận được.
Các ngân hàng bị dư nợ xấu thì đều có công bố đầy đủ, nhưng nhiều công ty tư nhân, nhất là quy mô trung bình và nhỏ, hay các cơ sở làm ăn thì ráng "ngậm đắng" để còn cơ hội tiếp cận dòng tài chính vay và giữ mối khách hàng. Câu trả lời chung giống nhau của hầu hết là "nợ khó đòi nhiều lắm".
Ông N.H.V. - chủ một cơ sở hơn 20 năm sản xuất bao bì và sọt nhựa cho các nhà vườn, thương lái trái cây - nói như muốn khóc: "Mấy kế toán tôi tuyển vào đều lần lượt xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực cân đối công nợ mà nói thẳng ra là đi đòi nợ không được. Đủ thứ lý do không trả nợ, người làm ăn thua lỗ, phá sản, không còn tiền trả nợ.
Người cố tình chây ì, chiếm dụng vốn của mình. Người lấy tiền đầu tư bất động sản rồi không thanh khoản nổi, kể cả mấy ông bà chủ máu đỏ đen lấy tiền đi đánh bài bên Campuchia thua".
Ông V. kể sơ sơ đến giữa tháng 12 này sổ kế toán của ông có 39 khách hàng là "nợ xấu", trong đó người nợ ít nhất là 137 triệu đồng, người nợ nhiều nhất gần 3 tỉ đồng. "Mình sản xuất nhỏ, dùng vốn gia đình, anh em thân hữu là chính nên không nặng nợ ngân hàng như những nơi khác.
Tuy nhiên bị nợ dây dưa nhiều quá cũng mệt mỏi lắm, các kế hoạch phát triển đều kẹt cứng hết", ông V. cho biết đã đi xem dây chuyền máy làm bao bì gần 25 tỉ đồng ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm ngoái nhưng đến giờ vẫn không dám mua. Lý do khách hàng nợ xấu nhiều quá, trong đó đa phần là vì làm ăn khó khăn, nên ông không dám ra tiền đầu tư lớn.
Kể chuyện đi đòi nợ, ông V. cười mếu: "Nhân viên kế toán đi đòi, tôi đi đòi, rồi bà vợ tôi cũng đi đòi. Dọa cắt hàng họ không ngán, bả như năn nỉ con nợ ráng trả tiền chứ không thì bà nhảy sông, vậy mà họ cũng đâu có mấy người trả".
Tìm giải pháp hợp tình hợp lý cho hai bên
Trong khi đó, ông N.T.Q. - chủ một công ty san lấp ở quận 5 (TP.HCM) - nói ông cũng gặp đủ kiểu nợ khó đòi, đa phần là họ gặp khó khăn, rồi kẹt nợ dây chuyền người này đến người kia, kể cả tiền giải ngân các dự án quá chậm...
"Tôi biết nhiều người cũng thiện chí trả nợ nhưng bị mất khả năng dòng tiền. Khi đó, mình phải bình tĩnh ngồi lại với họ để tìm giải pháp hợp tình hợp lý cho cả hai bên, nếu cần thì mình phải khoanh nợ để họ còn điều kiện kinh doanh mà có ngày trả nợ", ông Q. (gần 30 năm trong nghề san lấp) nói việc thu hồi công nợ bây giờ là khó nhất trong hoạt động công ty, chứ không phải là việc tìm hợp đồng mới.
Gặp người làm ăn bết bát, không tiền trả nợ đã quá mệt mỏi, nhưng ông ngại nhất là những người cứ "lì lì" chiếm dụng dòng tiền của mình:
"Tụi tôi phải xử lý đủ kiểu rắn, mềm nhưng vẫn rất khó đòi. Họ hiểu quá rõ thế khó, thế kẹt của mình".
Cho vay nhỏ cũng rất khó đòi
Trong nhóm các cá nhân cho vay tiền hiện nay cũng gặp rất nhiều tình trạng khó đòi, thậm chí không thể đòi được. Bà N.T.H., một người chuyên cho vay tiền ở quận 4 (TP.HCM), cho biết tùy từng khách hàng mà bà ta cho vay mức lãi khác nhau. Với người quen đã có "lịch sử trả nợ tốt", bà H. cho vay lãi suất khoảng 1,5 - 2%/tháng.
"Đúng là tôi cho vay lãi cao hơn ngân hàng, nhưng đây là mức "tử tế nhất" so với những người cho vay nóng lãi cắt cổ. Tôi cho vay như vậy là còn để cửa cho họ có cơ hội làm ăn và trả được nợ", bà H. thừa nhận nhưng cũng than gần đây bị nợ khó đòi nhiều quá, phải chiếm gần một nửa số người bà cho vay.
"Những người này thì một số bỏ trốn, một số thì nói thẳng để từ từ họ kiếm cách làm ăn trả nợ, chứ có đòi căng thì họ cũng không có tiền để trả", bà H. than thở và cho biết đang giới hạn lại số người cho vay và số tiền cho vay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận