Ngày thường, gia đình tôi thường ăn sáng bằng mì gói. Sáng cuối tuần thì chở nhau đi thay đổi thực đơn bằng phở hoặc bún bò. Nói chung là những món ăn có nước.
Thú thật trước kia mỗi khi đi ăn ngoài quán, tôi cũng “sĩ diện” theo nhiều người là chỉ ăn phần “cái” theo kiểu “khôn ăn cái, dại ăn nước”. Và cũng như nhiều người, ít khi nào tôi ăn hết thức ăn của mình, bao giờ cũng để lại một ít, không dám ăn hết “sạch sành sanh” vì ngại mọi người nói mình “đói ăn” hay “mất lịch sự”. Vậy nên rất dễ nhìn thấy ở các quán ăn sáng, khi khách ăn xong thì trong tô vẫn còn nhiều thức ăn, nhất là nước. Lúc trước, có khi nghĩ về những tô nước thức ăn thừa này, tôi chỉ nhìn thấy ở đây sự lãng phí vì ai cũng biết nước lèo chủ yếu được nấu từ xương vừa ngon vừa bổ.
Từ khi có con, tôi bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến môi trường sống. Khi nhìn những tô nước thức ăn thừa ở hàng quán, tôi nghĩ đến chuyện để giải quyết lượng nước (thức ăn) thừa này, hầu hết các quán ăn đều trút xuống hố ga rồi cho ra cống. Nhất là những xe hủ tiếu, quán ăn “dã chiến” trên vỉa hè, người bán cứ tiện tay đổ thẳng xuống cống rãnh. Rồi nước từ cống ra kênh, rạch, chảy ra sông, còn sông đổ ra biển. Đại dương tuy mênh mông nhưng vẫn có giới hạn. Nếu cứ tiếp tục bị “hành hạ” thì hậu quả như thế nào mọi người đều rõ. Trong khi đó, hàng trăm ngàn quán ăn chỉ trên địa bàn TP.HCM mỗi ngày đổ ra sông Sài Gòn bao nhiêu mét khối nước thừa từ thức ăn, sức tàn phá của nó với môi trường mấy ai tính được.
Mỗi khi nói đến ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, chúng ta thường luận tội các nhà máy, xí nghiệp đang xả chất thải, song lại quên nghĩ rằng chỉ một thói quen không tốt trong ăn uống của chúng ta cũng chính là “thủ phạm”. Vậy nên, từ đó mỗi lần đi ăn quán, tôi không hề “khách sáo” khi “tiêu thụ” hết thức ăn đã gọi. Tôi cho đó là để không lãng phí, tiết kiệm và cũng là để bảo vệ môi trường. Tôi chia sẻ suy nghĩ này với bạn bè, dần dà các bạn tôi đã có nhiều người hưởng ứng phong trào “sạch sành sanh” của tôi.
Ở nhà, tôi có một số phòng trọ cho sinh viên thuê, tôi đặt hai thùng rác, một loại khô và một loại nước. Loại khô cũng chia thành hai loại: cái có thể tái chế thì bán chai bao, rác không tái chế được thì để xe rác đến lấy. Riêng thức ăn thừa để dồn lại cho các hộ nuôi heo đến lấy. Ở trường mầm non nơi tôi đang làm việc, chúng tôi luôn đổ thức ăn thừa của các cháu vào thùng lớn. Cuối buổi chiều có người đến thu gom về tận dụng nuôi heo. Vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi được chủ trại heo “lại quả” một con heo khoảng 20kg, đủ để gần 40 cán bộ, giáo viên trong trường liên hoan một bữa mừng năm mới vừa vui, vừa ý nghĩa.
Tất nhiên bây giờ không còn nhiều người nuôi heo đi lấy thức ăn thừa, nên vẫn còn nhiều người cứ đổ thức ăn thừa xuống cống. Tôi nghĩ bên cạnh việc tổ chức thu gom rác ở khắp mọi nơi, chính quyền cần bố trí thêm bên cạnh những thùng rác công cộng nơi lề đường những thùng đựng chất thải dạng nước. Gần các quán ăn uống nên đặt những thùng loại này ghi rõ “nước thải”, vận động chủ quán tự giác đổ nước thừa vào đây. Hằng ngày, dùng xe chuyên dụng chở đến địa điểm xử lý, tránh tình trạng mạnh ai nấy đổ và đổ bừa bãi xuống cống rãnh.
Ban tổ chức đã nhận được bài dự thi của các bạn Nguyễn Hoàng Thảo, Phạm Tử Văn, Vũ Đức Vinh (TP.HCM), Đinh Thành Trung (Hà Nội), Phạm Hoàng Nguyên (Long An), Trịnh Ngọc Hải, Nguyễn Thị Thảo (Bình Dương), Phan Đình Hoàn, Mai Thắng (Vũng Tàu), Nguyễn Thị Ngà (Đà Nẵng), Nguyễn Thành Giang (Quảng Nam)... Hạn chót nhận bài dự thi là cuối ngày 15-8-2013. Mong nhận thêm tác phẩm dự thi qua địa chỉ [email protected] (thi viết) và - xanh/(thi ảnh). Ban tổ chức |
Đơn vị phối hợp tổ chức
Phóng to
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận